Xứng danh Bộ đội Cụ Hồ

Thứ bảy, 24/07/2021 18:24
(ĐCSVN) - Trở về từ cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới với thương tật đầy mình, cuộc sống nghèo khó vùng quê chiêm trũng trong giai đoạn đất nước khó khăn…nhưng vợ chồng ông vẫn vượt qua để nuôi 3 con ăn học và hiện đang công tác trong ngành quân đội, công an.

Người chúng tôi nhắc đến là thương binh Trịnh Văn Phương (SN 1962), trú tại thôn Thạch Tổ, xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm (Hà Nam).

Năm 1984 ông Phương đi bộ đội và đóng quân ở huyện Thanh Thủy (tỉnh Hà Giang), biên chế tại đại đội 5, tiểu đoàn 5, trung đoàn 153, sư đoàn 356. Khi ấy, tình hình cuộc chiến đang giai đoạn cam go, biên giới phía Bắc Tổ quốc đang bị kẻ thù xâm phạm. Ông Phương cùng đồng đội chiến đấu ngoan cường trấn giữ tại chốt 685 (vốn là cửa lên tấn công của giặc), trong một trận đánh sinh tử không cân sức, chốt ông đóng trấn thủ bị trúng đạn cối và pháo làm nhiều chiến sỹ hy sinh, ông Phương bị thương nặng, phần cẳng tay trái bị dập nát và nhiều mảnh đạn găm trên người, sau này giám định bị thương tật mất 41% sức khỏe vĩnh viễn, là thương binh hạng 3/4.

Sau thời gian dưỡng thương, năm 1986 ông trở về quê hương và xây dựng gia đình. Vợ chồng ông lần lượt sinh hạ được 3 người con trai. Cuộc sống những năm bao cấp khốn khó, nhưng vợ chồng ông vẫn nỗ lực vượt khó để con cái được học hành đến nơi đến chốn.

Những năm nuôi các con ăn học, vợ chồng ông Phương đã làm đủ thứ nghề; ông làm bưu tá cho xã, bà đi "buôn thúng bán đụng" lông gà lông vịt, ngoài ra vợ chồng thương binh nghèo còn cấy thêm rất nhiều ruộng (miếng thầu lại của người làng, miếng thầu của xã, có lúc cao điểm lên đến 5 mẫu ruộng)... Thi thoảng vết thương trong người tái phát, cơ thể ông đau quằn quại, xong nghĩ đến tương lai của các con ông vẫn gắng vượt qua.

Ông Phương tự hào khi các con mình thành đạt trong môi trường quân đội và công an.  

Các con ông ngoài thời gian đến trường, về nhà cũng hỗ trợ đắc lực việc đồng áng cho gia đình. Khi các con học cao lên, có lúc túng thiếu quá vợ chồng ông phải sang họ hàng vay tiền, gạo cho các con đi học xa, thậm chí vay lãi lúa, đến mùa trả nợ 1 tạ vay thành 1,8 tạ…

Sau một số năm vật lộn với đồng ruộng, do là thương binh, sức khỏe bất ổn nên ông Phương thường xuyên đau ốm. Trước tình cảnh ấy, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho ông đấu thầu thu phí khu chợ thôn ở xã, để ông có thêm nguồn thu nhập ngoài số tiền trợ cấp ít ỏi, chắt chiu nuôi đàn con ăn học.

Sự cố gắng của vợ chồng ông đã được đền đáp xứng đáng bằng sự thành đạt của các con hôm nay. Con trai cả Trịnh Văn Cương (SN 1987) sau khi tốt nghiệp Trường Sĩ quan Lục quân 1 (Đại học Trần Quốc Tuấn), nay công tác tại Học viện Phòng không - Không quân; con trai thứ 2 là Trịnh Văn Quyết (SN 1989) tốt nghiệp Học viện Cảnh sát, hiện nay đang công tác tại Công an tỉnh Hà Nam; người con trai thứ 3 là Trịnh Văn Thành (SN 1991) tốt nghiệp Cao đẳng Cảnh sát Nhân dân 1, hiện đang công tác tại Công an tỉnh Quảng Ninh.

Sự đồng cảm của một người mồ côi cha mẹ từ nhỏ, mặc dù gia đình còn nhiều khó khăn song là người có tấm lòng nhân hậu biết sẻ chia, mỗi mùa tựu trường về ông lại gói ghém những món quà nho nhỏ là quyển sách cái bút, tiền mặt, có lúc vài chục cân gạo để ủng hộ cho những học sinh tại địa phương mồ côi cha mẹ, có hoàn cảnh khó khăn… Ông cũng là người khá năng nổ trong công tác xây dựng quỹ khuyến học khuyến tài của địa phương, trong đó bản thân cũng là một tấm gương sáng, minh chứng là gia đình hiện lưu giữ nhiều giấy khen, bằng khen “Gia đình hiếu học” do đoàn thể các cấp trao tặng.

Nay các con của ông Phương đều đã thành đạt, ông Phương cũng không còn làm bưu tá do vấn đề sức khỏe của người có thương tật. Song ông cho biết, bản thân và gia đình không bao giờ quên, thậm chí luôn biết ơn nghề bưu tá khi xưa, bởi cái nghề đó đã thêm thắt từ những đồng bạc lẻ giúp vợ chồng ông nuôi đàn con ăn học nên người.

Nhận xét về ông Phương, ông Ngô Đình Lịch, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm cho biết: “Thương binh Trịnh Văn Phương là người tính tình thẳng thắn chất phác, có chí khí vượt qua hoàn cảnh khó khăn, là tấm gương sáng trong phong trào học tập ở xã mà chúng tôi chọn làm làm hình mẫu tuyên truyền nhiều năm qua. Đồng thời ông Phương có một tấm lòng cao đẹp với công tác khuyến học, đã có nhiều ủng hộ thiết thực, kịp thời cổ vũ cho phong trào khuyến học khuyến tài tại địa phương…”

Từ lâu, mảnh đất Hà Nam vốn được biết đến là vùng quê hiếu học, đất học, đến nay toàn tỉnh đã có 64.284 gia đình hiếu học, 1.756 dòng họ hiếu học và 698 cộng đồng khuyến học. Những gia đình hiếu học như ông Phương hẳn là nhân tố quan trọng để góp phần vào đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động xây dựng "Gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học" của Hội Khuyến học tỉnh phát động nhiều năm qua. Và hơn thế, những kết quả mà gia đình thương binh Trịnh Văn Phương đã đạt được đã góp phần phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ "thương binh tàn nhưng không phế" đóng góp công sức của mình cho gia đình và xã hội./.

Bài, ảnh: Tuấn Nam

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực