|
HTX sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ mây tre đan Thanh Tân đã tạo việc làm cho nhiều chị em phụ nữ tại địa phương |
HTX sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ mây tre đan Thanh Tân được thành lập từ năm 2019 theo tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao. Với đặc thù là xã đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, hướng tới xây dựng đô thị loại V nên những năm qua trên địa bàn xã Thanh Tân phát triển mạnh mẽ khu công nghiệp gồm các công ty lớn và nhiều tổ hợp sản xuất nhỏ nên đã thu hút lực lượng lao động trong độ tuổi trẻ vào tham gia sản xuất. Chính vì vậy HTX sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ mây tre đan Thanh Tân được thành lập đã tạo việc làm cho những người quá độ tuổi lao động trong các công ty, những người làm nông nghiệp có nhiều thời gian rảnh rỗi sau mùa vụ.
Từ khi thành lập đến nay, Hội đồng Quản trị HTX, đặc biệt là đồng chí giám đốc HTX đã nhanh nhạy tìm hiểu xu hướng thị trường, năng động tìm các nguồn hàng phong phú, nguyên liệu sản xuất, thị trường tiêu thụ, liên kết với những nhà máy, xí nghiệp để mở rộng sản xuất, từ đó thành lập các tổ nghề tạo cơ hội, việc làm cho các thành viên HTX và thu hút đông đảo chị em phụ nữ tham gia. Là một trong những hộ làm nông, thu nhập chủ yếu từ mấy sào ruộng, từ khi tham gia vào tổ nghề của HTX, bà Mai Thị Minh ở thôn An Cơ Đông có thêm nguồn thu nhập ổn định, bà phấn khởi chia sẻ: Bản thân tôi đã hết độ tuổi lao động ở các công ty. Ngoài thời gian cấy 4 sào ruộng thì thời gian nông nhàn rất rảnh rỗi. Được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, Chi hội Phụ nữ thôn thành lập các tổ nghề mây tre đan mỹ nghệ, tôi được đào tạo nghề và nhận sản phẩm về nhà làm, qua đó có thêm thu nhập nâng cao đời sống.
|
Những người tham gia sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ mây tre đan tùy vào tay nghề, số lượng sản phẩm làm được mà có thu nhập ổn định từ 3 – 3,5 triệu đồng/người/tháng |
Hàng năm, HTX tích cực phối hợp với Hội LHPN xã tổ chức các lớp dạy nghề cho hội viên phụ nữ trong xã, hiện thu hút được hơn 300 chị em tham gia. Không chỉ tạo việc làm cho chị em phụ nữ mà mỗi dịp nghỉ hè, các tổ nghề của HTX còn thu hút khoảng 20 em học sinh tham gia, qua đó tạo thêm thu nhập cho gia đình, tránh được việc các em tụ tập, sa đà vào các tệ nạn xã hội. Bên cạnh đó, HTX còn thu hút được nhiều lao động các xã lân cận. Những người tham gia sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ mây tre đan tùy vào tay nghề, số lượng sản phẩm làm được mà có thu nhập ổn định từ 3 – 3,5 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu mỗi năm của HTX đạt từ 4 - 5 tỷ đồng, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của địa phương. HTX không chỉ giúp chị em có việc làm ngay tại địa phương, tăng nguồn thu nhập phát triển kinh tế mà còn giúp chị em không phải đi làm ăn xa, có điều kiện chăm sóc, chăm lo cho cuộc sống gia đình.
Đánh giá về hiệu quả hoạt động của HTX sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ mây tre đan Thanh Tân, chị Đặng Thị Thu, Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết: Có thể nói HTX sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ mây tre đan Thanh Tân hoạt động hiệu quả tốt, mang lại nhiều công việc cho chị em phụ nữ lúc nông nhàn. Trước đây chị em tự lấy nguồn hàng tự do nhưng từ năm 2019, Hội LHPN xã phối hợp thành lập HTX nghề. HTX hết sức năng động, đặc biệt trong gia đoạn Covid-19 xảy ra là thời điểm hết sức khó khăn nhưng HTX tích cực tìm tòi đưa các sản phẩm hàng hóa về cho chị em làm tranh thủ lúc nông nhàn để chị em có nghề phát triển kinh tế tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình, góp phần phát triển kinh tế tại địa phương.
Phát huy hiệu quả đã đạt được, thời gian tới, HTX sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ mây tre đan Thanh Tân tiếp tục mở rộng sản xuất, thành lập thêm các tổ nghề để thu hút chị em phụ nữ trong và ngoài huyện tham gia sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập cho gia đình, cải thiện đời sống, chung sức hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế tại địa phương.