EVN hỗ trợ cho ngành Giáo dục Lai Châu hơn 90 tỷ đồng

Thứ ba, 15/03/2022 16:00
(ĐCSVN) - Các hoạt động hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đã giúp cho khoảng 9.000 học sinh mỗi năm được sử dụng điều kiện cơ sở vật chất tốt, nâng cao chất lượng giáo dục cho các trường học ở vùng sâu, vùng xa.

Theo đó, trong giai đoạn 2009-2021, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã hỗ trợ 3 huyện Phong Thổ, Than Uyên, Tân Uyên (tỉnh Lai Châu) trên rất nhiều lĩnh vực; trong đó riêng hỗ trợ cho ngành Giáo dục là hơn 90 tỷ đồng. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc duy trì sỹ số học sinh, giảm thiểu tình trạng học sinh bỏ học, nâng cao chất lượng giáo dục...

Nhà bán trú của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Đoàn kết do EVN hỗ trợ .

Trước thực tế học sinh ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa đi lại rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa lũ, mùa đông, EVN đã hỗ trợ 3 huyện Tân Uyên, Than Uyên, Phong Thổ xây dựng tổng số 56 “nhà bán trú dân nuôi” trên địa bàn 16 xã, với tổng kinh phí 28,6 tỷ đồng. Tập đoàn cũng hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, nhà mẫu giáo cho 24 điểm trường mầm non tại trung tâm 13 xã với tổng giá trị là 21,1 tỷ đồng; xây dựng 4 trường dân tộc nội trú và bán trú học với tổng kinh phí 40,5 tỷ đồng. Các hoạt động hỗ trợ của EVN, đã giúp cho khoảng 9.000 học sinh mỗi năm được sử dụng điều kiện cơ sở vật chất tốt, nâng cao chất lượng giáo dục cho các trường học ở vùng sâu, vùng xa.

Bà Trần Thị Hằng – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Đoàn Kết (xã Malipho, huyện Phong Thổ) chia sẻ, trước đây, cơ sở vật chất của trường còn thiếu nơi ăn chốn ở để cho các em học bán trú. Trong khi đó, có em nhà xa trường tới 15km, nên việc đi về trong ngày rất vất vả. Thực tế này cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc thu hút các em đến lớp. Kể từ ngày được EVN trao tặng phòng bán trú, nhà trường đã thuận lợi hơn trong việc bố trí chỗ ăn chỗ ở cho học sinh, tạo thuận lợi cho nhà trường huy động học sinh miền đến trường,…

Song song với việc hỗ trợ cơ sở vật chất, EVN cũng đã mở 3 lớp đào tạo cao đẳng nghề điện cho 59 học sinh là con em các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ văn hoá. Sau khi tốt nghiệp, căn cứ theo nguyện vọng của các học sinh, EVN đã tiếp nhận 21 học sinh vào làm việc tại các đơn vị trong ngành (Công ty Điện lực Lai Châu, Công ty Thủy điện Huội Quảng – Bản Chát, Công ty Thủy điện Sơn La...). Hiện tại hầu hết các em vẫn đang công tác tại các đơn vị này.

Là một trong những học sinh được thụ hưởng chương trình đào tạo nghề và được nhận vào làm việc trong ngành Điện, anh Phùng A Cung hiện đang là trực chính của Nhà máy Thủy điện Bản Chát (Công ty Thủy điện Huội Quảng - Bản Chát) chia sẻ, hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn nên ước mơ theo học cao đẳng, đại học thực sự quá xa vời. Rất may, năm 2010, anh được ngành Điện cho đi học và khi tốt nghiệp được nhận về làm việc tại Công ty Thủy điện Huội Quảng – Bản Chát. Giờ đây, anh đã có một công việc tốt với thu nhập ổn định và cũng được ở gần gia đình.

Bên cạnh các chương trình hỗ trợ chính, EVN còn triển khai các hoạt động hỗ trợ về y tế, ủng hộ các đồ dùng thiết yếu cho các em học sinh bán trú như: mua bảo hiểm y tế cho 4.278 học sinh trong 3 năm học 2009-2011; trao quà cho các hộ gia đình khó khăn, chính sách, học sinh trường bán trú; tặng tủ sách cho 21 trường học bán trú…

Ông Trần Tiến Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu khẳng định, sự hỗ trợ của EVN đã tạo điều kiện giúp đỡ học sinh vượt khó khăn, nhất là điều kiện, môi trường học tập, góp phần duy trì số học sinh ra lớp; giảm tình trạng học sinh bỏ học, nâng cao chất lượng giáo dục và củng cố niềm tin vững chắc của nhân dân các dân tộc vùng cao đối với sự lãnh đạo của Đảng./.

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực