|
Ảnh minh hoạ (Nguồn: TTXVN) |
* Tạo điều kiện để học sinh, sinh viên thực hành
Là cơ sở đào tạo nghề hệ Cao đẳng đầu tiên và trọng điểm của tỉnh Thái Bình, sau hơn 15 năm xây dựng và phát triển, Trường Cao đẳng Nghề Thái Bình đã đào tạo trên 10.000 lao động, đáp ứng nhu cầu lao động trong và ngoài tỉnh. Hiện trường có 5 khoa gồm Khoa May - Thiết kế thời trang, Điện - Điện tử, Cơ khí - Động lực, Công nghệ thông tin và Khoa Cơ bản với 3 trình độ Cao đẳng (350 sinh viên/khóa), Trung cấp và sơ cấp (400 học sinh/khóa).
Em Nguyễn Thị Phượng (sinh năm 2001, xã Hòa Bình, huyện Kiến Xương) đang là sinh viên năm cuối Khoa May - Thiết kế thời trang, Trường Cao đẳng Nghề Thái Bình. Em cho biết, ngoài việc thực hành tại xưởng thực hành của nhà trường, trong gần 3 năm qua, em đã được thực tập trực tiếp tại các cơ sở, doanh nghiệp may 5 lần. Việc được thường xuyên thực hành giúp các em dễ hình dung kiến thức hơn, hình thành các kỹ năng nghề nghiệp và đặc biệt là bắt nhịp nhanh hơn với công việc.
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Thái Bình Phạm Hồng Khang cho biết: Để góp phần đào tạo, cung ứng nguồn lao động nhân lực có kỹ thuật cho địa phương, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội, bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất, nhà xưởng thực hành, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, giáo viên; nhà trường thường xuyên phối hợp với các doanh nghiệp (trung bình 10-15 doanh nghiệp/năm) mở rộng công tác đào tạo và tạo điều kiện để học sinh, sinh viên nhà trường được thực hành, thực tập trong quá trình học tập. Đồng thời, phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, nâng bậc thợ, nâng cao tay nghề cho đội ngũ công nhân, người lao động các doanh nghiệp, thông qua đó, nâng cao chất lượng lao động cho các doanh nghiệp và tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án “Dạy nghề cho lao động nông thôn”. Mỗi năm có 500-700 học sinh, sinh viên nhà trường tham gia vào thị trường lao động sản xuất. Tỷ lệ học sinh, sinh viên ra trường có việc làm đạt gần 100%.
Theo Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Thái Bình, để hạn chế tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”, việc nghiên cứu, nắm bắt xu hướng thị trường, nhu cầu thực tế của xã hội phải đi trước một bước. Từ định hướng đó, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong tỉnh và cả nước, trong thời gian tới nhà trường tiếp tục rà soát lại, điều chỉnh cơ cấu các ngành nghề đào tạo thông qua khảo sát nhu cầu của doanh nghiệp, của các địa phương với phương châm “đào tạo những ngành nghề mà doanh nghiệp, địa phương, người dân đang cần, chứ không chỉ đào tạo những cái nhà trường đang có”. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, nhất là hiện nay nhiều khu công nghiệp trọng điểm của tỉnh được mở ra, do đó việc đào tạo của nhà trường phải thích ứng và phù hợp với tình hình đó.
Ngoài ra, để nâng cao chất lượng đào tạo, nhà trường thường xuyên đào tạo, rèn luyện, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề cho đội ngũ giáo viên, giảng viên, đặc biệt là mời các chuyên gia, thợ tay nghề bậc cao của các doanh nghiệp tham gia vào xây dựng chương trình đào tạo, tiến tới đề xuất thành lập các doanh nghiệp trực thuộc trường. Qua đó giúp giảng viên, giáo viên, sinh viên được thực hành, thực tập, rèn luyện, nâng cao kỹ năng, tay nghề đồng thời làm ra sản phẩm, có thu nhập nâng cao đời sống.
* Coi nhu cầu tuyển dụng lao động là các chuẩn đầu ra
Là một trong 2 trường Đại học trên địa bàn tỉnh, Trường Đại học Thái Bình có quy mô hơn 4.000 học sinh, sinh viên theo học các bậc đào tạo: Đại học, Cao đẳng, Trung cấp, sơ cấp nghề và các chương trình hợp tác quốc tế. Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, Trường Đại học Thái Bình luôn chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới phương pháp giảng dạy, đáp ứng nhu cầu chất lượng nguồn nhân lực ngày càng cao của xã hội.
Tiến sỹ Đặng Nguyên Mạnh, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trong công tác đào tạo, Trường Đại học Thái Bình luôn căn cứ vào các nghị quyết, chủ trương của tỉnh, dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực để hoàn thiện, bổ sung chiến lược phát triển, kế hoạch theo năm học của từng ngành, nghề, nhất là ở các lĩnh vực mà tỉnh, các khu kinh tế, khu, cụm công nghiệp của Thái Bình có nhu cầu. Nhà trường coi nhu cầu tuyển dụng lao động là các chuẩn đầu ra cần thiết để xây dựng từng chương trình đào tạo, mời doanh nghiệp tham gia phản biện, xây dựng chương trình, hoạt động đào tạo của nhà trường.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình, trên địa bàn hiện có 2 trường Đại học, 1 trường Cao đẳng Sư phạm và 27 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm 4 trường Cao đẳng, 5 trường Trung cấp và 18 trung tâm, trong đó 8/8 huyện, thành phố đều có Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho khoảng 165.750 lao động, bình quân đạt 33.130 lao động/năm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh, đào tạo nghề cho trên 173.000 người.
Theo Đề án “Nâng cao chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và hội nhập quốc tế đến năm 2025” và Đề án “Phát triển nguồn nhân lực tỉnh Thái Bình đến năm 2025”, tỉnh sẽ sắp xếp lại hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (dạy nghề, Trung cấp chuyên nghiệp, Cao đẳng) và Đại học, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước mở trường cao đẳng nghề. Mục tiêu giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thái Bình duy trì việc làm bền vững cho người lao động và phát triển thị trường lao động phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, mỗi năm tạo việc làm mới cho khoảng 34.500 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 77%, trong đó đào tạo nghề đạt 62%./.