Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ký ức của một người bạn Pháp

Thứ sáu, 14/05/2010 22:48

(ĐCSVN) - Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và những kỷ niệm ấm áp về Người trải qua bao nhiêu năm tháng như vẫn còn tươi mới trong lòng người bạn Pháp năm xưa của Bác. Trở lại Việt Nam lần này đúng dịp kỷ niệm 120 năm  ngày sinh của Bác, nguyên Nghị sĩ Quốc hội Pháp Raymond Aubrac, bồi hồi nhớ lại và chia sẻ  với nhân dân Việt Nam ấn tượng không phai mờ về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 
Nguyên Nghị sĩ Quốc hội Pháp
Raymond Aubrac
(Ảnh:Khánh Lan)

Năm nay đã bước sang tuổi 96, đã 16 lần đến thăm và làm việc tại Việt Nam nhưng mỗi lần trở lại đất nước này, ông như được trở về với quê hương thứ hai của mình, được trở về gia đình mình, gặp lại những người thân và anh em, bạn bè cũ, được sống lại với những kỷ niệm sâu sắc với Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam, được chia sẻ với các bạn Việt Nam về những lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhà lãnh đạo kiệt xuất, cả đời lặng lẽ cống hiến cho cách mạng Việt Nam. 

Đối với ông, ngày 27/7/1946 là một ngày không thể nào quên, bởi đó là lần đầu tiên ông được tiếp chuyện với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong buổi tiệc chiêu đãi để chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức tại Vườn hồng Bagatelle ở Paris do Việt kiều tổ chức. Ông nhớ lại: “Khi đó tôi đang làm việc tại Bộ Tái thiết Quốc gia thì nhận được giấy mời dự tiệc tại Vườn Hồng Bagatelle ở Paris để chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lời mời đó là một món quà quý giá đối với tôi vì đến đây tôi sẽ được thỏa mãn ước nguyện là được trực tiếp gặp gỡ Chủ tịch Hồ Chí Minh, một con người  tôi đã từng nghe tên và ao ước được gặp mặt.

Ông Raymond Aubrac trở lại câu chuyện được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên tại bữa tiệc chiêu đãi. Ông nói, trước khi được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh ông đã có “cơ duyên” giúp đỡ người lao động Đông Dương, trong đó phần lớn trong số đó là người Việt Nam. Năm 1944-1945, khi ông làm đại diện Chính phủ Pháp tại Marseille, ở đó có rất nhiều lính thợ Việt Nam được Chính phủ Pháp tuyển mộ sang Pháp từ năm 1939 để thay thế cho thanh niên Pháp nhập ngũ. Phát hiện ra tại các trại này anh em bị bọn côn đồ đàn áp, ông đã giải tán Ban chỉ huy, thay bằng những người tốt và cho anh em tự bầu ra một Ban tư vấn bên cạnh Ban chỉ huy. Từ đó anh em biết ơn ông và năm nào đến dịp lễ Tết đều mời ông dự. Và bữa tiệc chiêu đãi chào mừng Hồ Chủ tịch đến thăm Pháp năm 1946 cũng không phải là ngoại lệ. Và cuộc gặp gỡ đầu tiên với Chủ tịch Hồ Chí Minh đã là một bước ngoặt lịch sử của cuộc đời ông. Sau lần gặp đó, với tất cả tấm lòng trọng thị, ông đã mời Bác về ở nhà mình.  

Nhận lời mời, Bác đã đến ở nhà ông Raymond Aubrac 6 tuần, từ đầu tháng 8 đến giữa tháng 9-1946. Nhà ở Soissy-sous-Monmorency, phía Bắc Paris, đi khoảng 20 phút xe hơi. Nhà được xây dựng từ thế kỷ 18, để làm nhà nghỉ cho một gia đình quý tộc. Xung quanh nhà có vườn rộng, cách đường cái một bức tường có hàng cây dẻ và một vài cây anh đào. Trong vườn có mấy cụm hoa lớn, còn lại là thảm cỏ. Mỗi buổi sáng người nhà ông Aubrac mang đến cho Bác sách báo tiếng Pháp và báo chí tiếng Anh, Đức, Nga… Bác thường đọc báo ngay trên thảm cỏ.  

Cũng trong thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm nước Pháp, ở đây Hội nghị Fontainebleau giữa Pháp và Việt Nam cũng đang diễn ra. Đoàn Việt Nam do Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn. Đoàn đại biểu của Việt Nam tại Hội nghị Fontainebleau ngày nào cũng đến làm việc với Bác tại nhà ông Raymond Aubrac. 

“Với cương vị là nguyên thủ quốc gia, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một con người gần gũi, thân thiện với mọi người. Người luôn hỏi han chuyện trò, thân mật với mẹ vợ tôi, một người nông dân vùng Bugonhe. Chủ tịch nói chuyện trong nhiều giờ về người nông dân Pháp và nông dân Việt Nam. “.- ông Raymond Aubrac, nhớ lại. Ông nhận xét: "Chủ tịch Hồ Chí Minh là người rất rất thông minh, Người có khả năng tuyệt vời khi thuyết phục người khác. Khi tranh luận, Người thường lắng nghe người khác và dùng lý lẽ thuyết phục chứ không bao giờ áp đặt…". Và ông kết luận: "Chính thời gian  ngắn ngủi sống gần Người đã khiến tôi và gia đình tôi gắn trọn đời mình với Việt Nam”.

 

 
 Ông Raymond Aubrac làm việc với lãnh đạo Hội
Việt- Pháp nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam

(Ảnh: Khánh Lan)

Ngày 19/9/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên tầu ở cảng Toulon, trở về nước, mãi 9 năm sau, ông Raymond Aubrac mới có dịp gặp lại người bạn lớn của mình.  Năm 1955, trong chuyến công tác và làm việc tại Bắc Kinh, (Trung Quốc), ông Raymond Aubrac đọc báo và biết tin Chủ tịch Hồ Chí Minh đang thăm Trung Quốc. “ Xúc động sau 9 năm xa cách, tôi lập tức gọi điện thoại đến Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc và đề nghị được gặp Bác Hồ. 15 phút sau, chuông điện thoại của khách sạn vang lên và phía đầu dây bên kia một người Việt Nam thông báo là Bác Hồ mời tôi ăn sáng vào 6 giờ sáng mai, trước khi người lên đường sang Mát-xcơ-va 20 phút. Thời gian gặp gỡ nhau chỉ có 20 phút nhưng đây là quãng thời gian đặc biệt có ý nghĩa đối với tôi. Trong 20 phút ngắn ngủi đó, Hồ Chủ tịch đã hỏi thăm tình hình gia đình và các con tôi và ở đây chúng tôi đã bàn bạc một số công việc trong đó Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập tôi sang Việt Nam giúp Việt Nam đàm phán ký kết thỏa thuận thương mại đầu tiên giữa Việt Nam và Pháp”.  

Chuyến sang Việt Nam lần đầu tiên của ông Raymond Aubrac đã trải qua bao khó khăn, với hơn 10 ngày 8 đêm trên tàu hỏa, gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt, ăn uống nhưng ông đã giúp Việt Nam ký kết thành công thỏa thuận thương mại đầu tiên giữa Việt Nam và Pháp. Điều này giúp chúng ta hiểu rõ hơn về ông, một người bạn Pháp đã dành trọn tình cảm của mình với Chủ tịch Hồ Chí Minh, người mà ông ông hết mực tôn thờ cũng như tình cảm ông dành cho nhân dân Việt Nam.  

Vào những năm 1967, khi chiến tranh tại Việt Nam đang ngày càng trở nên ác liệt, tàn bạo khiến nhiều quốc gia trên thế giới lo ngại. Tại thời điểm đó, Việt Nam chỉ được Liên Xô và Trung Quốc giúp đỡ trong khi đó cường độ cuộc chiến tranh trở nên ác liệt với hàng loạt trận ném bom của Mỹ tại Hà Nội và trên tòan lãnh thổ Việt Nam. Nhớ lại thời khắc lịch sử đó, ông Raymond Aubrac cho biết, khi đó ông đang làm cho tổ chức Nông Lương Thế giới (FAO) tại Roma (Ý) và được triệu tập trở về Pháp gấp vì ở đó họ cần sự có mặt của ông. Lúc đó, tại Pháp, tổ chức của các nhà khoa học thế giới (PUGWASH) tổ chức nhóm họp các nhà bác học chuyên sản xuất ra bom hạt nhân để bàn về vấn đề Trung Đông và cuộc chiến tranh Việt Nam. Hội nghị nhất trí cử hai nhà khoa học Pháp làm "sứ giả" giữa Washington và Hà Nội, với mục tiêu tiến tới sự gặp gỡ giữa người đại diện có thẩm quyền của hai chính phủ để bàn về việc kết thúc chiến tranh.  

Ông được tướng Đờ-gôn chọn là người truyền tải thông điệp của cuộc họp đó đến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và Raymond Aubrac đã chấp nhận đề nghị đó. Chuyến sang Việt Nam lần này ông đi cùng Viện trưởng Viện Pasteur Herbrt Marcovitch sang để trao đổi về tình hình Việt Nam. Vì trong thời chiến nên việc từ Pháp sang đến Hà Nội gặp rất nhiều khó khăn nhưng cuối cùng thông điệp quan trọng đó đã đến được với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông kể về chuyến đi này:  Hồ Chủ tịch và Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp tôi tại Nhà sàn, Hà Nội. Lúc đó, tôi thấy Người có vẻ yếu đi rất nhiều, Người vẫn nhớ như in tên 3 đứa con của tôi và hỏi thăm nhiều về gia đình tôi. Điều đó khiến tôi rất xúc động. Khi nói xong câu chuyện, người có vẻ thấm mệt và quay vào phòng trong. Người mang ra một tấm lụa, nhờ tôi gửi tặng món quà cưới đến con gái tôi và cũng là con gái nuôi của Người tên Elisabeth. Lần đó cũng là lần cuối cũng ông Raymond Aubrac được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Sau này, khi Hồ Chủ tịch đã mất, ông vẫn tiếp tục ủng hộ giúp đỡ nhân dân Việt Nam chống lại cuộc xâm lược của đế quốc Mỹ. Với sự trợ giúp của ông, năm 1972 thông qua Tòa thánh Vatican, Mỹ buộc phải ngừng ném bom hệ thống đê sông Hồng. Sau khi chiến tranh kết thúc, ông đã yêu cầu Mc Namara, Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chấp thuận chuyển giao cho Việt Nam sơ đồ các bãi mìn ở vĩ tuyến 17. 

Chiến tranh kết thúc, Việt Nam đang nỗ lực để tái thiết đất nước, hướng tới tương lai để xây dựng một đất nước Việt Nam giàu mạnh, chính Raymond Aubrac đã góp phần rất lớn mở ra cơ hội vàng cho khoa học Việt Nam khi ông cùng các đồng sự cung cấp các tài liệu khoa học, đặt nền móng để gây dựng trung tâm công nghệ quốc gia đầu tiên tại Việt Nam 

Quay trở lại Việt Nam lần này đúng dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Raymond Aubrac đã tham dự và đã có bài tham luận về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội thảo khoa học quốc tế “Di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay” do Học viện Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức vào ngày 10/5 vừa qua. Chứng kiến những thành tựu về mọi mặt mà Việt Nam đã đạt được sau 35 năm kết thúc chiến tranh, ông Raymond Aubrac tin tưởng rằng Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có vị thế ngày càng quan trọng trên trường quốc tế, xứng đáng với sự hy sinh, cống hiến cả đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cho sự nghiệp cách mạng của Việt Nam./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực