Các nhân viên Liên hợp quốc tập hợp tại New York để thể hiện tình đoàn kết
sau vụ đánh bom trụ sở Liên hợp quốc tại Baghdad ngày 19/8/2003. (Ảnh: UN)
Theo Liên hợp quốc, các nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố phải đấu tranh thường xuyên để khiến cho tiếng nói của họ được lắng nghe, để có được sự hỗ trợ và thực thi các quyền cơ bản. Các nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố thường bị lãng quên khi những hậu quả tức thời của một cuộc tấn công khủng bố phai mờ và điều này có thể làm trầm trọng thêm tổn thương của họ.
Thêm nữa, một số quốc gia thành viên của Liên hợp quốc không có đủ nguồn lực và khả năng cần thiết để đáp ứng nhu cầu của các nạn nhân trong thời gian trung và dài hạn, mà đôi khi gây khó khăn cho việc phục hồi và tái hòa nhập của họ vào xã hội.
Trong bối cảnh đó, ngày 19/12/2017, theo đề nghị của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Đại hội đồng đã thông qua nghị quyết tuyên bố lấy ngày 21/8 hàng năm để kỷ niệm Ngày quốc tế tưởng niệm các nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố. Thông qua nghị quyết này, Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng mong muốn tái khẳng định cam kết tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức, đồng thời nhấn mạnh rằng tất cả các hành động khủng bố, không có ngoại lệ, đều là tội phạm và vô lý, bất kể động lực, địa điểm, thời gian hoặc thủ phạm gây ra các hành động khủng bố.
Trong thông điệp đưa ra nhân Ngày quốc tế tưởng niệm các nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố năm nay (21/8/2018), Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nêu rõ: Khủng bố là một trong những vấn đề khó khăn nhất trong thời đại chúng ta và là mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh quốc tế. Từ Tajikistan đến Vương quốc Anh, từ Baghdad đến Barcelona, những cuộc tấn công ác liệt này đã làm rung chuyển cuộc sống của chúng ta. Không một quốc gia nào có thể tự coi mình là an toàn khỏi những cuộc tấn công khủng bố này, trong khi các nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố thuộc hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Tuy nhiên, theo nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc, sau một cuộc tấn công khủng bố, hiếm khi chúng ta nghe nói về những nạn nhân bị thiệt mạng và bị thương, những người phụ nữ, nam giới, trẻ em gái và trai với cuộc sống của họ sau khi đã bị tổn thất hoặc xáo trộn. “Thật hiếm khi chúng ta nghe về gia đình của họ, bạn bè của họ, những người đã sống sót và bây giờ phải học cách sống với gánh nặng khủng bố trong suốt cuộc đời mình” – ông Antonio Guterres lưu ý.
Chính vì vậy, Ngày quốc tế tưởng niệm các nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố là dịp để nhắc nhở chúng ta cần dừng lại để lắng nghe các nạn nhân và những người sống sót sau các hành động khủng bố, để khiến cho tiếng nói của họ được lắng nghe và ghi nhận những tác động của chủ nghĩa khủng bố đối với cuộc sống của chính họ.
Tổng thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh hỗ trợ cho các nạn nhân và gia đình của họ là một yêu cầu đạo đức dựa trên việc thúc đẩy, bảo vệ và tôn trọng quyền con người. Chăm sóc cho các nạn nhân và những người sống sót có thể giúp ứng phó với những luận điệu thù địch và chia rẽ mà chủ nghĩa khủng bố dự định lan truyền trong cộng đồng. “Chúng ta phải cung cấp cho các nạn nhân hỗ trợ dài hạn, bao gồm hỗ trợ tài chính, pháp lý, y tế và tâm lý xã hội” – ông Guterres nhấn mạnh. Bằng cách cải thiện điều kiện sống của các nạn nhân và những người sống sót của chủ nghĩa khủng bố, lắng nghe họ, tôn trọng quyền lợi của họ, cung cấp cho họ sự giúp đỡ, chúng ta có thể làm giảm thiệt hại lâu dài mà những kẻ khủng bố đã gây ra cho mọi người dân trên thế giới./.