EVN: Giải tỏa công suất Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1

Thứ sáu, 18/03/2022 17:00
(ĐCSVN) - Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã hoàn thành đàm phán và ký kết Hợp đồng mua bán điện Dự án NMNĐ BOT Vân Phong 1, đồng thời giao cho Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia tập trung đầu tư các dự án lưới điện đấu nối đồng bộ.

Theo đó, ngày 18/3, EVN và Công đoàn Điện lực Việt Nam phát động phong trào thi đua liên kết xây dựng cụm công trình giải tỏa công suất Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1. Tham dự buổi lễ có ông Dương Quang Thành – Chủ tịch HĐTV EVN; ông Đỗ Đức Hùng – Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam; đại diện lãnh đạo Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung, Công ty Truyền tải điện 3 và các nhà thầu tham gia dự án.

Cụm công trình giải toả công suất Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 bao gồm: Trạm biến áp 500kV Vân Phong và đấu nối; Đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân; Đường dây 500kV đấu nối TBA 500 kV Thuận Nam vào Đường dây 500kV Vân Phong – Vĩnh Tân.

leftcenterrightdel
Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành phát biểu tại lễ phát động thi đua. Ảnh Minh Trang. 

Trong những năm qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã hoàn thành đàm phán và ký kết Hợp đồng mua bán điện Dự án NMNĐ BOT Vân Phong 1, đồng thời giao cho Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia tập trung đầu tư các dự án lưới điện đấu nối đồng bộ. Đây là những công trình trọng điểm để đảm bảo cung cấp điện cho khu vực Nam Trung Bộ và miền Nam giai đoạn từ năm 2023 trở đi.

Theo quy định tại hợp đồng mua bán điện và hợp đồng BOT của dự án NMNĐ BOT Vân Phong 1, EVN có nghĩa vụ hoàn thành Dự án đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân không muộn hơn ngày 26/12/2022. Nếu dự án hoàn thành chậm hơn mốc tiến độ này, EVN sẽ phải bồi thường chi phí rất lớn mỗi ngày. Đồng thời, sau 6 tháng, nếu không khắc phục được, chủ đầu tư có quyền chấm dứt dự án và Bộ Công Thương phải mua lại dự án theo quy định tại hợp đồng BOT. Nếu điều này xảy ra sẽ gây thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng đến uy tín của Chính phủ Việt Nam, Bộ Công Thương, cũng như Tập đoàn Điện lực Việt Nam với các nhà đầu tư. 

Ngoài việc giải toả công suất của NMNĐ BOT Vân Phong 1, việc đầu tư xây dựng các dự án lưới điện đồng bộ giải tỏa công suất còn có ý nghĩa rất quan trọng trong việc vận hành lưới điện truyền tải, đảm bảo cung cấp điện và góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng cho các tỉnh khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ; giải tỏa công suất của các nhà máy điện năng lượng tái tạo khu vực tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và các tỉnh lân cận; góp phần đảm bảo cung ứng điện cho miền Nam, tạo mối liên kết mạnh giữa hệ thống điện miền Trung và miền Nam, cũng như có ý nghĩa quan trọng trong việc vận hành kinh tế hệ thống điện quốc gia.

Tính đến ngày 18/3/2022, các địa phương đã bàn giao mặt bằng Dự án đường dây 500kV Vân Phong – Vĩnh Tân được 300/304 vị trí móng, về hành lang tuyến, các địa phương đã bàn giao 183/304 khoảng cột.

Về khối lượng thi công toàn tuyến đã đào móng xong 162/304 vị trí, đúc móng xong 133/304 vị trí, lắp dựng cột xong 35/304 vị trí và đang dựng cột 30 vị trí. Hiện toàn tuyến, những vị trí nào có mặt bằng và có thể đáp ứng yêu cầu thi công EVNNPT đều yêu cầu các nhà thầu triển khai thi công ngay.

Đối với dự án TBA 500kV Vân Phong hiện nay đã bàn giao mặt bằng và đang triển khai thi công theo tiến độ yêu cầu đặt ra. Phần nhánh rẽ đường dây 220kV đấu nối bàn giao mặt bằng móng 54/62 vị trí, bàn giao hành lang tuyến 20/62 khoảng cột.

Để có được kết quả trên, quá trình triển khai dự án, EVN/EVNNPT luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ NN&PTNT, sự ủng hộ và giúp đỡ của UBND và chính quyền địa phương có đường dây đi qua thuộc các tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận. Cùng với đó là sự chỉ đạo, quan tâm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Công đoàn Điện lực Việt Nam.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam Đỗ Đức Hùng đọc Chỉ thị Liên tịch phát động thi đua. Ảnh Minh Trang. 

Phát biểu tại Lễ phát động thi đua liên kết, Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành giao nhiệm vụ cho Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, Ban QLDA các công trình điện miền Trung, các nhà thầu, các đơn vị tư vấn và các đơn vị liên quan, phải cử lãnh đạo có trách nhiệm bám tuyến để tập trung tổ chức điều hành công trường, huy động tất cả các nguồn lực và phối hợp tốt hơn nữa với các địa phương trong việc đẩy nhanh, đẩy mạnh tiến độ BTGPMB cũng như tiến độ thi công dự án, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ theo cam kết không muộn hơn ngày 26/12/2022.

Yêu cầu các đơn vị tiếp tục phát huy kinh nghiệm và những kết quả đạt được qua các phong trào thi đua liên kết trên các công trình lưới điện truyền tải trong những năm qua để tiếp tục thi đua lao động sản xuất trên công trình các dự án lưới điện đồng bộ giải tỏa công suất NMNĐ BOT Vân Phong 1, hoàn thành đóng điện kịp và vượt tiến độ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả và đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật.

Ông Nguyễn Tuấn Tùng – Chủ tịch HĐTV EVNNPT cho biết: Nhận thức được tầm quan trọng và tính cấp bách của các dự án, lãnh đạo EVNNPT đã chỉ đạo các Ban chuyên môn của Tổng công ty và CPMB tập trung nhân lực, triển khai các giải pháp đồng bộ để đảm bảo tiến độ hoàn thành các dự án. 

Hiện nay EVNNPT/CPMB thường xuyên làm việc với các địa phương, nhà thầu và các đơn vị liên quan giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh trên công trường. Thường xuyên cập nhật tình hình thực hiện, các khó khăn, vướng mắc trong công tác BTGPMB để kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia về Phát triển điện lực, EVN.

Tại buổi lễ, ông Đỗ Đức Hùng – Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam đã phát động Chỉ thị liên tịch của Tổng giám đốc EVN và Ban Thường vụ Công đoàn Điện lực Việt Nam về thi đua liên kết hoàn thành tiến độ các dự án./.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực