Phát triển nông nghiệp ở Gia Lai cần sự phối hợp chặt chẽ của Nhà nước, doanh nghiệp và người nông dân

Thứ bảy, 07/12/2024 09:03
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Câu hỏi đặt ra là tại sao với những lợi thế sẵn có, xuất khẩu nông sản của Gia Lai lại chưa đạt được kết quả như mong đợi? Điều gì đang kìm hãm sự phát triển của ngành nông nghiệp, và làm thế nào để biến tiềm năng thành lợi thế, đưa nông sản Gia Lai vươn xa ra thị trường thế giới?
 Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Bá Chí Nhân cho rằng, cần sự phối hợp của Nhà nước, doanh nghiệp và người nông dân để hoạt động xuất khẩu nông sản Gia Lai ngày càng phát triển.
 

Gia Lai, với địa hình đồi núi, khí hậu nhiệt đới gió mùa và đất đai màu mỡ, từ lâu đã được biết đến là một trong những vựa lúa, vựa trái cây lớn của Tây Nguyên. Tỉnh Gia Lai sở hữu những lợi thế tự nhiên vô cùng quý giá, tạo nên tiềm năng to lớn cho sự phát triển của ngành nông nghiệp. Cà phê, hồ tiêu, các loại trái cây đặc sản như bơ, sầu riêng... đã trở thành những thương hiệu nổi tiếng, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, xuất khẩu nông sản của Gia Lai vẫn còn nhiều hạn chế. Theo số liệu thống kê mới nhất của Sở Công thương, trong 9 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước hơn 700 triệu USD, đạt 93,33% kế hoạch, tăng 26,13% so với cùng kỳ.

Trong đó, riêng mặt hàng cà phê xuất khẩu đạt sản lượng 193 ngàn tấn, tương ứng kim ngạch xuất khẩu 552 triệu USD (tăng 28,37% về giá trị), chiếm 80% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Giá cà phê từ đầu niên vụ 2023-2024 tăng cao và đạt kỷ lục trong 5 năm gần đây, hiện giá cà phê xuất khẩu bình quân 9 tháng tăng hơn 35% so với cùng kỳ. Đây là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy xuất khẩu và mang lại giá trị kim ngạch lớn cho tỉnh.

Ngoài ra, một số mặt hàng khác cũng có mức tăng khá như: mủ cao su đạt 764 tấn, tương ứng kim ngạch xuất khẩu 1,03 triệu USD (tăng 22,12% về giá trị); sản phẩm gỗ 1,6 triệu USD; hàng khác đạt 145,3 triệu USD (tăng 17,7% giá trị).

Theo số liệu được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam công bố, tính chung 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nhóm ngành nông sản đạt 24,85 tỷ USD (tăng 27,7%). Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực đều cao hơn so với cùng kỳ năm trước như: gỗ và sản phẩm gỗ 11,66 tỷ USD (tăng 21,3%); cà phê 4,37 tỷ USD (tăng 39,6% với lượng 1,12 triệu tấn, giảm 10,5%); gạo 4,37 tỷ USD (tăng 23,5% với lượng 7,01 triệu tấn, tăng 9,2%); hạt điều 3,17 tỷ USD (tăng 22,5% với lượng 546 nghìn tấn, tăng 20,8%); rau quả 5,87 tỷ USD (tăng 39,4%); tôm 2,79 tỷ USD (tăng 10,5%); cá tra 1,36 tỷ USD (tăng 7,8%); hạt tiêu 1 tỷ USD (tăng 46,9%).

Như vậy, con số này cho thấy tiềm năng của ngành nông nghiệp Gia Lai vẫn chưa được khai thác hết. Trong đó, phải kể đến lợi thế cây cà phê chiếm đến 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh. Nếu so với lượng xuất khẩu toàn tỉnh về cây cà phê trong 9 tháng chỉ đạt 552 triệu USD, tức tương đương 12,6% so với lượng cà phê xuất khẩu của cả nước.

 Vừa qua Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam và Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tỉnh Gia Lai tổ chức Tọa đàm “Xuất khẩu nông sản Gia Lai, để tiềm năng thành lợi thế”.

Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao với những lợi thế sẵn có, xuất khẩu nông sản của Gia Lai lại chưa đạt được kết quả như mong đợi? Điều gì đang kìm hãm sự phát triển của ngành nông nghiệp, và làm thế nào để biến tiềm năng thành lợi thế, đưa nông sản Gia Lai vươn xa ra thị trường thế giới?

Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Bá Chí Nhân chỉ ra một số nguyên nhân đó là: Sản xuất nông nghiệp ở đây còn nhỏ lẻ, manh mún; Chất lượng sản phẩm chưa ổn định; Thiếu kết nối giữa nhà nông, doanh nghiệp và thị trường; Hạ tầng giao thông, thủy lợi còn hạn chế và những ảnh hưởng khách quan từ điều kiện khí hậu.

Cụ thể, phần lớn nông dân Gia Lai vẫn sản xuất theo quy mô nhỏ, sử dụng công cụ thủ công, dẫn đến năng suất thấp, chất lượng sản phẩm không đồng đều. Việc sản xuất nhỏ lẻ cũng gây khó khăn trong việc liên kết với doanh nghiệp, tiếp cận thị trường. Vai trò của Hợp tác xã trong giai đoạn hội nhập chưa được nông dân chú trọng trong liên kết sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, tiếp cận thị trường, và đàm phán giá cả với các doanh nghiệp. Nông dân chưa thể hợp tác như liên kết sản xuất, tiêu thụ, chế biến, xây dựng thương hiệu chung…

Về chất lượng sản phẩm chưa ổn định, chuyên gia kinh tế này cho rằng, chất lượng sản phẩm nông nghiệp của Gia Lai còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu trong khi xu hướng tiêu dùng các sản phẩm nông sản sạch, hữu cơ, sản phẩm chế biến sẵn để định hướng sản xuất. Nguyên nhân do nhiều yếu tố như: giống cây trồng chưa được chọn lọc, kỹ thuật canh tác lạc hậu, quy trình bảo quản chưa đảm bảo.

Bên cạnh đó, sự liên kết giữa nhà nông, doanh nghiệp và thị trường còn lỏng lẻo, thiếu các hợp đồng bao tiêu sản phẩm, dẫn đến tình trạng nông dân khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.

Đặc biệt về hạ tầng giao thông, thủy lợi còn hạn chế. Hệ thống giao thông, thủy lợi ở nhiều địa phương còn thiếu đồng bộ, gây khó khăn cho việc vận chuyển nông sản, bảo quản sản phẩm và tăng chi phí sản xuất.

TS Lê Bá Chí Nhân cho rằng, giải pháp ở đây là cần sự phối hợp của Nhà nước, doanh nghiệp và người nông dân để hoạt động xuất khẩu nông sản Gia Lai ngày càng phát triển. TS Lê Bá Chí Nhân cho rằng, ngoài sự nỗ lực của chính doanh nghiệp thì Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ, như: Hỗ trơ vốn, giảm thuế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai để đầu tư sản xuất nông sản…; Khuyến khích các phương thức sản xuất nông nghiệp bền vững, giảm thiểu tác động đến môi trường; Tìm kiếm thị trường mới, tìm hiểu và khai thác các thị trường tiềm năng, tham gia các hội chợ, triển lãm để quảng bá sản phẩm…

Doanh nghiệp cần có sự đầu tư vào chế biến, bảo quản, xây dựng thương hiệu, chủ động tìm kiếm thị trường. Cùng với đó, người nông dân cũng cần tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia tích cực vào các hợp tác xã./..

 

V.Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực