Bolivia đề xuất tổ chức Hội thảo quốc tế về thay đổi khí hậu

Thứ tư, 06/01/2010 16:28
(ĐCSVN) - Ngày 5/1, Tổng thống Bolivia Evo Morales đã đưa ra đề xuất tổ chức một cuộc Hội thảo quốc tế nhằm thảo luận về những tác động của thay đổi khí hậu toàn cầu cũng như cách thức nhằm chống lại thảm họa này.

 
Tổng thống Bolivia Evo Morales (Ảnh: Reuters)
Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Morales nhấn mạnh: “Do trách nhiệm lịch sử đối với loài người, chúng tôi đã quyết định đưa ra đề xuất nhằm tổ chức Hội thảo quốc tế đầu tiên về đề tài Con người đối với vấn đề thay đổi khí hậu”.

Qua đó, ông Morales kêu gọi người đứng đầu của các tổ chức, các nhà khoa học, chuyên gia về môi trường tham dự vào sự kiện này – dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 20-22/4/2010 tại thành phố Cochabamba của Bolivia.

Theo ông Morales thì các nước công nghiệp phát triển vốn thải ra 75% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiện tượng thay đổi khí hậu toàn cầu. Qua đó, Tổng thống Bolivia bày tỏ tin tưởng rằng Hội thảo này sẽ phần nào gây sức ép, buộc các nước công nghiệp phát triển phải thừa nhận “món nợ về khí hậu” đối với các nước nghèo. Trước đó, trong một bài phát biểu trước báo giới, ông Morales đã lên tiếng phản đối chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc. Theo quan điểm của Tổng thống Bolivia, thì đây chính là hai đối tượng gây ra các vấn đề về thay đổi khí hậu do thái độ thờ ơ trước quyền lợi của tự nhiên cũng như quyền lợi của những người dân bản địa. Qua đó, ông Morales cũng lên tiếng cáo buộc các nước công nghiệp phát triển đã không giúp đỡ các nước khác trong cuộc chiến chống lại hiện tượng thay đổi khí hậu một cách thoả đáng mà thay vào đó, các nước này lại “đổ hàng nghìn tỷ USD cho các cuộc chiến không cần thiết tại Afghanistan và Iraq”.

Mục tiêu của Hội thảo do Tổng thống Bolivia đề xuất nhằm mục tiêu phân tích một cách có hệ thống các nguyên nhân gây nên hiện tượng thay đổi khí hậu và đưa ra các đề xuất nhằm thắt chặt sự cân bằng giữa con người và tự nhiên. Một đề tài quan trọng khác sẽ được đề cập đến Hội thảo này là “một đề xuất chung vì quyền lợi của mẹ trái đất” cũng như vấn đề chuyển giao công nghệ.

Tháng 12/2009, đại diện đến từ 193 quốc gia tham gia Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu diễn ra tại Copenhagen (Đan Mạch) đã thống nhất thành lập một quỹ nhằm giúp các nước nghèo. Tuy nhiên cho đến nay, khoản đầu tư cụ thể cho quỹ này vẫn còn là một con số mơ hồ.

Bolivia là một trong số 5 nước phản đối bản Hiệp ước Copenhagen do Tổng thống Mỹ Barack Obama đề xuất với lý do rằng “bản tài liệu này đã được soạn thảo một cách bí mật bởi nội bộ một nhóm nhỏ các quốc gia”. Do không nhận được sự đồng thuận đầy đủ từ đại diện 193 quốc gia tham dự, bản Hiệp ước Copenhagen chỉ được Hội nghị ghi nhận là một văn kiện có ít tính ràng buộc hơn so với dự kiến ban đầu./.

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực