Số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới vượt xa ngưỡng 43 triệu

Thứ hai, 26/10/2020 08:29
(ĐCSVN) – Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 400.562 ca mắc và 4.447 ca tử vong vì đại dịch COVID-19, nâng tổng các con số thống kê được tính tới sáng hôm nay (26/10) lần lượt là 43.319.160 và 1.158.759 trường hợp.
Người dân đeo khẩu trang tại thành phố Marrakech, Ma-rốc, ngày 25/10. (Ảnh: Xinhua) 

Theo số liệu thống kê mới nhất trên trang worldometers.info, tính đến sáng 26/10, đã có 31.894.561 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 10.265.840 ca bệnh đang điều trị thì có 10.188.114 ca ở thể nhẹ (chiếm 99%) và 77.726 ca (chiếm 1%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện đã lan tới 215 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mỹ, Ấn Độ, Brazil là 3 “vùng dịch” lớn nhất trên thế giới. Các nước: Nga, Argentina, Tây Ban Nha, Pháp và Colombia đang tiếp tục vượt xa ngưỡng “triệu ca nhiễm”.

Cụ thể, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 8.392.822 trường hợp, trong đó có 250.399 ca tử vong và 3.456.029 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, cựu lục địa ghi nhận thêm 198.500 ca nhiễm và 1.286 ca tử vong mới vì COVID-19. 

Trong 24 giờ qua, Bắc Mỹ ghi nhận thêm 70.431 ca nhiễm COVID-19 và 944 ca tử vong vì dịch bệnh, nâng các con số thống kê được tại khu vực này tới thời điểm hiện tại lên lần lượt là 10.640.838 và 343.759 trường hợp. Sau nhiều tuần liên tiếp, Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất tại khu vực và trên thế giới, với tổng số 8.888.042 ca nhiễm và 230.497 ca tử vong vì COVID-19. Sau Mỹ, Mexico là nước có nhiều ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 đứng thứ 2 ở khu vực, với tổng cộng 886.800 và 88.743 ca ghi nhận được tính đến thời điểm hiện tại. Tiếp đến là Canada với 216.104 ca nhiễm và 9.946 ca tử vong vì COVID-19.

Tính đến sáng 26/10, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Á là 13.155.963 trường hợp, với 234.389 ca tử vong và 11.597.313 ca điều trị khỏi. Trong tổng số 1.324.216 ca bệnh đang điều trị thì có 21.096 ca trong tình trạng nghiêm trọng. Trong 24 giờ qua, Ấn Độ ghi nhận thêm 45.157 ca nhiễm mới COVID-19, tiếp tục củng cố vị trí “dẫn đầu” châu Á về số ca nhiễm (7.909.049 ca). Tiếp điến là Iran và Iraq, với lần lượt số ca nhiễm COVID-19 ghi nhận được tới thời điểm hiện tại là 568.896; 451.707 trường hợp.

Trong 24 giờ qua, Nam Mỹ ghi nhận thêm 37.607 ca nhiễm và 828 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 9.365.382 trường hợp, với 287.915 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực, tiếp theo sau là Argentina, Colombia, Peru…với lần lượt 5.394.128; 1.090.589; 1.015.885; 888.715… ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại.

Tính đến sáng 26/10, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 1.727.541 trường hợp, trong đó có 41.323 ca tử vong và 1.412.117 ca bình phục. Trong tổng số 274.101 ca đang điều trị thì có 2.130 ca trong tình trạng nguy kịch.

Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực, với 715.868 ca nhiễm COVID-19 và 18.968 ca tử vong vì dịch bệnh. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 1.622 ca nhiễm và 24 ca tử vong. Xếp các vị trí tiếp theo trong bảng thống kê là Ma-rốc, Ai Cập và Ethiopia với lần lượt 197.481; 106.540; 93.343 ca nhiễm bệnh.

Trong 24 giờ qua, châu Đại Dương có thêm 15 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 14 ca ở Australia và 1 ca ở New Zealand. Hiện khu vực này ghi nhận 35.893 ca nhiễm và 959 ca tử vong vì COVID-19. Australia vẫn là nước có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 27.513 ca, tiếp theo sau là French Polynesia với 5.797 ca.

Trước sự lây lan chưa có điểm dừng của đại dịch COVID-19, tối 25/10 theo giờ Berlin, Hội nghị Thượng đỉnh Y tế thế giới lần thứ 12 đã chính thức khai mạc với chủ đề trọng tâm là đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Do tình hình dịch bệnh, hội nghị theo thông lệ được tổ chức vào tháng 10 hằng năm tại Berlin trong năm nay diễn ra theo hình thức trực tuyến. Hội nghị diễn ra trong 3 ngày này (25-27/10) sẽ là cơ hội để khoảng 300 đại biểu là các chính trị gia và nhà khoa học thảo luận về các biện pháp nhằm đưa thế giới thoát khỏi đại dịch.

Phát biểu khai mạc, Tổng thống liên bang Đức Frank-Walter Steinmeier đã kêu gọi các nước trên thế giới tăng cường hợp tác trong nỗ lực chống lại đại dịch COVID-19, với thông điệp "không ai an toàn trước COVID-19 cho tới khi tất cả đều an toàn trước đại dịch". Nhà lãnh đạo này kêu gọi ủng hộ sáng kiến Cơ chế tiếp cận vaccine COVID-19 toàn cầu (COVAX), đồng thời kêu gọi Chính phủ Mỹ tham gia sáng kiến này.

Tại hội nghị, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres nhấn mạnh đại dịch COVID-19 hiện là cuộc khủng hoảng lớn nhất lịch sử hiện đại. Ông kêu gọi sự đoàn kết toàn cầu, đồng thời kêu gọi các nước thực hiện theo chỉ dẫn của các nhà khoa học, cùng hợp tác để vượt qua đại dịch. Trong khi đó, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng nhấn mạnh hợp tác là cách duy nhất để đưa thế giới thoát khỏi dịch bệnh/.

 
T.Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực