Chính vì thế, kinh tế - xã hội của tỉnh trong 9 tháng đạt nhiều kết quả tích cực. So với cùng kỳ năm 2020, giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản ước tăng 2,4%; giá trị sản xuất công nghiệp ước tăng 15%; giá trị sản xuất xây dựng ước tăng 5,5%; giá trị sản xuất khu vực dịch vụ ước tăng 3,1%. Công tác thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, kim ngạch xuất nhập khẩu và thu ngân sách trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực.
|
Quang cảnh Hội nghị sơ kết tình hình kinh tế xã hội 9 tháng 2021 (Ảnh: Báo Thái Bình) |
Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh có 59 dự án đầu tư được phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư hoặc cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm trên 16.723 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước 9 tháng ước thực hiện 15.728 tỷ đồng, đạt 107,4% dự toán, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2020; tổng thu ngân sách địa phương ước thực hiện 13.198 tỷ đồng, đạt 108,2% dự toán; tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện 9.877 tỷ đồng, đạt 81% dự toán. Tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt kết quả tốt, luôn trong tốp đầu cả nước. Công tác quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng cơ bản được tập trung chỉ đạo quyết liệt; các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện các dự án đầu tư, nhất là công tác giải phóng mặt bằng bước đầu phát huy hiệu quả, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án và giải ngân vốn đầu tư. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chỉ đạo toàn diện, phù hợp với điều kiện thực tế và yêu cầu nhiệm vụ đề ra. Công tác cải cách hành chính được quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định.
Theo đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, từ đầu năm đến nay, mặc dù việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là dịch COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện nhiệm vụ của các sở, ngành, địa phương nhưng với sự nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị và việc đánh giá đúng tình hình, thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch nên đã khống chế được dịch, không để phát sinh các ổ dịch mới, không để lây lan trong cộng đồng, tạo môi trường an toàn về dịch COVID-19 trên cơ sở đó tạo tiền đề, nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Sơ kết 9 tháng qua, đồng chí đánh giá cao sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành, địa phương trong việc tập trung nhận diện những điểm nghẽn, nút thắt cản trở phát triển kinh tế để tập trung tháo gỡ, thúc đẩy thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
|
Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh (Ảnh: Báo Thái Bình) |
Tuy nhiên, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ ra một số hạn chế, tồn tại cần nghiêm túc khắc phục trong thời gian tới như: việc triển khai các cơ chế, chính sách trên các lĩnh vực chưa đáp ứng được yêu cầu; chậm giải quyết các việc còn tồn tại trong thực tiễn điều hành; công tác giải phóng mặt bằng ở nhiều địa phương vẫn chậm, chưa tạo được sự chuyển biến mới; công tác thanh toán nợ xây dựng cơ bản còn chậm; việc phát huy giá trị của các cụm công nghiệp chưa cao...
Phân tích bối cảnh tình hình trong 3 tháng cuối năm sẽ còn gặp nhiều khó khăn, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị tập trung rà soát lại các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra để có sự nỗ lực, quyết tâm hoàn thành các nhiệm vụ ở mức cao nhất. Tiếp tục tập trung cao cho công tác phòng, chống dịch COVID-19; các cấp, các ngành tiếp tục coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác nhằm bảo đảm giữ vững thành quả chống dịch, phục vụ việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tiếp tục nhận thức và quán triệt đầy đủ các quan điểm, định hướng chỉ đạo và các giải pháp của trung ương và tỉnh đã đề ra; làm tốt công tác tuyên truyền nhằm nâng cao trách nhiệm của người dân trong công tác phòng, chống dịch; có kế hoạch kiểm soát các trường hợp nguy cơ để phát hiện sớm và ngăn chặn kịp thời nguy cơ phát sinh dịch trong cộng đồng.
Tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; trong đó, chú trọng rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách đối với một số lĩnh vực; làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư vào tỉnh; quan tâm tháo gỡ khó khăn một cách thực chất cho doanh nghiệp, tháo gỡ các điểm nghẽn và khơi thông nguồn vốn đầu tư; tập trung đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch tỉnh; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm; tập trung cao cho công tác thu ngân sách, tiếp tục làm tốt công tác rà soát các khoản thu còn dư địa để thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu vào ngân sách; tập trung cao cho công tác đấu giá quyền sử dụng đất để tạo nguồn thu cho ngân sách.
Tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các nhiệm vụ về lĩnh vực văn hóa, xã hội; trong đó, ngành Y tế ngoài nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 cần quan tâm xây dựng các đề án phát triển đồng bộ, toàn diện hệ thống y tế, đặc biệt là hệ thống y tế cơ sở; ngành Giáo dục và Đào tạo xây dựng đề án phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập, thực hiện tốt các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong các nhà trường đồng thời bố trí kế hoạch giảng dạy và học tập hợp lý theo diễn biến của dịch; ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công và thân nhân, đặc biệt là chế độ đối với người nhiễm chất độc da cam, xây dựng đề án nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho người lao động tại Thái Bình; nỗ lực thực hiện công tác cải cách hành chính; ngành Thanh tra tiếp tục đôn đốc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm toán.
Về lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chủ động nắm bắt thông tin, diễn biến tình hình và những vướng mắc, bức xúc trong nhân dân, trên cơ sở đó kịp thời giải quyết ngay từ cơ sở.
Đối với các báo cáo phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh, phương án điều chỉnh và bổ sung kế hoạch đầu tư công nguồn vốn ngân sách tỉnh năm 2021, đề án chuyển đổi số tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành chủ trì tham mưu xây dựng tiếp thu ý kiến của các đại biểu dự họp, trên cơ sở đó hoàn thiện trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đối với báo cáo việc điều chỉnh tỷ lệ phần trăm để tính đơn giá thuê đất, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định đây là việc làm cần thiết, thể hiện hành động thực chất của tỉnh trong việc quan tâm chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; giao Sở Tài chính hoàn thiện, Sở Tư pháp thẩm định, trình UBND tỉnh ký ban hành làm cơ sở để triển khai thực hiện.