UNHCR: Số người di cư trên toàn cầu đang cán mốc kỷ lục

Thứ sáu, 17/06/2022 15:10
(ĐCSVN) – Trong thập kỷ qua, số người di cư đều có xu hướng tăng theo hàng năm và đang ở mức cao nhất kể từ khi việc thống kê các con số được thực hiện. Tình trạng đáng lo ngại này chỉ có thể được cải thiện nếu như chúng ta theo đuổi những nỗ lực mới và cùng chung tay vun đắp hòa bình.

Một người mẹ bồng con đi qua vùng đất khô cằn của Ethiopia, nơi hàng nghìn gia đình phải di dời trong đợt hạn hán gần đây. (Ảnh: UNHCR / Eugene Sibomana )

Trong báo cáo xu hướng toàn cầu thường niên công bố ngày 16/5, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) chỉ ra rằng, tính đến cuối năm 2021, có khoảng 89,3 triệu người trên thế giới phải di cư do bạo lực và xung đột. Đây là con số cao kỷ lục kể từ khi việc thống kê được tiến hành, tương ứng với mức tăng 8% so với năm trước đó và gấp đôi số liệu được đưa ra từ 1 thập kỷ trước.

Cụ thể, báo cáo của UNHCR cho biết, trong số 89,3 triệu người di cư được thống kê bao gồm 27,1 triệu người tị nạn, với 83% trong số đó hiện đang được tiếp nhận bởi các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Đáng chú ý, có tới hơn 2/3 người di cư (khoảng 69%)  đến từ 5 quốc gia gồm: Syria (6,8 triệu), Venezuela (4,6 triệu), Afghanistan (2,7 triệu), Nam Sudan (2,4 triệu) và Myanmar (1,2 triệu).

“Cứ mỗi năm trong thập kỷ qua, các con số đều tăng lên” – Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn Filippo Grandi cho biết.

Trong báo cáo vừa công bố, UNHCR lưu ý rằng trong năm ngoái, đã thêm nhiều cuộc xung đột mới bùng phát, trong khi nhiều cuộc xung đột cũ lại có dấu hiệu leo thang. Cụ thể là có tới 23 nước trên thế giới, với tổng dân số 850 triệu người phải đối mặt với các cuộc xung đột có mức độ từ trung bình đến cao.

Trong khi đó, tình trạng khan hiếm lương thực, lạm phát và khủng hoảng khí hậu đang làm gia tăng khó khăn cho người dân.

Báo cáo của UNHCR cũng lưu ý thêm rằng, tính đến tháng 5/2022, cuộc khủng hoảng Ukraine và các tình huống khẩn cấp phát sinh ở châu Phi, Afghanistan… đã khiến số người di cư lần đầu tiên vượt mốc 100 triệu người.

Từ những lập luận nêu trên, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn Filippo Grandi hối thúc cộng đồng thế giới cần cùng nhau hành động để giải quyết “thảm kịch nhân loại” về người tị nạn, chấm dứt các cuộc xung đột và tìm kiếm giải pháp lâu dài. “Nếu không, xu hướng đáng lo ngại này sẽ còn tiếp diễn” – ông Grandi cảnh báo./.

T.Lan (Theo Xinhua, UNHCR.org)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực