Loài hổ tại vùng Mekong trên bờ vực tuyệt chủng

Thứ ba, 26/01/2010 16:13
(ĐCSVN)Bản báo cáo do Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) công bố ngày 26/1 nêu rõ: Chính phủ các nước cần hành động một cách quyết đoán nhằm ngăn chặn nguy cơ tuyệt chủng của loài hổ tại vùng Mekong khu vực Đông Nam Á-nơi mà số lượng loài hổ đã giảm tới 70% chỉ trong vòng 12 năm trở lại đây.

 
 Một con hổ Đông Dương đang được chăm sóc tại vườn
thú quốc gia Kuala Lumpur, Malaysia
(Ảnh: AFP)

Kết quả thông kê do WWF đưa ra cho thấy, số hổ hoang dã sống tại Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam đã giảm đáng kể, từ 1.200 con trong năm 1998, tính đến nay chỉ còn 350 con.

Bản báo cáo này được công bố trước thềm diễn ra Hội thảo kéo dài 3 ngày về vấn đề bảo tồn loài hổ tại khu nghỉ dưỡng Hua Hin của Thái Lan (từ ngày 27-29/1) với sự tham gia của đại diện đến từ 13 quốc gia châu Á.

Theo nhận định của WWF thì sự sụt giảm về số lượng hổ tại khu vực này cũng đã phản ánh sự sụt giảm về số lượng hổ hoang dã trên toàn thế giới. Theo thống kê, số lượng hổ trên thế giới hiện đã giảm xuống còn mức thấp kỷ lục, chủ còn 3.200 con so với số lượng 20.000 con của những năm 1980 và 100.000 con của 1 thế kỷ trước.

Trước Tết Canh Dần (ngày 14/2/2010 theo lịch của người Trung Quốc), WWF đã đưa ra nhận định không mấy lạc quan khi cho rằng “tới thời điểm hiện tại, số lượng hổ hoang dã trên thế giới đã sụt giảm xuống mức báo động”. Qua đó, tổ chức này cũng nhấn mạnh, chính nhu cầu ngày càng tăng trong việc sử dụng các bộ phận của hổ trong các bài thuốc cổ truyền của Trung Quốc đã trở thành nguyên nhân chính đẩy loài hổ tại khu vực Đông Dương đến bờ tuyệt chủng. Ngoài ra, quá trình phát triển cơ sở hạ tầng, điển hình là hiện tượng chặt phá rừng cũng được xem là một nguyên nhân khác, gây tác động mạnh mẽ đến môi trường sống của loài động vật quý hiếm này.

Ông Nick Cox, điều phối viên Chương trình Biển và Ven bờ của WWF – khu vực Mekong, nhấn mạnh: “Các biện pháp quyết đoán cần được thực hiện nhằm đảm bảo rằng loài động vật quý hiếm, có tính chất biểu tượng này không bị đẩy đến bờ vực tuyệt chủng”.

Theo nhận định của ông Cox thì nếu Chính phủ các nước không nỗ lực hành động để bảo vệ sự sinh tồn của loài hổ thì rất có khả năng, đến năm 2022, loài động vật quý hiếm này tại Việt Nam, Lào, Campuchia sẽ bị tuyệt chủng.

Mặc dù đã có thời kỳ, loài hổ Đông Dương được tìm thấy với số lượng lớn tại khu vực Mekong, tuy nhiên, theo khuyến cáo của WWF thì cho đến nay, không còn quá 30 con hổ loài này sinh sống tại mỗi nước như Campuchia, Lào, Việt Nam.

Trung tuần tháng 8/2009, WWF đã đưa ra nhận định, hổ ở Việt Nam đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng cao, do khả năng thích nghi thấp với các sinh cảnh manh mún, quần thể nhỏ. Bên cạnh đó, với tình trạng săn bắn hổ ngày càng gia tăng, nếu không có chính sách quản lý, bảo vệ và bảo tồn hổ thoả đáng thì số lượng hổ ít ỏi còn tồn tại ở một số khu rừng sẽ bị tiêu diệt trong một ngày không xa. WWF cho biết, số lượng cá thể loài hổ Đông Dương ở Việt Nam đang suy giảm nhanh chóng. Nguyên nhân do loài này đang phải sinh sống trong các khu rừng bị chia cắt và tàn phá nghiêm trọng.

Trong khi đó, quan sát của WWF cũng cho thấy số lượng hổ ít ỏi còn sót lại chủ yếu được tìm thấy tại các khu vực biên giới miền núi giữa Thái Lan và Myanmar. Trước thực trạng này, WWF cũng đang nỗ lực kêu gọi các nhà chức trách tại Hua Hin hành động nhằm tăng gấp đôi số lượng hổ hoang dã vào năm 2022.

“Khu vực này có tiềm năng lớn để tăng số lượng của loài hổ. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể trở thành hiện thực nếu như Chính phủ các nước trong khu vực đưa ra các nỗ lực mạnh mẽ nhằm bảo vệ số lượng ít ỏi những con hổ còn sống sót, bảo vệ cân bằng sinh thái nhằm duy trì thức ăn cho loài hổ cũng như môi trường sống của loài động vật quý hiếm này”, ông Cox nhấn mạnh.

Dự kiến, vào tháng 9/2010, tại thành phố Vladivostok của Nga, Thủ tướng Vladimir Putin sẽ chủ trì một Hội nghị thượng đỉnh về các loài hổ nhằm kết nối những nỗ lực chính trị trên toàn thế giới trong việc bảo vệ tương lai của loài động vật này.

Ông Mike Baltzer, người đứng đầu chương trình Sáng kiến về hổ của tổ chức WWF nhấn mạnh: “Trước mắt chúng ta là cơ hội để kết nối những thiện chí và hành động chính trị nhằm bảo tồn và nâng cao số lượng hổ hoang dã…Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, chúng ta cần dừng ngay các hoạt động mua bán bộ phận của hổ, việc săn bắt hổ trái phép cũng như bảo vệ môi trường sống của loài động vật quý hiếm này”./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực