Một khu chợ tại Nam Sudan (Ảnh: WFP)
Theo “Báo cáo toàn cầu về các cuộc khủng hoảng lương thực” do Liên minh châu Âu, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) và Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) tiến hành, số lượng người chịu bất ổn lương thực vào năm 2017 trên thế giới đã tăng lên 15%, tương đương với tăng 11 triệu người so với năm 2016 trước đó. Đứng đầu trong số các quốc gia bị ảnh hưởng bởi nạn đói "cấp tính" là những nước xảy ra xung đột hoặc "mất trật tự nghiêm trọng" như: Yemen, Bắc Nigeria, Cộng hòa Dân chủ Congo, Nam Sudan.
Báo cáo nhấn mạnh tình trạng đáng buồn được nêu ra cho thấy nhu cầu cấp bách cần phải hành động để cứu lấy các sự sống, cải thiện sinh kế và giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của các cuộc khủng hoảng lương thực".
Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres thì tuyên bố nhấn mạnh: "Những báo cáo như thế này cung cấp cho chúng ta các dữ liệu và phân tích cần thiết để hiểu rõ hơn về thách thức. Chúng ta cần thực hiện nhiều biện pháp để đáp ứng nhu cầu của những người phải ứng phó với nạn đói hàng ngày và giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của nó”.
Theo Liên hợp quốc, các cuộc xung đột, thảm hoạ khí hậu và những yếu tố khác thường gây ra những cuộc khủng hoảng phức tạp, có hậu quả tàn phá và kéo dài cho sinh kế của người dân.
Các thảm họa khí hậu, chủ yếu là hạn hán, cũng là những nguyên nhân chính dẫn tới khủng hoảng lương thực tại 23 quốc gia, trong đó 2/3 ở châu Phi, và đã đẩy 39 triệu người rơi vào bất ổn lương thực cấp tính. Tại châu Phi, tác động của hạn hán đối với cây lương thực và gia súc cũng làm gia tăng tình trạng mất an ninh lương thực trong các khu vực mùa vụ của Somalia, Đông Nam Ethiopia, miền Đông Kenya, cũng như các quốc gia ở Tây Phi và vùng Sahel như Senegal, Chad, Niger, Mali, Mauritania và Burkina Faso. Duy nhất tại phía Nam châu Phi, mùa vụ khả quan giúp cải thiện sản lượng ngũ cốc năm 2017 và khiến giá lương thực thấp hơn.
Trong khi đó, năm 2018, xung đột có thể sẽ vẫn tiếp tục là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới khủng hoảng lương thực tại Afghanistan, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Dân chủ Congo, phía Đông Bắc Nigeria và khu vực hồ Chad, Nam Sudan, Syria và Yemen cũng như Libya và trung tâm Sahel (Mali và Niger). Theo báo cáo, Yemen sẽ tiếp tục là "đất nước đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực lớn nhất trên thế giới" và tình hình thậm chí còn có thể "xấu đi" do "hạn chế tiếp cận, suy thoái kinh tế và dịch bệnh".
Bà Neven Mimica, Cao ủy châu Âu về hợp tác quốc tế về phát triển, cho biết nếu các nguyên nhân chính vẫn tiếp tục diễn tiến như hiện nay thì khủng hoảng lương thực có thể sẽ trở nên gay gắt, dai dẳng và phức tạp hơn, gây hậu quả to lớn đối với hàng triệu cuộc sống của người dân.
Về phần mình, Giám đốc điều hành của WFP David Beasley yêu cầu chấm dứt các cuộc xung đột và để cả thế giới cùng nhau tránh các cuộc khủng hoảng thường xảy ra trước mắt chúng ta./.