Một nửa rạn san hô lớn nhất thế giới chết do biến đổi khí hậu

Thứ năm, 15/10/2020 16:56
(ĐCSVN) – Các nhà khoa học cho biết, trong vòng 25 năm qua, một nửa số san hô tại rạn san hô Great Barrier (Australia), rạn san hô lớn nhất thế giới đã chết. Nguyên nhân được cho là do sự biến đổi khí hậu đã phá hủy hệ sinh thái dưới biển.

Một nghiên cứu được công bố ngày 14/10 trên tạp chí Proceedings of Royal Society Journal cho thấy, số lượng san hô chết tại rạn Great Barrier kể từ năm 1990 nhanh đến đáng báo động. Đây là rạn san hô nằm ngoài khơi bờ biển Đông bắc Australia và đã được xếp hạng Di sản thế giới.

Các loài san hô lớn hơn, như san hô phân nhánh và san hô hình bàn, bị ảnh hưởng nặng nề nhất và gần như đã biến mất ở vùng phía bắc của rạn san hô.

"Khoảng 80-90% số san hô đã chết", hãng thông tấn AFP dẫn lời ông Terry Hughes, đồng tác giả của báo cáo cho biết, "San hô tạo ra các ngóc ngách và trở thành nơi sinh sống của các loại cá và sinh vật biển. Do đó, việc mất đi rạn san hô lớn sẽ gây ra các thay đổi hệ sinh thái."

 San hô tại rạn Great Barrier (Australia). (Ảnh: AFP)

Bên cạnh giá trị tự nhiên, rạn san hô Great Barrier dài 2.300km cũng đem về giá trị kinh tế lên tới 4 tỷ USD thông qua du lịch cho Australia.

Nguyên nhân khiến cho những rạn san hô này chết được cho là do nước biển đang ấm lên. Sự thay đổi nhiệt độ ở đại dương khiến những con san hô khỏe mạnh mất đi màu sắc vốn có và bị "tẩy trắng", khiến cho sức khỏe của chúng trở nên yếu hơn.

Ông Hughes cho biết san hô sẽ tiếp tục chết trừ khi các quốc gia có thể đáp ứng cam kết của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, giữ cho nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng dưới 2 độ C vào năm 2100 so với mốc tiền công nghiệp.

"Phải mất khoảng một thập kỷ để phục hồi khoảng 1 nửa những loại san hô phát triển nhanh nhất." - ông Hughes phân tích. Nếu nhiệt độ giữ ở mức tăng dưới 2 độ C, san hô sẽ có thể sinh trưởng trở lại./.

Thu Thủy (theo AFP)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực