Thái Bình từng bước phục hồi thị trường lao động

Thứ bảy, 13/11/2021 10:10
(ĐCSVN) - Theo thống kê, đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư kể từ tháng 4/2021 đến nay đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của gần 300 doanh nghiệp tại tỉnh Thái Bình (chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ), có doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường hoặc tạm dừng hoạt động. Điều này đã tác động không nhỏ đến người lao động trên địa bàn.
Ảnh minh hoạ (Ảnh: cand.com.vn) 

Để tháo gỡ khó khăn cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, bên cạnh triển khai các gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ, Thái Bình đang thực hiện nhiều giải pháp kết nối, tạo việc làm mới nhằm từng bước ổn định, phục hồi thị trường lao động.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình, đến hết tháng 10/2021, các địa phương, doanh nghiệp đã tạo việc làm mới cho gần 22.000 lao động (đạt 64% kế hoạch năm), trong đó việc làm tại địa phương là 16.700 lao động, đi làm việc tại tỉnh ngoài 4.280 lao động, đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài 990 lao động. Đáng lưu ý, tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực thành thị tăng, chiếm khoảng 2,25%. Đặc biệt, đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư đã ảnh hưởng đến khoảng 12.500 lao động trên địa bàn tỉnh, trong đó 4.700 lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương hoặc làm việc luân phiên, 1.800 lao động ngừng việc tạm thời, trên 6.000 lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Dịch bệnh tác động lớn đến thị trường lao động, nhất là lao động đi làm việc ở nước ngoài, lao động làm việc trong 3 ngành kinh tế chính là dịch vụ, công nghiệp - xây dựng và nông nghiệp.

Ngoài ra, dịch COVID-19 khiến nhiều Hợp tác xã trên địa bàn gặp khó khăn trong việc trả lương cho người lao động, chi trả chi phí cố định, lãi vay, ứng dụng khoa học kỹ thuật, cạnh tranh thị trường, liên kết giữa các hộ thành viên, hợp tác xã và đối tác có liên quan. Theo thống kê, đến nay có 1.520 hộ kinh doanh, hợp tác xã trên địa bàn tạm ngừng hoạt động, ảnh hưởng đến thu nhập của trên 2.400 lao động.

Ông Lê Văn Côn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình) cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đặc biệt là đợt bùng phát dịch từ tháng 4/2021 đến nay khiến các hoạt động tư vấn, tuyển lao động, cung ứng nguồn, liên kết đào tạo, định hướng lao động xuất khẩu của Trung tâm bị ảnh hưởng. Các thị trường xuất khẩu lao động truyền thống của Thái Bình như Hàn Quốc, Nhật Bản… cũng chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19. Nhiều thị trường tạm dừng tiếp nhận lao động. Trong khi đó, tình hình thị trường lao động trong nước cũng bị ảnh hưởng không kém. Nhiều công ty, doanh nghiệp cắt giảm nhân công, không có nhu cầu tuyển dụng mới.

Để chủ động thích ứng trong bối cảnh dịch bệnh, Trung tâm đã tổ chức nhiều hoạt động theo hình thức chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến nhằm kết nối người lao động và doanh nghiệp, trong đó đẩy mạnh hoạt động khai thác và cung ứng thông tin thị trường lao động qua khai thác trực tiếp thông tin tại doanh nghiệp, qua website, tài khoản mạng xã hội, tổ chức tư vấn việc làm trực tuyến…

Ông Tăng Quốc Sử, Trưởng phòng Lao động - Việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình cho biết, hiện nay dịch COVID-19 trên địa bàn cơ bản được kiểm soát. Vì vậy, dự báo thời gian tới, thị trường lao động của tỉnh sẽ từng bước phục hồi trở lại. Nhiều doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, tuyển dụng thêm lao động. Đặc biệt, Khu Kinh tế Thái Bình đã và đang thu hút nhiều dự án đầu tư quy mô lớn, một số doanh nghiệp gia công sản phẩm giày da, may mặc, tiếp nhận thêm đơn hàng từ các tỉnh phía Nam nên nhu cầu tuyển dụng lao động rất lớn. Hiện nay, trên 30 doanh nghiệp đăng ký có nhu cầu tuyển dụng hơn 15.500 lao động làm việc trong các lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, may mặc với yêu cầu tuyển dụng khoảng 79% trình độ sơ cấp, trung cấp, 21% trình độ cao đẳng, đại học.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, để từng bước phục hồi thị trường lao động, bảo đảm đủ lực lượng lao động khi bước vào giai đoạn tăng cường sản xuất, kinh doanh sau dịch, thời gian tới, tỉnh thực hiện linh hoạt hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động, nhất là lao động bị thất nghiệp, dừng việc do dịch, lao động di chuyển từ tỉnh ngoài về địa phương. Đồng thời, tỉnh tập trung hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, đào tạo lại lao động, đáp ứng yêu cầu mới; đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động trong nước, gắn với thị trường lao động trong và ngoài nước.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp tham mưu thực hiện chính sách khuyến khích thanh niên, lao động trẻ tích cực học tập, nâng cao trình độ để sẵn sàng gia nhập thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Thu Hoài
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực