Xây chắc “thế trận lòng dân” trên vùng đất Tây Nguyên

Thứ năm, 05/05/2022 09:29
(ĐCSVN) - Trên chặng đường chiến đấu và trưởng thành, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” của Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên) đã trở nên thân thương, gần gũi, gắn với sự phát triển của dải đất cao nguyên hùng vĩ, gắn liền với các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên.

Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Tư lệnh Quân đoàn 3 cho biết, với truyền thống “Quyết thắng - sáng tạo - đoàn kết - thống nhất - nghiêm túc - tự lực”, lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn nhận thức sâu sắc về nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ vững chắc vùng đất Tây Nguyên thiêng liêng của Tổ quốc. Ngoài nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng Quân đoàn chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân đoàn chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng Tây Nguyên giàu về kinh tế, vững về chính trị, mạnh về quốc phòng - an ninh.

leftcenterrightdel
Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 7 giúp nhân tại làng Hway (xã Hà Tam, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai). Ảnh: Nguyễn Chiến. 

Thực hiện nhiệm vụ trung tâm là xây dựng Tây Nguyên giàu về kinh tế, Quân đoàn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”. Hiện nay, các đơn vị trong Quân đoàn kết nghĩa với 150 cấp ủy, chính quyền địa phương và 63 cơ quan, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội tại thôn, làng, xã, huyện và các hội quần chúng; ký kết tham gia xây dựng nông thôn mới (NTM) tại 20 xã thuộc các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk.

Những năm qua, Quân đoàn cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng NTM ở nhiều xã của tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk và Bình Định. Từ năm 2010 đến nay, Quân đoàn đã giúp 20 xã trên địa bàn các tỉnh xây dựng NTM. Theo đó, đơn vị  hỗ trợ kinh phí, phương tiện và trên 340.000 ngày công, tham gia xây dựng 37,55 km đường bê-tông nông thôn; cứng hóa 564 km đường giao thông nông thôn; đào 211 km kênh mương nội đồng; hỗ trợ kinh phí, tham gia hàng nghìn ngày công xây dựng và tu sửa 13 trường học, 135 phòng học, 13 nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng; sửa chữa 4 trạm y tế, 2 chợ.

Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị số 12-CT/BTVTU, ngày 13/2/2018, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai về “Xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số”, các đơn vị đã giúp dân di chuyển gần 300 ngôi nhà, hàng trăm chuồng trại chăn nuôi, làm hơn 1.000 mét hàng rào tại 4 làng đồng bào dân tộc thiểu số; tham gia có hiệu quả việc khắc phục, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn và sự cố môi trường; vận động, hướng dẫn Nhân dân định canh, định cư, giãn dân, tách hộ, lập vườn, ổn định để phát triển kinh tế; từng bước hạn chế, tiến tới xóa bỏ các tập tục lạc hậu.

Quân đoàn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong việc giao đất, giao rừng để Quân đoàn quy hoạch, bố trí vị trí khu vực đóng quân, xây dựng công trình phòng thủ, căn cứ hậu cần, kỹ thuật, hệ thống kho tàng, thao trường, bãi tập, trồng rừng vành đai, làm đường tuần tra biên giới. Đặc biệt, Quân đoàn xây dựng 1.015 nhà ở công vụ cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng, tạo điều kiện cho cán bộ, chiến sĩ ổn định hậu phương, yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với Tây Nguyên, góp phần tăng cường thế trận phòng thủ vững chắc trong khu vực. 

leftcenterrightdel
Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Thông tin 29 cùng bà con làng Plei Trớ, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai cõng nhà sàn về vị trí mới. Ảnh Nguyễn Chiến. 

Cùng với đó, Quân đoàn chú trọng xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, thực hiện tốt phương châm “Bốn cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc); “Bốn bám” (bám nghị quyết của đảng các cấp, bám địa bàn, bám Nhân dân, bám công việc); trong đó, chú trọng địa phương và đơn vị cùng làm, lấy Nhân dân làm chỗ dựa; cấp ủy, chính quyền địa phương là người hướng dẫn chỉ đạo; tiến hành phải kiên trì, làm đến đâu chắc đến đó, xây dựng các mô hình điểm ở thôn, làng, xã, phường từng mặt và toàn diện, từ đó rút kinh nghiệm phổ biến, nhân rộng các điển hình, nhân tố mới từ thực tiễn.

Cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn thường xuyên có mặt ở các địa phương cách xa đơn vị hàng trăm ki-lô-mét, không ngại đèo cao, vực thẳm, xuyên rừng, lội suối, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách; đồng cam cộng khổ, chia ngọt, sẻ bùi với đồng bào các dân tộc nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh ở địa phương; nhận rõ bản chất, âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù và cách phòng, chống chiến lược “Diễn biến hoà bình”, bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch; hướng dẫn đồng bào trồng lúa nước, cà phê, cao su… xóa bỏ các tập tục lạc hậu, thực hiện định canh, định cư, sống “tốt đời, đẹp đạo”; phòng, chống dịch bệnh…

Đặc biệt, sau sự kiện bất ổn xảy ra trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên vào năm 2001 và 2004, theo yêu cầu của các địa phương, được sự nhất trí của Bộ Quốc phòng, Quân đoàn thành lập 123 tổ, đội công tác chuyên trách, trực tiếp đến các “điểm nóng” để tăng cường cho cơ sở, tham gia cùng địa phương xây dựng, củng cố 354 chi bộ thôn, làng; 324 tổ chức chính quyền thôn, làng, xã và trên 600 tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội; tham mưu giúp các tổ chức cơ sở đảng thành lập 14 chi bộ dân quân tự vệ; phối hợp với chính quyền địa phương, thuyết phục hàng trăm đối tượng lầm lỗi đứng ra nhận khuyết điểm trước Nhân dân; tiến hành phân hóa, giáo dục, cảm hóa các đối tượng lầm lỗi, đưa họ trở về với gia đình, tổ chức sản xuất, tạo điều kiện xây dựng cuộc sống mới. 

Có một số xã trước đây còn nhiều yếu kém, là trọng điểm về vấn đề dân tộc, tôn giáo, nhưng nhờ có bộ đội tuyên truyền, vận động, nói rõ đúng, sai nên đã trở thành địa bàn ổn định, tiêu biểu như xã Rờ Kơi, Mô Rai (huyện Sa Thầy); xã Đăk Kôi (huyện Kon Rẫy); xã Văn Lem (huyện Đăk Tô) của tỉnh Kon Tum; xã Ia Dom, Ia Lang (huyện Đức Cơ); xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện) của tỉnh Gia Lai.

Trải qua 47 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đoàn và 81 tập thể trực thuộc Quân đoàn được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 44 cán bộ, chiến sĩ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Quân đoàn luôn giữ vững và phát huy truyền thống, xứng đáng với 12 hai chữ vàng: “Quyết thắng - sáng tạo - đoàn kết - thống nhất - nghiêm túc - tự lực”, xây chắc “thế trận lòng dân” trên vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ./.

Nguyễn Văn Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực