Thái Bình quyết tăng trưởng với lợi thế cạnh tranh, giá trị gia tăng lớn

Thứ ba, 12/10/2021 15:41
(ĐCSVN) - Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, định hướng 2030 và tầm nhìn năm 2045, Tỉnh ủy Thái Bình đưa ra giải pháp tiếp tục tục đổi mới cơ cấu nền kinh tế và các ngành sản xuất gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, giá trị gia tăng lớn.
 Lãnh đạo tỉnh Thái Bình khảo sát giống lúa mới tới kỳ thu hoạch.

Đổi mới mô hình tăng trưởng

Thông tin với Báo điện tử Đảng Cộng sản, lãnh đạo Tỉnh ủy Thái Bình cho biết, trong nỗ lực đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, từ nay đến năm 2025, định hướng 2030 và tầm nhìn năm 2045, tỉnh Thái Bình sẽ tiếp tục đổi mới cơ cấu nền kinh tế và các ngành sản xuất gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, giá trị gia tăng lớn, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh trên cơ sở chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học - công nghệ, quản trị hiện đại, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chủ động hội nhập quốc tế.

Đồng thời xây dựng kế hoạch phục hồi, phát triển các ngành kinh tế sau đại dịch COVID-19; khai thác tối đa các điều kiện thuận lợi của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá của tinh, nhất là xuất khẩu nông sản. Tập trung hoàn thành lập Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; rà soát các quy hoạch ngành, lĩnh vực để tích hợp vào Quy hoạch tinh theo luật Quy hoạch, bảo đảm tính khả thi, thống nhất, đồng bộ giữa các cấp quy hoạch.

Đặc biệt, phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng nông nghiệp hữu cơ nông nghiệp tuần hoàn, ứng dụng công nghệ sinh học, sản xuất hàng hóa có chất lượng và giá trị gia tăng cao, có thương hiệu theo nhu cầu của thị trường. Trong đó, phát huy tốt tiềm năng đất đai, mặt nước và truyền thống cần cù, trình độ thâm canh của người dân để đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp. Chú trọng tổ chức sản xuất theo phương thức hợp tác, liên kết, hình thành các hợp tác xã kiểu mới để phát triển sản xuất hàng hoá quy mô lớn theo chuỗi giá trị gắn với hoạt động chế biến và bao tiêu sản phẩm của doanh nghiệp.

Có cơ chế chính sách khuyến khích tập trung, tích tụ đất nông nghiệp và các hình thức góp vốn trong sản xuất nông nghiệp, kể cả góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Thực hiện quy hoạch các vùng sản xuất, phát huy lợi thế sản phẩm truyền thống, lợi thế vùng; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và áp dụng các tiêu chu VietGAP, GlobalGAP để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, an toàn, có thương hiệu theo nhu cầu của thị trường.

Cùng với đó là tiếp tục quy hoạch, thu hút đầu tư xây dựng các vùng chuyên canh, các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu giống cây trồng, cơ cấu mùa vụ, mở rộng diện tích trồng cây ăn quả, cây rau màu, cây dược liệu, cây nguyên liệu có giá trị kinh tế cao; khắc phục tình trạng để ruộng hoang hoặc sử dụng đất nông nghiệp kém hiệu quả. Tiếp tục làm tốt công tác trồng và bảo vệ rừng phòng hộ ven biển. Xây dựng các phương án sẵn sàng ứng phó với tình trạng nhiễm mặn và biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh phát triển ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao hiệu quả, an toàn dịch bệnh và bảo đảm vệ sinh môi trường; hỗ trợ, khuyến khích phát triển các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi quy mô lớn, liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học, công nghệ cao và an toàn sinh học.

Mặt khác, tỉnh cơ cấu lại đàn vật nuôi, phát triển mạnh đàn trâu, bỏ. Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản theo phương thức nuôi thâm canh, bán thâm canh, ứng dụng công nghệ cao. Nâng cao năng lực đánh bắt thuỷ sản tầm trung và xa bờ. Đầu tư nâng cấp hệ thống cảng cá và các khu neo đậu tàu, thuyền. Chú trọng phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, bảo vệ ngư trường, tạo điều kiện cho ngư dân ra khơi đánh bắt, tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo và tuân thủ đúng luật pháp quốc tế.

Hiện đại hóa

 Cơ giới hóa nền nông nghiệp tỉnh nhà được tỉnh Thái Bình đặt ưu tiên hàng đầu.

Theo lãnh đạo Tỉnh ủy Thái Bình, trong thời gian tới đây, tỉnh cũng tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng văn minh, hiện đại gắn với đô thị hoá. Nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới đã đạt; lựa chọn xây dựng và hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tại các xã có điều kiện. Thực hiện có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Chú trọng phát triển ngành, nghề nông thôn, duy trì, phát triển các làng nghề truyền thống gắn với xử lý ô nhiễm môi trường và phát triển các cơ sở sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ ở nông thôn.

Cùng với đó, tỉnh cũng tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tạo điều kiện thúc đẩy chuyển dịch lao động nông nghiệp sang lao động công nghiệp và dịch vụ. Thực hiện lồng ghép nguồn vốn ngân sách với các nguồn lực khác để duy tu, bảo dưỡng nâng cấp và đầu tư các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn.

Mặt khác, cần tập trung thực hiện có hiệu quả việc cơ cấu lại các ngành công nghiệp theo hướng phát triển các ngành có hàm lượng khoa học - công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, thân thiện với môi trường. Khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông sản, thuỷ sản, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn, điện khí và điện gió theo quy hoạch; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, đổi mới công nghệ, cải thiện năng lực quản lý. Chủ động tháo gỡ thực chất khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi ở mức cao nhất cho sản xuất, kinh doanh.

Nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư. Ưu tiên thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước có uy tín, thương hiệu, có năng lực về tài chính, công nghệ vào đầu tư các dự án có quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, sản xuất các sản phẩm tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, thân thiện với môi trường và đóng góp nhiều cho ngân sách, không thâm dụng đất đai và lao động. Khuyến khích thu hút đầu tư từ các nước, vùng lãnh thổ có công nghệ phát triển.

Đặc biệt là phát triển thương mại, dịch vụ theo hướng văn minh, hiện đại. Tăng cường thu hút đầu tư xây dựng, nâng cấp các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ ở đô thị và nông thôn (ưu tiên phát triển chợ đầu mối), các loại hình dịch vụ logistics. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến thương mại, khuyến khích ứng dụng thương mại điện tử trong quảng bá thương hiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Chú trọng phát triển thương mại nội địa, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - phân phối. Tranh thủ cơ chế ưu đãi của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là vào các thị trường mới.

Đồng thời khuyến khích phát triển các dịch vụ có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn. Hiện đại hoá và mở rộng, nâng cao chất lượng các dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính, viễn thông và các dịch vụ hỗ trợ sản xuất, kinh doanh khác. Đẩy mạnh phát triển dịch vụ giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, dịch vụ khoa học và công nghệ, văn hoá, thông tin, thể thao, dịch vụ việc làm.

Song hành với đó, phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của Thái Bình. Vì vậy cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm gắn với phát huy giá trị di sản văn hóa và các sản phẩm truyền thống. Tăng cường xúc tiến đầu tư vào các dự án hạ tầng du lịch hiện đại quy mô lớn, ưu tiên đầu tư tại thành phố Thái Bình và khu vực Cồn Đen - Đồng Châu - Cồn Vành. Nâng cao hiệu quả và tính chuyên nghiệp, xây dựng sản phẩm du lịch Thái Bình có thương hiệu và tính cạnh tranh cao.

Bài, ảnh: KC
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực