Biến đổi khí hậu và một số vấn đề cần quan tâm

Thứ ba, 16/02/2010 23:59

(ĐCSVN) – Năm 2009 được đánh dấu là một năm quan trọng ghi nhận nhiều diễn biến bất thường, khắc nghiệt của thời tiết cũng như chứng kiến những nỗ lực không mệt mỏi của cộng đồng nhằm hạn chế sự nóng lên của trái đất. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại vẫn còn không ít hoài nghi liệu chúng ta đã hiểu rõ về hiện tượng tự nhiên này cũng như đâu là các phương tiện, biện pháp hiệu quả để hạn chế biến đổi khí hậu cùng các hệ quả của nó tác động đến cuộc sống con người ?

Kết thúc năm 2009, cả thế giới dõi theo diễn biến của Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu tổ chức tại thủ đô Copenhagen (Đan Mạch) với kỳ vọng đưa ra một hiệp định toàn cầu tiếp tục "Con đường Bali" đi đến đích thắng lợi; song kết quả đã không như mong đợi.

Phân chia trách nhiệm liên quan tới hiện tượng biến đổi khí hậu ?

Cho tới thời điểm này, một trong những khúc mắc lớn nhất còn tồn tại trong cộng đồng quốc tế chính là nước nào phải chịu trách nhiệm chính gây ra sự nóng lên của khí hậu toàn cầu cũng như phải thực hiện nghĩa vụ chủ yếu cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính ? Hai tháng sau Hội nghị Copenhagen, cuộc tranh cãi về nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ sự sống vẫn chưa hề nguội lạnh.

 

Định mức cắt giảm khí thải - vấn đề hiện vẫn gây nhiều tranh cãi (Ảnh tư liệu) 

Không thể phủ nhận rằng chính các quốc gia công nghiệp phát triển là tác nhân gây ra hiện tượng biến đổi khí hậu. Có thể thấy được kể từ nhiều năm trở lại đây, Mỹ luôn luôn là quốc gia đứng vị trí đầu tiên trong bảng danh sách các nước phát tán khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất thế giới. Mặc dù thời gian gần đây, một số quốc gia mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil bị chỉ trích nặng nề về lượng khí thải phát tán ra quá nhiều song còn diễn ra muộn hơn khoảng 50 năm so với các nước phát triển với nền công nghiệp tăng trưởng mạnh từ lâu đời.

Liên quan tới tỷ lệ cắt giảm khí thải, với lý do là các nước giàu chiếm tới 80% lượng khí thải toàn cầu, các nước đang phát triển yêu cầu các nước giàu phải làm gương hơn nữa trong việc cắt giảm khí thải, đồng thời hỗ trợ để các nước đang phát triển thích nghi với điều kiện khí hậu biến đổi. Các nước nghèo mong muốn các nước giàu phải cắt giảm 40% lượng khí thải trong vòng 10 năm tới đây. Trong khi đó, thế giới phát triển lại bày tỏ mong muốn các nước đang phát triển phải chia sẻ mức khí thải cắt giảm, phải cam kết mạnh hơn, rõ ràng hơn về tỷ lệ khí thải sẽ cắt giảm. Họ cho rằng mục tiêu cắt giảm 40% này là quá xa vời, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế như hiện nay.

Con người thực sự tác động xấu tới khí hậu ?

Thông qua các phân tích lượng băng hà tại hai cực của trái đất, các nhà khoa học đã nhận thấy rằng trong vòng 10.000 năm vừa qua, khí thải CO2 trong bầu khí quyển luôn ở mức tương đối ổn định song đã tăng lên 30% chỉ trong vòng vài thập kỷ qua. Khí CO2 được sản sinh từ quá trình đốt cháy các nguồn năng lượng rắn (dầu, than đá...) và từ tình trạng phá rừng. Hiện tượng này gây biến động về bản chất tự nhiên của trái đất chúng ta.

 

Chặt phá rừng bừa bãi làm hủy hoại môi trường và góp phần gây nên biến đổi khí hậu (Ảnh tư liệu)

Một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ cũng cho thấy mực nước tại các đại dương trên trái đất tăng nhanh gấp 2 lần trong vòng 150 năm qua, là dấu hiệu của tác động của các hoạt động của con người lên nhiệt độ toàn thế giới. Trên tờ tạp chí Khoa học, các nhà nghiên cứu thuộc Trường Đại học Rutgers tại New Jersey cho biết mực nước biển đã tăng khoảng 1 mm mỗi năm vào thời điểm khoảng 200 năm trước và xa hơn nữa, khoảng 5.000 năm trước. Kể từ đó, mực nước biển tăng khoảng 2 mm mỗi năm.

Thêm vào đó, hiện tượng trái đất ấm lên cùng sự tan băng trên hai cực cũng có thể gây ra tình trạng phát tán hàng loạt khí mêtan vốn được lưu trữ trong lòng đất. Đây thực sự là một hiện tượng nguy hiểm song hiện vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Căn cứ khẳng định diễn biến của hiện tượng biến đổi khí hậu ?

Các số liệu nghiên cứu, thống kê phổ biến nhất về hiện tượng nóng lên của khí hậu toàn cầu chủ yếu tập trung vào nhiệt độ trung bình gần bề mặt trái đất, đặc biệt quan tâm tới tốc độ gia tăng ở mức 0,74°C ± 0,18°C trong khoảng thời gian 1906-2005. Trong vòng 50 năm trở lại đây, tốc độ nóng lên toàn cầu hầu như luôn tăng gấp đôi: 0,13°C ± 0,03°C/thập kỷ, so với 0,07°C ± 0,02°C/thập kỷ trong giai đoạn đầu. Theo các tính toán của Viện nghiên cứu không gian Goddard của NASA, năm 2005 là năm khí hậu biến động tăng cao nhất, hơn mức kỷ lục năm 1998 vài % độ. Các tính toán của Tổ chức Khí tượng Thế giới và Bộ phận nghiên cứu khí hậu cũng cho thấy rằng năm 2005 là năm ấm nóng nhất.

Biến đổi nhiệt độ có sự khác nhau trên toàn cầu. Từ năm 1979, nhiệt độ đất liền tăng khoảng 2 lần so với nhiệt độ đại dương (0,25 °C mỗi thập kỷ còn đại dương 0,13 °C mỗi thập kỷ). Nguyên nhân lý giải hiện tượng này một phần là do đại dương mất nhiệt nhiều hơn bởi sự bốc hơi. Thêm vào đó, Bắc bán cầu ấm nhanh hơn Nam bán cầu là do khu vực phía Bắc có nhiều diện tích đất hơn và có các vùng rộng lớn với mùa tuyết và băng che phủ bề mặt biển tùy thuộc vào phản hồi ice-albedo. Mặc dù lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kiính thải ra tại Bắc bán cầu nhiều hơn Nam bán cầu, song nó lại không góp phần dẫn tới sự khác biệt về quá trình tăng nhiệt ở hai khu vực này vì lượng khí gây hiệu ứng nhà kính có thể tồn tại đủ lâu để hòa trộn giữa hai bán cầu.

Dự báo về quá trình biến đổi của khí hậu toàn cầu

 

Khí hậu ngày càng khắc nghiệt và có nhiều biến động bất thường (Ảnh tư liệu)

Theo nhận định của hầu hết các nhà khoa học và môi trường, thế kỷ XXI sẽ đánh dấu sự nóng lên của trái đất rất nhanh chóng. Báo cáo năm 2007 của GIEC (Nhóm Chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu) đã đánh giá mức tăng nhiệt độ trung bình từ năm 1990 - 2100 nằm trong khoảng từ 1,1 - 6,4°C, mà biên độ dễ xảy ra hơn cả là vào khoảng từ 1,8 - 4°C. Tuy nhiên, một năm sau đó, nghiên cứu của Hội địa vật lý Mỹ còn đi xa hơn thế khi cho rằng những sự kiện khí hậu hiếm hoi mà trong đó nhiệt độ có thể đạt đến những ngưỡng cực đoan, đang ngày càng tăng với tốc độ chóng mặt, theo đó nhiệt độ có thể vượt quá 5°C trên rất nhiều vùng của trái đất vào cuối thế kỷ này: tại Australia, Ấn Độ, Trung Đông, Bắc Phi, ở Sahara và cả ở Nam Mĩ. Gần đây nhất, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Copenhagen về biến đổi khí hậu toàn cầu, các nhà khoa học hàng đầu về khí hậu đã đưa ra một bản báo cáo chi tiết về những ảnh hưởng xấu của sự biến đổi khí hậu tới trái đất, trong đó khẳng định nếu lượng khí thải tiếp tục tăng như hiện nay thì nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng thêm từ 4 - 7°C vào năm 2100. Biến đổi khí hậu vẫn luôn là hiện tượng đặc biệt nguy hiểm, có ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng tới đời sống của nhân loại; vì vậy, luôn thu hút sự chú ý đặc biệt của giới khoa học. Những đánh giá cũng như dự báo về quá trình biến đổi của khí hậu toàn cầu luôn được đưa ra liên tục. Mặc dù có sự chênh lệch giữa các mức nhiệt độ dự báo song không thể phủ nhận được nhiệt độ trên bề mặt trái đất đang ngày càng tăng cao và có những biến động bất thường, khó kiểm soát.

Các yếu tố tác động đến sự thay đổi này sẽ được đánh giá riêng biệt. Nó là tổng hợp của rất nhiều các thành tố liên quan đến sự thay đổi thời tiết và khí hậu. Đó là: sự hoạt động của núi lửa với hàng triệu tấn carbon dioxide thải ra ngoài môi trường, sự dao động của các nguồn ánh nắng mặt trời, hiệu ứng khí nhà kính và các lỗ thủng tầng ozone...

Phát triển nguồn năng lượng mới – chìa khóa để giải bài toán khí thải?

Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh khí thải gây hiệu ứng nhà kính chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới hiện tượng biến đổi toàn cầu. Chính vì vậy, trong khi các nguồn năng lượng rắn đang được hạn chế đến mức thấp nhất thì việc phát triển các nguồn năng lượng mới được xem như chìa khóa để giải quyết vấn đề cắt giảm khí thải. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), việc tiêu thụ các nguồn năng lượng rắn phải được hạn chế trước năm 2020 để giữ sự nóng lên của khí hậu dưới ngưỡng 2°C. Điều này đồng nghĩa với việc cần giảm một nửa lượng khí thải CO2 trên hành tinh. Trung bình, mỗi chúng ta phải giảm 500kg CO2/năm, tương đương với khoảng 750 lít xăng, hoặc 5.000km lưu chuyển trong thành phố bằng một chiếc xe ô tô nhỏ.

 

Năm 2009, Tây Ban Nha đạt kỷ lục về sản xuất phong điện
(Ảnh tư liệu)

Cũng theo IEA, để tránh thảm họa khí hậu có thể xảy ra, con người cần thay đổi những chính sách về năng lượng và đưa thế giới vào con đường năng lượng bền vững. Để giải quyết vấn đề an ninh năng lượng và môi trường, một hướng đi có nhiều khả thi đó là năng lượng mới - năng lượng tái tạo. Việc sử dụng năng lượng mới - năng lượng tái tạo không những bổ sung cho nguồn năng lượng truyền thống đang có nguy cơ cạn kiệt mà còn đảm bảo nguồn năng lượng sạch, giảm thiểu phát thải khí CO2, tạo ra môi trường bền vững. Đây là dạng năng lượng không sử dụng tới nguồn nhiên liệu hoá thạch: năng lượng mặt trời, năng lượng gió, thủy điện nhỏ, khí sinh học,....

Không thể phủ nhận những diễn biến ngày càng đáng lo ngại của hiện tượng biến đổi khí hậu cũng như các hệ quả nghiêm trọng của nó tác động đến đời sống con người. Từng ngày từng giờ, cộng đồng quốc tế vẫn đang nỗ lực hết sức triển khai các giải pháp nhằm hạn chế sự nóng lên của khí hậu không vượt quá ngưỡng 2°C. Đó có thể là các chính sách hành động vĩ mô của các chính phủ, các tổ chức quốc tế hoạt động vì môi trường,… được triển khai dưới nhiều hình thức khác nhau, song hơn hết vẫn là thái độ, là hành động của từng cá nhân góp phần bảo vệ cuộc sống của chính mình.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực