Thế giới với những thách thức trong năm Canh Dần

Thứ tư, 17/02/2010 09:33

(ĐCSVN) - Năm Canh Dần (năm 2010) đã tới, một mùa xuân mới đã về, đem sức sống cho vạn vật trên hành tinh xanh của chúng ta. Tuy nhiên, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon vẫn cảnh báo “loài người đang sống trong kỷ nguyên không an toàn”. 

Loài người đang đứng trước những thách thức lớn. Theo Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, loài người đang sống trong kỷ nguyên không an toàn.

Tại cuộc họp của Ðại hội đồng LHQ ngày 11-1, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon nêu rõ những ưu tiên hàng đầu của ông trong năm 2010 là thúc đẩy phát triển bền vững và đạt được một hiệp định mang tính ràng buộc về biến đổi khí hậu. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã chính thức phát động "Năm quốc tế đa dạng sinh học" 2010, với thông điệp "Ða dạng sinh học là cuộc sống. Ða dạng sinh học là cuộc sống của chúng ta". Ông cho rằng, thất bại trong việc bảo vệ thiên nhiên đã ở mức báo động, vì thế tất cả các quốc gia và mọi người cần phải tham gia "liên minh bảo vệ cuộc sống trên Trái đất". Ông cho biết, Ðại hội đồng LHQ sẽ triệu tập hội nghị cấp cao đặc biệt về chủ đề này vào tháng 9-2010, trước Hội nghị cấp cao về đa dạng sinh học ở Na-gôi-a, Nhật Bản. Ông cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế đẩy nhanh các nỗ lực nhằm đạt được các Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs) vào năm 2015, trong đó chú trọng vào việc đầu tư cho phát triển, tăng cường an ninh và cải thiện cuộc sống của người dân. Tổng Thư ký LHQ nêu rõ rằng, loài người đang sống trong một kỷ nguyên không an toàn. Mặc dù kinh tế nhiều nước đã phát triển mạnh, song hiện vẫn còn nhiều người phải sống trong cảnh nghèo khổ và xung đột vũ trang vẫn diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới gây ra những thảm cảnh trong khi biến đổi khí hậu kéo lùi sự phát triển và đang đẩy hàng trăm triệu người vào cảnh nghèo đói và bệnh dịch chết người.

Chống biến đổi khí hậu

Tháng 12-2009, Hội nghị LHQ về chống biến đổi khí hậu tại Copenhagen đã đạt được thỏa thuận chính trị khung về việc thực hiện những biện pháp ngăn chặn biến đổi khí hậu và tiếp tục thảo luận về những giải pháp lâu dài khống chế mức gia tăng nhiệt độ Trái đất không quá 2oC so với thời kỳ tiền công nghiệp, cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và cam kết dành 100 tỷ USD mỗi năm cho các nước đang phát triển để ứng phó với biến đổi khí hậu. Ông Ban Ki-moon cho rằng, cộng đồng quốc tế cần đạt được hiệp định có tính ràng buộc về vấn đề này trong năm nay.

Ba lĩnh vực ưu tiên trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đã được LHQ xác định trên cơ sở tận dụng các nguồn lợi của các hệ sinh thái, từ các dải san hô đến các cánh rừng, kết hợp với công nghệ năng lượng mặt trời, địa nhiệt và gió, năng lượng tái sinh... nhằm thực hiện "nền kinh tế xanh". Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) nhấn mạnh, các hệ sinh thái lành mạnh như các dải san hô, các vùng đất ướt, rừng đước và các khu vực đất phì nhiêu cho trồng trọt là những hệ sinh thái chủ chốt để thích nghi thành công với những biến đổi của thời tiết. UNEP kêu gọi các nước quản lý và bảo tồn các hệ sinh thái này như các vùng đệm. Các hệ sinh thái này cũng như các nguồn lợi mà chúng cung cấp cho nhân loại là tài sản kinh tế vô giá.

Lĩnh vực ưu tiên thứ hai liên quan Chương trình giảm khí thải do phá rừng và suy thoái rừng (REDD), một đề xuất và hợp tác giữa UNEP, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) và Chương trình phát triển LHQ (UNDP). Lượng khí thải này có thể chiếm tới 20% tổng lượng khí thải toàn cầu hiện nay. Ðã có chín nước trên thế giới sẵn sàng tham gia REDD với các biện pháp và các chế độ giám sát, kiểm chứng, bảo vệ để bảo đảm hiệu quả của chương trình không chỉ về kinh tế và thời tiết, mà còn cả trong cuộc sống của các cộng đồng dân cư. Theo LHQ, thí dụ, thực hiện REDD, mỗi năm Indonesia có thể thêm thu nhập tới một tỷ USD, nếu nạn phá rừng giảm đi 50%.

Lĩnh vực ưu tiên thứ ba là thực hiện công nghệ sạch. Nghiên cứu của UNEP cho biết, đầu tư vào các nguồn năng lượng thay thế ít thải CO2 và giảm lượng khí thải từ tiêu thụ năng lượng không hiệu quả cũng làm tăng hiệu quả của nền kinh tế và môi trường. Tuy nhiên, UNEP nhấn mạnh mặc dù nhiều công nghệ giảm lượng khí thải CO2 có thể có hiệu quả thương mại, nhưng việc chuyển giao những công nghệ này tới các thị trường mới và sử dụng chúng trên toàn cầu vẫn là một thách thức lớn. Giám đốc chấp hành của UNEP Achim Steiner cho rằng, 2010 sẽ là năm kiểm nghiệm quyết tâm của cộng đồng quốc tế trong việc bảo tồn và phát triển tài nguyên thiên nhiên.

Chống đói nghèo và chậm phát triển

Các cơ quan cứu trợ lương thực của LHQ đã kêu gọi các nước đang phát triển tập trung phát triển nông thôn và nông nghiệp bền vững để chống đói nghèo. Báo cáo của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cho biết, biến đổi khí hậu đã làm tăng gấp bốn lần số vụ thiên tai trong một thập kỷ qua và dân số thế giới dự báo sẽ lên tới chín tỷ người vào năm 2050, trong đó 75% số người nghèo trên thế giới là nông dân ở các nước đang phát triển. FAO, WFP và nhiều cơ quan khác của LHQ tăng cường chuyển giao kỹ thuật sản xuất nông nghiệp năng suất cao cho các nước đang phát triển, nhất là những nước có dân số sống chủ yếu dựa vào sản xuất lương thực. Nhiên liệu sinh học được khuyến khích phát triển để góp phần giảm ô nhiễm môi trường.

Tổ chức Phát triển công nghiệp (UNIDO) của LHQ khẳng định, UNIDO tiếp tục là đồng minh mạnh mẽ của các nước chậm phát triển nhất, hỗ trợ các nỗ lực phát triển, tăng trưởng kinh tế và tạo nguồn của cải. Theo số liệu của UNIDO, 70% nguồn tài chính hỗ trợ tăng cường khả năng buôn bán của các nước chậm phát triển nhất là từ UNIDO và các đối tác hợp tác với UNIDO.

Mặc dù số người bị đói trên toàn cầu lần đầu vượt con số 1,2 tỷ người, tại châu Phi đang còn hơn 300 triệu người, chiếm một phần ba số dân lục địa này, vẫn phải đối mặt với nạn đói triền miên. Giá lương thực tiếp tục gia tăng ở các nước đang phát triển và nguy cơ nước biển dâng cao gây ngập lụt nhiều vùng sản xuất nông nghiệp. LHQ khẳng định thế giới không thể tái diễn cuộc khủng hoảng lương thực như năm 2007-2008 trong tương lai gần. FAO nêu điển hình 31 nước đang phát triển đã đảo ngược được xu thế tiêu cực, giảm số người nghèo, như Việt Nam, Brazil, Nigeria, Armenia...

