Dịch cúm A/H1N1: Báo động cấp 6 hay nhầm lẫn của WHO?

Thứ sáu, 15/01/2010 09:32

(ĐCSVN) – Trong khi số lượng các trường hợp tử vong do cúm A/H1N1 vẫn liên tục được cập nhật trên các phương tiện thông tin đại chúng thì người dân trên thế giới lại một lần nữa bàng hoàng trước thông tin dịch bệnh này đã bị thổi phồng nhằm tạo thuận lợi cho các công ty dược, kèm theo những tuyên bố đáng ngạc nhiên của cơ quan y tế hàng đầu thế giới – WHO.

Cúm A/H1N1: Hành trình đi tới đại dịch

 

WHO công bố cúm A/H1N1 trở thành đại dịch trên phạm vi toàn cầu (Ảnh tư liệu)

Tháng 3-4/2009, một dịch bệnh ban đầu được gọi là "dịch cúm lợn" bùng phát và tác động tới nhiều người dân trên lãnh thổ Mexico, Mỹ, tiếp đến là nhiều quốc gia khác trên thế giới, sau đó gây nên một làn sóng dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ với số người tử vong được thông báo theo từng giờ.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngay lập tức khuyến cáo mọi quốc gia cần thận trọng với mùa cúm bất thường hoặc với các trường hợp có triệu chứng như viêm phổi, đặc biệt đối với người trưởng thành trẻ tuổi, với mức độ ngày càng trầm trọng. Đầu tháng 6/2009, WHO chính thức công bố đại dịch cúm toàn cầu lần đầu tiên trong vòng 40 năm qua. Trước đó, đại dịch cúm toàn cầu là dịch cúm Hồng Kông năm 1968, khiến khoảng một triệu người tử vong. Theo định nghĩa do WHO đưa ra hồi năm 2005, một căn bệnh cúm được xếp vào hàng đại dịch toàn cầu khi thỏa mãn các điều kiện: xuất hiện chủng vi-rút mới, gây bệnh nghiêm trọng cho người và tình trạng lây nhiễm giữa người sang người lan rộng giữa hai khu vực trên thế giới.

Gần đây nhất, các số liệu thống kê do WHO đưa ra vào cuối tuần qua cho thấy, trên thế giới đã có 12.800 người tử vong do cúm A/H1N1. Báo cáo của WHO cho biết châu Mỹ vẫn là nơi có số tử vong cao nhất với 6.880 ca. Tại châu Âu, con số này là 2.554 ca. Tây Thái Bình Dương, Đông Nam Á, đông Địa Trung Hải và châu Phi mỗi nơi có 1.361, 1.165, 708 và 131 ca. Đồng thời, WHO lưu ý con số này vẫn thấp hơn con số tử vong trên thực tế bởi có nhiều trường hợp tử vong đã không được xét nghiệm. Họ cũng cảnh báo dù dịch cúm đã qua giai đoạn đỉnh tại nhiều nước ở bắc bán cầu, đặc biệt là Mỹ, Canada và một số nước châu Âu song vẫn đang lây lan ở mức cao tại nhiều nước khác.

Dịch cúm bùng nổ - sôi động thị trường vắc-xin

Sau khi thông tin về dịch bệnh bùng nổ được nhắc tới hàng ngày hàng giờ trên phạm vi toàn thế giới, các hãng dược phẩm lớn như Novartis (Thụy Sĩ), GlaxoSmithKline (Anh) và Sanofi (Pháp) ngay lập tức vào cuộc để bào chế vắc-xin phòng chống cúm A/H1N1. WHO phát động một chiến dịch tiêm chủng trên toàn thế giới với nhiều biện pháp hỗ trợ, đơn cử như cung cấp 180 triệu liều vắc-xin miễn phí cho các nước nghèo tại châu Phi. Đi kèm với các bản báo cáo công bố số lượng người tử vong do cúm A/H1N1 được cập nhật liên tục, WHO luôn đưa ra lời kêu gọi tiêm phòng vắc-xin chống cúm và tuyên bố đây là một biện pháp hiệu quả nhất để phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này.

Để làm gương cho dân chúng, ngày 20/12/2009, đích thân Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng phu nhân Michelle đã tiêm ngừa cúm A/H1N1 trong khi 2 con gái của họ đã được tiêm từ tháng 10. Nhà lãnh đạo Mỹ đã khuyến khích mọi người nên tiêm vắc-xin chống cúm A/H1N1 vì “vắc-xin này hiện đã phổ biến và cung cấp rộng rãi cho người dân”. Trước đó, vắc-xin chống cúm A/H1N1 được giới hạn sử dụng cho các nhóm như trẻ em.

Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là trong khi cơ quan y tế hàng đầu thế giới không ngừng khẳng định tầm quan trọng của vắc-xin chống cúm cũng như đưa ra vô số lời kêu gọi tiêm phòng thì cho tới tận thời điểm năm 2009 kết thúc, ngày 30/12, người đứng đầu của cơ quan này, Tổng Giám đốc Magaret Chan mới tiến hành tiêm phòng.

Tính cho đến giữa tháng 11/2009 đã có hơn 65 triệu liều vắc-xin được tiêm chủng tại hơn 16 quốc gia trên thế giới. Với sản lượng ước tính 3 tỉ liều vắc-xin cúm A/H1N1 được sản xuất mỗi năm.

Hãng thông tấn AFP dẫn thông báo vừa được Bộ trưởng Y tế Pháp Roselyne Bachelot đưa ra ngày 12/1 cho biết, đứng vị trí đầu tiên trong bảng danh sách các nước đặt hàng vắc-xin chống cúm A/H1N1 là Anh với 130 triệu liều dành cho 61 triệu dân, tương ứng với tỷ lệ 2,1 liều/người. Canada xếp vị trí thứ hai với 51 triệu liều được yêu cầu dành cho 33 triệu dân – 1,55 liều/người và Pháp giữ vị trí thứ ba với tỷ lệ 1,46 liều/người; tiếp sau đó là Mỹ (0,83 liều/người), Đức (0,6), Mexico (0,57), Italia (0,4) và Nhật Bản (0,4).

Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, nhiều nước mới dần nhận ra mình đã mua quá nhiều vắc-xin so với nhu cầu thật sự và quyết định hủy đơn đặt hàng hoặc tìm cách thanh lý số thuốc dư.

Đầu tháng này, Pháp đã tuyên bố muốn hủy 50 triệu trong số 94 triệu liều vắc-xin mà nước này đã đặt hàng do quá thừa thuốc. Tuyên bố trên được đưa ra sau làn sóng chỉ trích mạnh mẽ từ các chính trị gia và các nhà khoa học. Đảng Xã hội đối lập mô tả chiến dịch quốc gia ngừa cúm này là một “sự thất bại ngông cuồng” và yêu cầu quốc hội tiến hành điều tra. Qatar đã mua lại 300.000 liều, trong khi Ai Cập, Mexico và Ukraine đang được Pháp nhắm tới.

Tình hình cũng xảy ra tương tự tại không ít quốc gia khác như Mỹ, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Đức và Hà Lan.

Theo nguồn tin từ Hãng dược CSL, Bộ Y tế Mỹ đã tuyên bố sẽ chỉ mua 14 triệu liều vắc-xin từ Hãng CSL thay vì 22 triệu liều như đặt hàng ban đầu

Thụy Sĩ, với dân số 7,7 triệu người, đã đề nghị 13 triệu liều vaccine từ Hãng GlaxoSmithKline và Novartis, trị giá 81 triệu USD. Tháng 12/2009, Chính phủ Thụy Sĩ cho biết đang tính tới việc ủng hộ bớt 4,5 triệu liều vắcx-in “thừa” cho WHO hoặc bán cho nước khác do nhu cầu trong nước quá thấp.

Tương tự, Đức đang đàm phán với Hãng GSK để cắt giảm 50% hợp đồng mua 50 triệu liều vắc-xin Pandemrix khi “đại dịch” mới bùng phát.

Hà Lan cũng tuyên bố sẽ bán 19 triệu trên tổng số 34 triệu liều vắc-xin đã đặt mua.

Tây Ban Nha cũng tìm cách thay đổi đơn hàng. Chính quyền nước này đã đặt mua 22 triệu liều vắc-xin từ Novartis, 14,7 triệu liều từ GSK và 400.000 liều từ Sanofi-Aventis. Mới đây, một người phát ngôn của chính phủ khẳng định theo hợp đồng ký với ba hãng trên, Madrid có quyền trả lại lượng vắc-xin dư nếu chứng minh được chúng không cần thiết.

Đặc biệt, Anh đã đặt mua tổng cộng 132 triệu liều vắc-xin với chi phí lên đến 1,92 tỉ USD sau khi nhận được lời cảnh báo từ các cố vấn Bộ Y tế về khả năng sẽ có 65.000 người bị thiệt mạng tại quốc gia này do dịch cúm A/H1N1. Song tính đến ngày 11/1 vừa qua, tổng cộng ở Anh chỉ có 251 người thiệt mạng do cúm A/H1N1, phần lớn là những người đã mắc sẵn bệnh hiểm nghèo. Chính phủ Anh có một thỏa thuận trả lại vắc-xin dư thừa cho Hãng Baxter, nhưng nhà cung cấp vắc-xin lớn nhất cho nước Anh là GSK, và trong hợp đồng với hãng này lại không có điều khoản “trả lại”.

Sau khi các quốc gia tuyên bố muốn hủy các đơn đặt hàng mua vắc-xin cúm A/H1N1, giá cổ phiếu của GSK, Novartis và Sanofi-Aventis đã đồng loạt giảm 1,6-2,2%. Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính nhận định việc đó chẳng xứng vào đâu so với những khoản lợi nhuận khổng lồ mà các tập đoàn này thu được được trong cơn bão bệnh toàn cầu kéo dài gần một năm qua. Theo tờ Daily Mail, Hãng dược GlaxoSmithKline được dự báo là một trong những người hưởng lợi nhất từ “đại dịch” này. Cũng theo nguồn tin này, ông Roy Anderson, một nhà khoa học cố vấn cho chính phủ Anh về dịch cúm, đồng thời có một chỗ đứng tại Hãng GlaxoSmithKline với mức lương 116.000 bảng Anh/năm.

Tuyên bố từ châu Âu - cú sốc đối với thế giới

 

Chủ tịch Ủy ban Y tế của Nghị viện châu Âu TS.Wolfgang Wodarg (Ảnh tư liệu)

Khó có thể phủ nhận rằng cuộc tranh cãi về mức độ nguy hiểm của dịch cúm A/H1N1 cũng như vai trò của việc tiêm phòng vắc-xin chống cúm đã được nhen nhóm từ rất lâu trong giới khoa học cũng như trong thực tế diễn biến dịch bệnh song đều bị “lu mờ” trước vô số các bản báo cáo, tổng kết số lượng nạn nhân của sự kiện vốn vẫn luôn được cảnh báo là “đại dịch” kèm theo lời kêu gọi hành động được phát đi từ cơ quan phụ trách y tế, sức khỏe lớn nhất thế giới. Chỉ đến khi Hội đồng châu Âu (EC) thông báo sẽ tiến hành điều tra khả năng có ảnh hưởng quá mức từ ngành dược phẩm tới quyết định của WHO về đại dịch cúm A/H1N1, thì cuộc tranh luận sôi nổi về chủ đề này mới chính thức bùng nổ dữ dội.

Hầu hết các cơ quan thông tấn báo chí lớn trên thế giới đều đăng tải thông tin phát biểu của Chủ tịch Ủy ban Y tế của Nghị viện châu Âu, Tiến sĩ Wolfgang Wodarg. Trong tuyên bố chính thức trước ủy ban, Tiến sĩ Wodarg đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ ảnh hưởng của ngành dược phẩm với các nhà khoa học và quan chức trong WHO, cho rằng điều này đã dẫn đến tình trạng “hàng triệu người khỏe mạnh vô cớ bị tiêm những liều vắc-xin được kiểm tra sơ sài”, và vì một chủng cúm “thậm chí còn ít hại hơn” các dịch cúm trước đây. Theo Tiến sĩ Wodarg, để bảo đảm hơn lợi ích của mình, các hãng dược phẩm hàng đầu thậm chí đã cài cắm “người của họ” vào các vị trí của WHO và những tổ chức có ảnh hưởng khác. Ảnh hưởng của những người này đã khiến WHO nới lỏng hơn các định nghĩa về đại dịch, dẫn đến lời tuyên bố về một đại dịch thế giới vào tháng 6/2009. Theo ông, chiến dịch “đại dịch” cúm A/H1N1 của WHO là “một trong những bê bối y tế lớn nhất” thế kỷ.

Vào thời điểm này, các nhà chức trách châu Âu đang chuẩn bị cho một cuộc họp khẩn cấp để xác định xem liệu có chuyện các tập đoàn dược phẩm lớn đã “bịa” ra câu chuyện nguy hiểm về “đại dịch cúm A/H1N1” để thu về những khoản lợi nhuận khổng lồ từ việc bán vắc-xin hay không. Theo tờ Guardian (Anh) và L’Humanité (Pháp), cuộc họp này dự kiến sẽ diễn ra ngay trong tháng 1, theo đó Hội đồng châu Âu sẽ thảo luận một nghị quyết cáo buộc các “đại gia” dược phẩm dựa vào một số quan chức của ngành y tế để đưa những cảnh báo giả mạo lên chính phủ các nước về mức độ nguy hiểm của cúm A/H1N1.

WHO: Lời giải thích được kỳ vọng

Kể từ khi thông tin về “vụ bê bối y tế lớn nhất” bị bùng phát mạnh mẽ, mọi sự chú ý của dư luận đều đổ dồn lên Tổ chức Y tế Thế giới với kỳ vọng về một lời giải thích thỏa đáng, minh bạch cũng như các phản ứng kịp thời và hiệu quả.

Tại cuộc họp báo ở Geneva ngày 12/1 vừa qua, người phát ngôn Tổ chức Y tế Thế giới, Fadela Chaib, cho biết, WHO sẽ mở một cuộc điều tra do các chuyên gia độc lập tiến hành để xem xét và đánh giá vấn đề dư luận gọi là "dịch cúm A/H1N1 giả". Theo bà Fadela Chaib, cuộc điều tra này sẽ được tiến hành khi dịch cúm kết thúc và kết quả điều tra sẽ được công bố công khai. Tuy nhiên, đại diện WHO cũng khẳng định việc cơ quan này tiến hành xem xét và đánh giá sau nhiều tháng đối phó với dịch bệnh là hoạt động hoàn toàn bình thường nhằm rút kinh nghiệm cho những đợt đối phó với dịch bệnh trong tương lai.

Còn theo TS Jean-Marc Olivé, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, WHO luôn kiên định đánh giá tác động của đại dịch cúm hiện tại là vừa phải, nhắc nhở cộng đồng y tế, người dân, và các phương tiện truyền thông đại chúng rằng đại đa số bệnh nhân bị bệnh tương tự cúm nhẹ và phục hồi hoàn toàn trong vòng một tuần, thậm chí không cần bất kỳ hình thức điều trị y tế nào. WHO yêu cầu tất cả các chuyên gia tư vấn cho tổ chức phải tuyên bố tất cả các quyền lợi về mặt chuyên môn và tài chính, bao gồm nguồn tài chính thu được từ các công ty dược phẩm hoặc các cơ quan tư vấn hay các hình thức liên hệ về chuyên môn khác với các công ty dược phẩm. Đối với việc khuyến cáo người dân nên tiêm chủng, WHO cho rằng đây là giải pháp tốt nhất để bảo vệ tính mạng con người . Những công cụ đó bao gồm các vắc-xin và thuốc kháng virus. Do vậy, WHO làm việc với các công ty dược phẩm bởi vì họ là những người sản xuất ra vắc xin. Liên quan đến cáo buộc WHO thổi phòng thông tin về dịch cúm A/H1N1, theo WHO, các quyết định sớm được thực hiện trong tình trạng hoàn toàn không chắc chắn. Trong giai đoạn đầu của đại dịch, khi không biết liệu đó là một căn bệnh nặng hay nhẹ, WHO đã phải có những hành động và khuyến nghị.

Tuy nhiên, trong thông điệp được phát đi, WHO cũng nhấn mạnh: Chỉ trích là một phần trong chu trình bùng phát dịch. Chúng tôi lường trước được điều này. Sẽ có thể rất tốt cho nền y tế công cộng nếu sự chỉ trích nêu bật được khuyết điểm cần chỉ ra. Mặt khác nó cũng có thể gây hại, nếu những khẳng định vô căn cứ ngấm ngầm huỷ hoại khuyến cáo có lợi cho sức khoẻ cộng đồng. Chúng tôi mong đợi và thực sự hoan nghênh những lời chỉ trích và cơ hội để bàn bạc thảo luận.

Cho tới thời điểm này, vấn đề đáng quan tâm không phải là những lời biện minh, giải thích hay tranh luận mà cần tập trung vào các giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc giữa một bên là các cơ quan có trách nhiệm và bên kia là cộng đồng quốc tế - những người dân đã, đang và sẽ “được hưởng lợi” hoặc “là nạn nhân” của chính các quyết sách này. Kết quả của các cuộc điều tra vẫn đang được trông đợi, dù tích cực hay tiêu cực, song điều cốt lõi là thế giới có được cái nhìn chân thực nhất về sự kiện ảnh hưởng tới sự sống của nhân loại./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực