Thái Bình quyết tâm xóa bỏ những “điểm nghẽn” phát triển

Thứ ba, 21/09/2021 14:18
(ĐCSVN) - Lãnh đạo Tỉnh ủy Thái Bình khẳng định, các chương trình, kế hoạch phải lấy phát triển kinh tế là trung tâm; phải coi trọng quyền lợi của người dân, coi việc chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân là lợi ích cốt lõi. Phải bảo đảm hài hoà giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, con người và giải quyết các vấn đề xã hội; giữa phát triển kinh tế, xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường để phát triển bền vững.
 Công nhân làm việc tại khu công ngiệp Tiền Hải (Thái Bình).

Những “điểm nghẽn”

Những năm gần đây, trong nước có những thời cơ, thuận lợi cơ bản, đồng thời có nhiều khó khăn, thách thức đan xen. Trong bối cảnh nhiều thách thức đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh Thái Bình đã nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả quan trọng và tương đối toàn diện.

Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải cho biết, bên cạnh những thành quả đã đạt được, thực trạng hiện nay còn tồn tại một số hạn chế. Trong đó, công tác giáo dục tư tưởng chính trị có lúc, có nơi chưa được quan tâm đúng mức; việc nắm bắt, ngăn chặn và đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch còn hạn chế. Một số cấp ủy, tổ chức đảng ở cơ sở chưa thực hiện tốt vai trò lãnh đạo, nhất là lãnh đạo về kinh tế. Công tác giáo dục, quản lý cán bộ, đảng viên ở một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa tốt, còn tỉnh trạng đảng viên vi phạm kỷ luật, xử lý bằng pháp luật.

Cùng với đó, một số đảng viên chưa gương mẫu, chưa tích cực tham gia sinh hoạt đảng và sinh hoạt với nhân dân ở nơi cư trú. Công tác quy hoạch, đánh giá cán bộ ở một số đảng bộ còn hạn chế nhất định; tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy chưa đạt yêu cầu. Công tác phát triển đảng viên ở khu vực nông thôn, doanh nghiệp ngoài nhà nước còn gặp khó khăn; số lượng đảng viên mới kết nạp giảm. Chất lượng, hiệu quả một số cuộc kiểm tra, giám sát ở cấp huyện và cơ sở còn thấp. Việc theo dõi, đôn đốc và thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước ở một số nơi còn hạn chế. Công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cải cách tư pháp ở một số địa phương, đơn vị chưa được chú trọng. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở một số địa phương, đơn vị chưa cao, chưa tích cực tham gia giải quyết các vấn đề phức tạp, nổi cộm tại cơ sở; một số cuộc vận động, phong trào thi đua hiệu quả đạt được còn thấp.

Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền cấp huyện, cấp xã một số mặt còn hạn chế. Chất lượng tham mưu, trách nhiệm thực thi công vụ ở một số sở, ngành, địa phương chưa cao. Chưa ngăn chặn triệt để tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vị trí công tác đề vụ lợi. Đạo đức công vụ ý thức nghề nghiệp của một bộ phận công chức, viên chức chưa đáp ứng được yêu cầu. Quy mô nền kinh tế nhỏ, hiệu quả, sức cạnh tranh thấp, chất lượng tăng trưởng chưa cao. Việc thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế và các ngành sản xuất còn chậm, chưa đạt yêu cầu; còn 3/31 chỉ tiêu phát triển kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra; tăng trưởng vẫn chủ yếu dựa vào yếu tố vốn và theo chiều rộng, hiệu quả đầu tư chưa cao. Thu nhập bình quân đầu người còn thấp so với khu vực và cả nước.

Mặt khác, nông nghiệp chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Hiện chủ yếu vẫn trong tình trạng sản xuất nhỏ, manh mún; còn hiện tượng người dân bỏ ruộng không canh tác. Hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp còn thấp. Sự liên kết giữa doanh nghiệp và hộ nông dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản chưa mạnh; phát triển nông nghiệp hữu cơ, sản xuất theo chuỗi giá trị mới đạt kết quả bước đầu. Hiệu quả của các vùng sản xuất và giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt chưa cao; chưa tạo dựng được những sản phẩm nông nghiệp mang tính hàng hoá quy mô lớn, có thương hiệu và giá trị kinh tế cao. Một số địa phương chưa quan tâm đến công tác duy tu, bảo dưỡng, quản lý, sử dụng công trình hạ tầng nông thôn mới nên công trình xuống cấp nhanh, sử dụng kém hiệu quả, giao thông nội đồng, kênh mương phục vụ sản xuất còn bất cập. Việc xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản ở một số địa phương còn chậm.

Cùng với đó, việc phát triển các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng và công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ còn hạn chế. Chưa thu hút được nhiều dự án sản xuất công nghiệp quy mô lớn. Đa số cơ sở sản xuất công nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, chủ yếu là gia công và sản xuất các sản phẩm thông thường. Đổi mới công nghệ, trang thiết bị sản xuất trong các doanh nghiệp còn chậm. Chưa có nhiều sản phẩm đạt trình độ quốc gia và khu vực. Một số loại hình dịch vụ phát triển còn chậm, chưa có các loại hình dịch vụ hiện đại, có tính hấp dẫn và bền vững cao. Lĩnh vực du lịch còn nặng tính tự phát, chưa phát huy được các tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Tỷ lệ đô thị hoá còn thấp; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.

Công tác quản lý, giám sát sau cấp phép đầu tư và xử lý vi phạm lấn chiếm, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép ở một số ngành, địa phương chưa kịp thời, xử lý ô nhiễm môi trường ở một số khu dân cư, khu, cụm công nghiệp và làng nghề còn chậm; nhiều khu, cụm công nghiệp chưa được đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, các lò đốt rác ở khu vực nông thôn xuống cấp: còn tình trạng đốt rác ngoài khu vực lò đốt rác gây ô nhiễm môi trường. Công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao còn hạn chế. Hoạt động khoa học, công nghệ chưa tạo được sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá, giáo dục truyền thống ở một số địa phương, cơ sở chưa được chú trọng đúng mức. Thể thao thành tích cao còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Tội phạm, tệ nạn xã hội và tai nạn giao thông còn diễn biến phức tạp, có vụ việc chưa được giải quyết dứt điểm.

Công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân ở cấp sở, ngành, huyện và cơ sở còn nhiều bắt cập; người đứng đầu một số cấp ủy, chính quyền chưa thực hiện nghiêm túc việc tiếp xúc, đối thoại với dân. Một số địa phương, đơn vị chưa tập trung quyết liệt giải quyết đơn thư kiến nghị, khiếu nại của công dân, có việc chưa dứt điểm, chưa đúng quy định, chưa tạo được sự đồng thuận cao; còn biểu hiện đùn đẩy, né tránh, gây bức xúc trong nhân dân.

Định hình rõ “căn nguyên”

Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải thăm nhà máy sứ Hảo Cảnh ở Thái Bình.
(Ảnh: Báo Thái Bình) 

Những hạn chế, yếu kém nêu trên có nguyên nhân khách quan là do tình hình chính trị và kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, nền kinh tế thế giới phục hồi chậm, không ổn định, giá cả biến động bất thường. Tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, nhất là dịch Tả lợn châu Phi và đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Trong tỉnh, diện tích canh tác bình quân đầu người nhỏ; xuất phát điểm nền kinh tế thấp; kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, ngân sách hạn hẹp, thiếu vốn cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Bí thư Ngô Đông Hải chia sẻ, bên cạnh nguyên nhân khách quan thì chủ yếu là do các nguyên nhân chủ quan dẫn đến những “điểm nghẽn” nêu trên. Trong đó, việc quán triệt, nắm bắt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh (nhất là chủ trương, chính sách mới) ở một số sở, ngành, địa phương, đơn vị chưa sâu sắc đầy đủ, công tác tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, chậm được khắc phục.

Cùng với đó, ý thức trách nhiệm, vai trò nêu gương của một số cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu một số địa phương, đơn vị chưa cao; kỷ luật, kỷ cương và ý thức chấp hành, thực thi nhiệm vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa tốt; chưa chủ động dự báo và kịp thời nắm bắt tình hình, chưa tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm những vấn đề phức tập, bức xúc này sinh.

Ngoài ra, sự phối hợp trong tổ chức thực hiện giữa các sở, ngành, địa phương có lúc, có việc chưa tốt; còn hiện tượng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm, thiếu tinh thần hợp tác trong thi hành công vụ. Một bộ phận cán bộ, đảng viên (kể cả cấp ủy viên), nhất là ở cơ sở chưa thực sự coi trọng công tác kiểm tra, giám sát. Trình độ, năng lực của một số cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, chưa theo kịp với yêu cầu.

Quyết tâm đột phá

Trên cơ sở xác định rõ những khó khăn, tồn tại và thách thức, Tỉnh ủy Thái Bình khẳng định cần thường xuyên quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo, linh hoạt các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của địa phương là cơ sở để xác định rõ các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá, tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ và quyết liệt với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn để đạt hiệu quả cao nhất.

Đồng thời phát huy sức mạnh đoàn kết thống nhất, sự năng động, sáng tạo của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Coi trọng công tác xây dựng Đảng; đề cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo và người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ; thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt của Đảng. Thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo phù hợp với tình hình thực tiền, kịp thời điều chỉnh, bổ sung trong quá trình tổ chức thực hiện.

Mặt khác, phải đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận tiện tối đa cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp; kịp thời tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp. Tăng cường kỷ cương, nền nếp trong chỉ đạo, điều hành và ý thức chấp hành, trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Chú trọng thực hiện xã hội hóa các nguồn lực, đa dạng hóa các hình thức đầu tư để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm công khai, minh bạch trong huy động và sử dụng các nguồn lực theo đúng quy định của pháp luật. Kịp thời sửa đổi, bổ sung hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách quản lý, khuyến khích, thu hút đầu tư.

Ngoài ra, các chương trình, kế hoạch phải lấy phát triển kinh tế là trung tâm; phải coi trọng quyền lợi của người dân, coi việc chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân là lợi ích cốt lõi. Phải bảo đảm hài hoà giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, con người và giải quyết các vấn đề xã hội; giữa phát triển kinh tế, xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường để phát triển bền vững.

KC
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực