Cần tăng cường kiểm soát thanh khoản của ngân hàng

Thứ tư, 27/01/2010 15:59
Việc chúng ta cần làm là điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt hơn. Các chính sách  phải giúp cho thị trường đoán trước được những thay đổi. Chính sách tiền tệ cần phải theo sát diễn biến của thị trường.

Ông Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Nghiên cứu Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright đã khẳng định như vậy khi trao đổi với báo chí về chính sách tài chính thời kỳ hậu khủng hoảng.

PV: Theo ông, năm 2010, chính sách tài khoá cần tập trung vào những điểm nào?

Ông Vũ Thành Tự Anh: Dù vẫn có cảnh báo của các chuyên gia rằng thế giới có thể rơi vào khủng hoảng kép nhưng nhìn chung có những dấu hiệu khiến chúng ta có thể hy vọng trong 2010 sẽ có những chuyển biến tốt đẹp.

Trong bối cảnh này, chính sách tài khóa nên có những động thái tích cực để hỗ trợ cho sự tăng trưởng của nền kinh tế nhưng đồng thời phải theo dõi các biến số, cụ thể biến số về tiêu dùng, đầu tư của tư nhân. Nếu 2 biến số này tăng lên thì đầu tư của nhà nước sẽ giảm đi và không làm cho nền kinh tế trở nên quá nóng. Yếu tố quan trọng nữa là tăng cường tính hiệu quả, then chốt vẫn là tăng trưởng hiệu quả. Nếu chúng ta đầu tư rất nhiều nhưng vẫn không tăng được hiệu quả, giá trị gia tăng thì kết quả cuối cùng cũng không đạt được như mong muốn. Ngân sách đầu tư cho kinh tế lên tới 43% GDP. Đây có lẽ là mức cao nhất thế giới và khó có thể duy trì lâu được với một nền kinh tế như Việt Nam.

Nhìn lại năm 2008, lạm phát chỉ tăng lên một chút là tăng trưởng giảm đến 2-3%. Ôn định kinh tế vĩ mô là cần thiết vì đang xuất hiện dấu hiệu nền kinh tế đang nóng trở lại. Tháng 8/2009, CPI chỉ tăng khoảng 2%, còn đến tháng 1/2010, CPI đã tăng lên 9% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, tín dụng đã bắt đầu tăng lên…

Kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa luôn có độ trễ. Nếu không muốn lạm phát tái phát vào tháng 5-6 tới thì chúng ta phải hành động ngay từ bây giờ.

PV: Vậy có phải trong tình hình hiện nay rất cần áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ, thưa ông?

Ông Vũ Thành Tự Anh: Tôi không nghĩ là cần thiết phải có động tác này. Việc chúng ta cần làm là điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt hơn, kiểm soát thanh khoản của ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước phải can thiệp để giảm căng thẳng về thanh khoản như giảm lãi suất để việc cho vay và huy động trở nên thuận tiện hơn. Thực tế, Ngân hàng Nhà nước qui định lãi suất trần là 12% nhưng các ngân hàng đang cho vay ở mức 15%-17% và kèm theo một số khoản phí. Khi điều hành chính sách tiền tệ, cần phải theo sát diễn biến của thị trường và làm cho thị trường tiền tệ, thị trường tài chính và bức tranh vĩ mô được ổn định hơn.

Các chính sách  phải giúp cho thị trường đoán trước được những thay đổi. Tránh tình trạng chính sách thay đổi đột biến, DN sẽ trở tay không kịp. Khi đó, thiệt hại cho DN sẽ rất lớn, nhất là khi họ thực hiện các khoản đầu tư trung và dài hạn.

PV: Quan điểm của ông về thực tế các DN đang phải vay vốn vượt trần 12%, mức mà Ngân hàng Nhà nước khống chế?

Ông Vũ Thành Tự Anh: Rõ ràng đó là thiệt thòi lớn cho các DN Việt Nam vì khi nền kinh tế thế giới bắt đầu hồi phục, tức là các cơ hội cho DN Việt Nam tăng lên. Cụ thể, thị trường xuất khẩu của họ có thể được mở rộng, các đơn hàng mới sẽ được ký. Trong lúc này, các DN cần phải có vốn, huy động nguồn lực để sản xuất, kinh doanh. Thế nhưng lại có tình trạng khi thế giới lạnh (năm 2008) thì mình lại rất nóng. Còn khi thế giới ấm dần lên thì mình lại dường như đang bắt đầu phải thắt chặt tiền tệ. Đó là động thái mà chúng ta thấy đáng tiếc vì đi ngược lại cái sự hồi phục của kinh tế thế giới. Điều đó có nghĩa là sẽ hạn chế khả năng các DN Việt Nam nắm bắt được các cơ hội nhờ sự phát triển chung của nền kinh tế thế giới.

Khi cho vay vượt trần, rủi ro pháp lý cho cả người cho vay và đi vay đều rất cao.

PV: Quan điểm của ông về việc điều hành tỷ giá năm 2010 như thế nào?

Ông Vũ Thành Tự Anh: Ngân hàng Nhà nước cần có thông tin tốt hơn đối với thị trường, cụ thể là thông tin liên quan đến cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối, lãi suất cơ bản, các điều chỉnh và can thiệp của Nhà nước. Nếu có sự giao tiếp thông tin giữa Ngân hàng Nhà nước và thị trường thì thị trường sẽ vận hành hiệu quả hơn.

Việc tăng cường trao đổi và minh bạch thông tin góp phần tăng niềm tin của người tiêu dùng, người dân đối với điều hành vĩ mô của chính phủ, làm cho điều hành có hiệu quả hơn. Về Chính sách vĩ mô, 70-80% là niềm tin. Thị trường không quan tâm đến việc tỷ giá là 19,5 hay 19,4, nhưng thị trường cần có tín hiệu rõ ràng là định hướng điều chỉnh tăng hay giảm, thắt chặt hay nới rộng.

PV: Xin cảm ơn ông!/.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực