Trái phiếu quốc tế: Những câu hỏi quanh lợi tức 6,95%

Thứ năm, 28/01/2010 15:26
Vì sao lợi tức trái phiếu Chính phủ Việt Nam cao hơn của Indonesia và Phillippines, dù có định mức tín nhiệm tốt hơn? Ngày 26/1, Bộ Tài chính ra thông cáo đã tổ chức thành công đợt phát hành trái phiếu Chính phủ lần thứ hai ra thị trường vốn quốc tế.

Thông cáo cho biết, qua phối hợp với tổ hợp bảo lãnh bao gồm Barclays Capital, Citi, Deutsche Bank, sau khi tổ chức quảng bá quảng bá tại các thị trường châu Á (Hồng Kông), châu Âu (London) và châu Mỹ (Boston, New York), ngày 25/1, tại New York (Mỹ), đợt giao dịch phát hành 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế kỳ hạn 10 năm của Chính phủ Việt Nam đã được thực hiện với lãi suất danh nghĩa (coupon) 6,75%/năm; theo đó lợi tức phát hành là 6,95%.

Trái phiếu này được niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore và đáo hạn vào ngày 29/1/2020.

Bộ Tài chính cho rằng đợt phát hành này diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế thế giới chưa thực sự thoát khỏi khủng hoảng; đặc biệt trong thời gian quảng bá, thị trường thế giới có nhiều biến động bất lợi do ảnh hưởng của các thông tin như: một số ngân hàng trung ương các nền kinh tế lớn tuyên bố thắt chặt tín dụng, tuyên bố của Tổng thống Mỹ về việc tăng cường kiểm soát hoạt động ngân hàng, kết quả kinh doanh xấu của nhiều ngân hàng đầu tư và tập đoàn kinh tế lớn của Mỹ, tình trạng thất nghiệp cao kỷ lục tại Mỹ, thị trường chứng khoán mất điểm mạnh, nhu cầu đầu tư yếu hơn rất nhiều so với thời điểm đầu tháng 1/2010.

“Tuy nhiên, với sự nỗ lực của công tác quảng bá, chào bán trái phiếu (roadshow) của nhà phát hành và tổ hợp bảo lãnh, đợt phát hành đã thành công tốt đẹp, đạt được mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra. Kết quả của đợt phát hành này có ý nghĩa rất quan trọng, tiếp tục mở ra kênh huy động vốn trên thị trường quốc tế của Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới cho đầu tư phát triển”, thông cáo của Bộ Tài chính viết.

Về đợt phát hành trên, trao đổi với phóng viên báo chí, chuyên gia tài chính Mạc Quang Huy cho rằng, về cơ bản, đợt chào bán thành công sẽ có tác động tích cực trong giai đoạn hiện tại, giúp giảm áp lực một số vấn đề vĩ mô của Việt Nam như thâm hụt ngân sách cũng như dự trữ ngoại tệ và tỷ giá.

“Việc huy động lần này trên thị trường quốc tế là giải pháp hợp lý bởi qua các phép thử phát hành trái phiếu ngoại tệ trong nước năm 2009 cho thấy chỉ thành công với kỳ hạn ngắn (dưới 3 năm). Sẽ không khả thi huy động vốn ngoại tệ trong nước với kỳ hạn dài 10 năm”, ông Huy nói.

Về kết quả của đợt phát hành, điểm mà giới quan sát quan tâm nhất là mức lợi tức. Nhiều thông tin phản hồi về VnEconomy những ngày qua cùng có băn khoăn về con số 6,95%, liên quan đến định mức tín nhiệm và so sánh với kết quả phát hành của một số quốc gia trong khu vực gần đây.

Theo phân tích của ông Mạc Quang Huy, xét về giá cả thì mức lợi tức 6,95%/năm phản ánh tương đối sát diễn biến thị trường. Mức lợi tức này cao hơn mức lợi tức của Indonesia và Phillippines phát hành gần đây đến 1%/năm, mặc dù định mức tín nhiệm của Việt Nam cao hơn cả Indonesia và Phillippines một bậc. Điều này có thể giải thích một phần do thời điểm phát hành của Việt Nam có một số yếu tố bất lợi.

Nguồn cung trái phiếu các quốc gia mới nổi trong thời gian gần đây rất lớn (trên chục tỷ USD từ Indonesia, Phillippines, Hy Lạp, Mehico, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Slovakia...) do nhu cầu kích thích kinh tế sau khủng hoảng của các quốc gia này. Trong khi đó mới đây, Tổng thống Mỹ Obama đề xuất đưa ra một số quy định hạn chế các định chế tài chính nắm giữ các khoản đầu tư rủi ro. Ngoài ra thị trường tài chính quốc tế cũng đang lo ngại về các biện pháp thắt chặt kinh tế của Trung Quốc. Các yếu tố này góp phần làm giảm mức độ hấp dẫn của trái phiếu Việt Nam.

Cụ thể, xét về mức độ đăng ký, ngay trong tháng 1 này, Indonesia phát hành 2 tỷ USD trái phiếu 10 năm có lượng đăng ký lên tới 5 tỷ USD; Phillippines phát hành 1,5 tỷ USD trái phiếu 10 năm có lượng đăng ký lên tới 9 tỷ USD. Nhưng đến khi Việt Nam phát hành với khối lượng thấp hơn (1 tỷ USD) thì khối lượng đăng ký chỉ khoảng 2,4 tỷ USD. Mức độ đăng ký thấp cũng đồng nghĩa với lợi tức phát hành cao.

Tuy nhiên, ông Huy cho rằng cần nhìn nhận đây là những rủi ro bình thường trong quá trình phát hành chứng khoán. Bản thân Indonesia cũng đã phải điều chỉnh lượng vốn huy động của họ trong quá trình phát hành vừa qua (giảm từ 4 tỷ USD xuống 2 tỷ USD và hủy bỏ phát hành trái phiếu 30 năm).

Cũng theo quan điểm của chuyên gia này, cần nhìn thấy điểm sáng trong kết quả phát hành nói trên.

“Thứ nhất, nếu phát hành đầu năm 2009, chúng ta đã phải trả mức lợi tức không thấp hơn 10%. Như vậy phát hành tại thời điểm này với mức lợi tức dưới 7% là một chiến lược đúng đắn. Hơn nữa, mức lợi tức phát hành lần này khá gần với mức lợi tức hiện hành của trái phiếu của Việt Nam phát hành 2005 (thời hạn còn lại gần 6 năm). Điều này thể hiện mức độ quan tâm của nhà đầu tư bởi thông thường thời hạn càng dài thì lợi tức phải càng cao để bù đắp cho mức độ rủi ro”, ông Huy phân tích.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực