104 triệu trẻ em trên thế giới không được đến trường vì xung đột và thiên tai

Thứ năm, 20/09/2018 15:47
(ĐCSVN) – Thời thơ ấu là khoảng thời gian để trẻ em trưởng thành và được đến trường. Nhưng xung đột và thiên tai đã lấy đi những quyền này của 104 triệu trẻ em trên toàn thế giới trong độ tuổi từ 5 đến 17.

Hai bé gái tại một ngôi trường bị đốt cháy ở Malakal, Nam Sudan. (Ảnh: UNICEF)

Ngày 19/9, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã công bố một nghiên cứu về thực trạng giáo dục đối với trẻ em từ cấp tiểu học đến trung học tại tất cả các quốc gia, trong đó bao gồm những em bị ảnh hưởng bởi các tình huống nhân đạo khẩn cấp.

Theo Giám đốc Điều hành của UNICEF Henrietta Fore, khi một quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột hay thiên tai, trẻ em và trẻ vị thành niên là những nạn nhân phải chịu hậu quả kép. Về mặt ngắn hạn, khi trường học của các em bị hư hỏng, phá hủy, bị chiếm đóng bởi các lực lượng vũ trang, thậm chí bị tấn công, hàng triệu em đã không được đến trường; và khi tình trạng này kéo dài nhiều năm, cơ hội để các em quay trở lại trường học là rất ít. Về mặt lâu dài, các em và quốc gia mà các em đang sinh sống sẽ tiếp tục đối mặt với vòng quay của nghèo đói.

Nghiên cứu của UNICEF chỉ ra rằng, 1/5 số trẻ em trong độ tuổi từ 15 – 17 sống ở các quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột hay thiên tai chưa bao giờ được đến lớp học một cách chính thức; trong khi đó, 2/5 các em trong độ tuổi này chưa hoàn thành bậc tiểu học.

Nếu như số trẻ em không được đến trường trong độ tuổi từ 5 – 17 tại các quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột hay thiên tai là khoảng 104 triệu em thì con số này trên toàn cầu là 303 triệu em (chiếm 1/5 số trẻ em trong cùng lứa tuổi trên toàn cầu).

Nghiên cứu cho thấy nghèo đói vẫn là rào cản lớn nhất đối với nền giáo dục toàn cầu, với số trẻ em trong độ tuổi tiểu học ở những gia đình nghèo nhất không được đến trường cao hơn gấp 4 lần so với những em cùng lứa tuổi trong những gia đình giàu có nhất.

Theo UNICEF, với chưa đến 4% các cam kết nhân đạo toàn cầu dành cho giáo dục, tổ chức này kêu gọi cần tăng cường đầu tư vào chất lượng giáo dục từ bậc tiểu học đến bậc trung học.

Ước tính thế giới sẽ có hơn 1,3 tỷ người trong độ tuổi từ 10 – 19 vào năm 2030, tăng 8% so với hiện nay. Bà Henrietta Fore, Giám đốc Điều hành của UNICEF cho rằng “đây là một thời điểm quan trọng trong lịch sử” và việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai với những cơ hội việc làm tốt hơn sẽ mang lại những lợi ích đối với sự phát triển kinh tế, xã hội./.

Kiều Giang (theo UN, UNICEF)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực