Maldives cam kết cắt giảm 100% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính

Thứ ba, 02/02/2010 00:28

(ĐCSVN) – Ngày 31/1, Chính phủ Maldives đã đưa ra cam kết sẽ chấm dứt phát thải khí đi-ô-xít các-bon trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. Việc giảm thiểu 100% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính được xem là phần đóng góp tích cực vào nỗ lực chung hạn chế sự nóng lên của khí hậu toàn cầu trong khuôn khổ Hiệp định Copenhagen.

Theo thông tin từ cuộc họp báo thường kỳ của văn phòng Tổng thống Maldives, Ngoại trưởng Ahmed Shaheed đã chính thức khẳng định cam kết trên trong bức thư gửi tới Thư ký hành pháp Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) Yves de Boer. “Việc Maldives công bố hành động cắt giảm của mình là tự nguyện và vô điều kiện. Quốc đảo Maldives rất mong muốn chứng kiến hành động cắt giảm của mình được ghi nhận và đánh giá”, ông Shaheed nêu rõ.

Maldives cũng lưu ý rằng các cố gắng của họ trong nỗ lực cắt giảm khí thải phải được “xác thực và đánh giá ở mức độ quốc tế”.

Theo Hiệp định Copenhagen, các quốc gia có nghĩa vụ thông tin tới UNFCCC về mục tiêu cắt giảm khí thải của mình trước thời hạn 31/1.

Tính cho tới thời điểm hiện tại, lời hứa do Maldives đưa ra được xem là mục tiêu cắt giảm tham vọng nhất trong khuôn khổ Hiệp định Copenhagen.

Phát biểu với giới báo chí, Tổng thống Maldives, Mohamed Nasheed, nêu rõ: “Biến đổi khí hậu hiện đang đe dọa tới cuộc sống của tất cả chúng ta. Nếu chúng ta không phản ứng kịp thời, chúng ta sẽ đánh mất tất cả các khu rừng nhiệt đới, đánh mất tất cả các dải san hô, mất chính cuộc sống của mình”.

Mặc dù quyết định của Maldives là tự nguyện và vô điều kiện song quốc gia này vẫn lên tiếng yêu cầu hỗ trợ về mặt kỹ thuật, tài chính và tăng cường các khả năng để họ có thể áp dụng kế hoạch hành động này.

Quốc đảo Maldives là một trong những quốc gia bị tác động nặng nề nhất bởi hiện tượng biến đổi khí hậu.

Vừa qua, chính phủ Ấn Độ cũng đã đưa ra cam kết cắt giảm lượng khí thải CO2 xuống từ 20-25% trong vòng 10 năm tới đây so với mức của năm 2005. Tuy nhiên, Bộ trưởng Môi trường và tài nguyên rừng, Jairam Ramesh, lại không nêu rõ các biện pháp mà quốc gia phát tán khí thải lớn thứ 5 thế giới thực hiện để đạt được mục tiêu này.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực