Theo đó, từ ngày 8 -11/4/2022, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Trần Đình Nhân đã tham dự đoàn công tác của Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam thăm và làm việc chính thức với Bộ Công Thương, Bộ Năng Lượng và Mỏ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Thủ đô Viêng Chăn (CHDCND Lào), về việc nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam.
|
Các đại biểu của ngành Công Thương 2 quốc gia dự Hội nghị Hợp tác phát triển thương mại biên giới Việt Nam – Lào lần thứ XII. Ảnh PV. |
Chuyến thăm và làm việc của đoàn diễn ra vào những ngày cận kề Tết cổ truyền của dân tộc Lào anh em, trong không khí ấm áp, thắm đượm tình hữu nghị hợp tác giữa nhân dân hai nước, giữa những người bạn, người đồng chí cùng công tác trong ngành Công – Thương hai nước.
Tổng Giám đốc Trần Đình Nhân đã tham dự buổi hội đàm giữa Bộ Trưởng Bộ Công Thương Việt Nam với Bộ Trưởng Bộ Mỏ và Năng Lượng Mỏ Lào, tham dự Hội nghị Hợp tác phát triển thương mại biên giới Việt Nam – Lào lần thứ XII, tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Lào - Việt Nam lĩnh vực năng lượng và mỏ, cùng Bộ Công Thương tới thăm và làm việc tại Tổng Công ty Điện lực Lào và Tập đoàn Phongsubthavy – là hai doanh nghiệp hiện đang có tổng công suất các nhà máy điện bán về VIệt Nam nhiều nhất.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Giám đốc Trần Đình Nhân đã bày tỏ sự đánh giá cao của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đối với nỗ lực của các doanh nghiệp Lào trong việc đầu tư xây dựng các nhà máy điện tại lãnh thổ Lào bán điện về Việt Nam, kết quả là, cho đến nay đã có 3 nhà máy thuỷ điện đã đưa vào vận hành thương mại và bán điện về Việt Nam với tổng công suất 572MW; 1.608MW từ 22 nhà máy điện khác đã ký Hợp đồng mua bán điện, hiện đang xây dựng và sẽ bán điện về Việt Nam trước năm 2025; 509MW đã được Chính phủ chấp thuận chủ trương mua điện, hiện đang đàm phán Hợp đồng mua bán điện với EVN và 1.577 MW từ 10 nhà máy điện khác đã được EVN thống nhất về phương án đấu nối và chủ trương mua bán điện, trình Bộ Công Thương để báo cáo Thủ tướng Chính phủ thông qua. Như vậy, tính đến hết năm 2025, khả năng mua bán điện giữa Việt Nam và Lào có khả năng đạt hơn 4.000MW, vượt mục tiêu đặt ra tại Biên bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ năm 2016.
Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân cũng đề nghị các doanh nghiệp Lào đảm bảo tiến độ đầu tư và đưa vào vận hành thương mại các nhà máy điện theo đúng tiến độ đã cam kết tại các Hợp đồng mua bán điện. Về phía EVN, Tổng Giám đốc đã hứa với hai Bộ Trưởng và các doanh nghiệp Lào về việc EVN sẽ quyết liệt chỉ đạo các đơn vị để đảm bảo tiến độ đầu tư các đường dây đấu nối trên lãnh thổ Việt Nam để nhận điện từ các dự án về Việt Nam theo đúng tiến độ đã cam kết.
|
Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân phát biểu tại buổi làm việc với các doanh nghiệp Lào. Ảnh PV.
|
Nhấn mạnh tại diễn đàn, Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân cũng đã đưa ra kiến nghị với UBND tỉnh Quảng Nam, là một tỉnh có đường biên giới Việt Nam Lào, quan tâm giúp đỡ để có thể hoàn thành mục tiêu chuyển đổi đất rừng cho mở rộng trạm 500kV Đăk Óoc và đường dây đầu nối trong quý II năm 2022 đảm bảo mục tiêu nhận điện từ nhà máy thuỷ điện Nậm Eamoun đúng tiến độ, hoàn thành mục tiêu chuyển đổi mục đích sử dụng rừng cho đường dây 500kV Monsoon – Thạch Mỹ trong năm 2022, đảm bảo đưa Hợp đồng mua bán điện Nhà máy điện gió Monsoon 600MW vào hiệu lực.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Năng Lượng và Mỏ Lào, lãnh đạo các doanh nghiệp Lào, Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân cũng đã đề xuất một số kiến nghị với Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh hơn nữa hợp tác giữa hai nước Lào – Việt trong lĩnh vực điện lực; đặc biệt là cần sớm xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ban hành khung giá nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam giai đoạn sau năm 2025 đối với mọi loại hình phát điện./.