LHQ nhấn mạnh, không thể có giải pháp thích hợp cho mọi nước nhưng kinh nghiệm của những nước thành công trong việc giảm đói nghèo cho thấy mặc dù cuộc chiến chống đói nghèo còn khó khăn và lâu dài nhưng không quá phức tạp nếu có ý chí. Mẫu số chung cho thành công là thực hiện hai chiến lược song song vừa đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông dân sở hữu nhỏ để tăng sản lượng lương thực trung hạn, vừa cung cấp mạng lưới an toàn để những người bị đói có thể tồn tại trong thời gian ngắn. LHQ cho rằng, cần hỗ trợ công cụ và công nghệ cao để giúp các nước nghèo bảo đảm an ninh lương thực trong khi mạng lưới an toàn lương thực cứu trợ khẩn cấp cho người nghèo tiếp tục hoạt động.

Các cơ quan cứu trợ nhân đạo của LHQ đã thúc đẩy các hoạt động cứu trợ nhân đạo ngay từ đầu năm mới 2010. Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cho biết, năm 2009, tại 74 nước có hơn 108 triệu người là nạn nhân thiên tai, xung đột và các thảm họa khác đã được cứu trợ. WFP kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục đóng góp tài trợ cuộc chiến chống đói nghèo trong năm 2010. Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) đã cung cấp các dịch vụ xã hội như nước sạch, hệ thống vệ sinh, y tế, lương thực, thực phẩm cho trẻ em đường phố ở Man-đi-vơ bị tác động bởi trận sóng thần năm năm trước đây. UNICEF cũng đã cùng các cơ quan cứu trợ khác của LHQ và các tổ chức quốc tế khác tham gia tích cực vào hoạt động cứu trợ 17 triệu trẻ em Nigeria mồ côi cha mẹ do xung đột. Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) cũng đã cung cấp các dịch vụ cơ bản, giáo dục và bảo vệ cho hàng trăm nghìn người phải rời bỏ nhà cửa vì xung đột và chiến tranh ở Eritoria, Ethiopia, Somalia, Sudan, Pakistan...

Chống chạy đua vũ trang

Về vấn đề giải trừ quân bị và chống chạy đua vũ trang toàn cầu, tại hội nghị bàn tròn với những người đứng đầu các tổ chức quốc tế về giải trừ quân bị hồi đầu tháng 1 vừa qua, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cho rằng, cánh cửa cơ hội mới đã mở để thúc đẩy quá trình giải trừ vũ khí và không phổ biến hạt nhân. Ông cam kết tiếp tục nỗ lực cá nhân để tiến tới mục tiêu xây dựng một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Những ưu tiên về giải trừ quân bị sẽ được bàn thảo tại kỳ họp tháng 1-2010 của Hội nghị về giải trừ quân bị diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ) và Hội nghị cấp cao về thế giới không vũ khí hạt nhân tại Paris (Pháp), Hội nghị an ninh ở Munchen (Ðức) và Hội nghị cấp cao về an ninh hạt nhân ở Washington (Mỹ) vào tháng 4 tới, tiếp sau là Hội nghị kiểm điểm thực hiện Hiệp ước không phổ biến hạt nhân (NPT) vào tháng 5-2010. Những người đứng đầu các cơ quan và tổ chức giải trừ quân bị nhấn mạnh nhu cầu đổi mới tiến trình đa phương hóa các nỗ lực chung nhằm đối phó với những thách thức đối với các quy chế giải trừ quân bị và không phổ biến hạt nhân cũng như các vũ khí giết người hàng loạt khác.

Tổng Thư ký LHQ cũng kêu gọi mở rộng cơ hội cho phụ nữ, tôn trọng nhân quyền và pháp trị, phòng và chống dịch bệnh, ngăn chặn xung đột cũng như nâng cao năng lực của hệ thống LHQ.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực