Raymond Aubrac, nguyên nghị sĩ Quốc hội Pháp: “ Việt Nam luôn hướng tới sự tiến bộ, hồi sinh và tiếp tục hồi sinh”

Thứ tư, 19/05/2010 07:51
(ĐCSVN) - “ Mỗi lần trở lại Việt Nam, tôi lại thấy một Việt Nam mới, một Việt Nam trung thành với quá khứ của mình và tiếp tục chiến thắng trên con đường đổi mới. Việt Nam đang thay đổi từng ngày, luôn hướng tới sự tiến bộ, hồi sinh và tiếp tục hồi sinh”. Đó là nhận xét của ông Raymond Aubrac, nguyên nghị sĩ Quốc hội, người bạn Pháp thân thiết, thủy chung của nhân dân Việt Nam, trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ông Raymond Aubrac, Nguyên nghị sĩ Quốc hội
Pháp
(Ảnh: Khánh Lan)


PV: Là một người bạn lớn, thủy chung của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã nhiều lần sang thăm và làm việc tại Việt Nam, vậy ông có cảm nhận như thế nào về sự thay đổi của đất nước chúng tôi trong thời gian gần đây?

Ông Raymond Aubrac: Tôi đã từng sang thăm và làm việc tại Việt Nam 16 lần kể từ năm 1955. Khi đó tôi đến Việt Nam để giúp đất nước các bạn ký Hiệp định thương mại đầu tiên giữa Việt Nam và Pháp. Lúc đó, ấn tượng về Hà Nội là một thủ đô lạc hậu, nhà cửa lụp xụp và đường xá ngổn ngang, nói chung là rất khó khăn. Sau đó, tôi đã nhiều lần quay trở lại thăm và làm việc Việt Nam và đã được chứng kiến nhiều giai đoạn cả trong những thời khắc ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ và không khí hồ hởi, hạnh phúc của nhân dân thủ đô Hà Nội khi giành được độc lập, thống nhất hoàn toàn đất nước vào ngày 30/4/1975… Tất cả những hình ảnh đó luôn hiện hữu trong tôi vì đó những hình ảnh thân quen, gần gũi về quê hương thứ hai của tôi.

Sang Việt Nam lần này, mặc dù đã ở tuổi 96, sức khỏe đã yếu đi rất nhiều song tôi vẫn rất cố gắng tham gia các hoạt động nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhà lãnh đạo lớn của dân tộc Việt Nam. Đến đất nước các bạn, tôi có cảm giác trở về với đất mẹ, trở về gia đình mình, gặp lại những người thân và anh em, bạn bè cũ, được sống lại với những kỷ niệm sâu sắc với Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam.

Mỗi lần trở lại Việt Nam, tôi lại thấy một đất nước Việt Nam mới, khác. Việt Nam thay đổi nhanh chóng với sự tăng trưởng ấn tượng, hình ảnh một Hà Nội xưa cũ, lạc hậu đã được thay thế bằng một Thủ đô được quy hoạch tương đối quy mô với nhiều khu đô thị hiện đại, đường sá đã được mở rộng... Sự thay đổi đó khiến người ta có cảm nhận Việt Nam như một con tàu ra khơi, mỗi ngày một xa bờ, hướng ra đại dương bao la, hướng tới sự tiến bộ. Và chính điều này đã khiến tôi nhiều lần đặt câu hỏi về cách thức Việt Nam đi qua khó khăn, gian khổ của thời kỳ hậu chiến, với những thay đổi diện mạo kinh ngạc của thành thị cũng như nông thôn, hình ảnh của giới trẻ Việt Nam, những nỗ lực của Việt Nam trong các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, y tế... Theo tôi, để có thể làm được điều đó là do sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh cộng với sức mạnh đoàn kết của nhân dân Việt Nam.

PV: Ông đã từng nhiều lần được gặp Bác Hồ, vậy ông có thể chia sẻ những kỷ niệm về Bác và kỷ niệm nào đã để lại ấn tượng sâu sắc nhất đối với ông?

Ông Raymond Aubrac: Những hồi ức về Việt Nam và người bạn đặc biệt của mình - Chủ tịch Hồ Chí Minh thì có rất nhiều, nhiều lắm và những kỷ niệm đó vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí tôi. Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời vào ngày 2/91945, năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm và được nước Pháp đón tiếp với nghi thức của một nguyên thủ quốc gia. Lúc đó, tôi đang làm việc tại Bộ Tái thiết Quốc gia thì nhận được giấy mời dự tiệc tại Vườn Hồng Bagatelle ở Paris để chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lời mời đó là một món quà quý giá đối với tôi vì đến đây tôi sẽ được thỏa mãn hai ước nguyện là được trực tiếp gặp gỡ Chủ tịch Hồ Chí Minh, một con người mà tôi đã từng nghe tên nhưng chưa hề được gặp mặt, tiếp đến là được ngắm các lại hoa tại Vườn Hồng Bagatelle, một trong những khu vườn nổi tiếng của Pháp. Sau bữa tiệc, tôi đã mời Chủ tịch Hồ Chí Minh về sống tại nhà mình ở Soissy-sous-Monmorency, phía Bắc Paris, đi khoảng 20 phút xe hơi. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận lời và đến ở đó trong 6 tuần từ đầu tháng 8 đến giữa tháng 9-1946. Trong thời gian ở đây, tôi thường xuyên được tiếp xúc với Hồ Chủ tịch, người sống gần gũi với thiên nhiên, thân thiện với mọi người trong gia đình tôi.

Chủ tịch Hồ Chí Minh bế con gái đỡ đầu Elisabeth
Aubrac tại Pháp năm 1946, bên cạnh là bà Aubrac.
(Ảnh tư liệu từ Internet).

Điều khiến tôi hết sức ngạc nhiên là với tư cách là nguyên thủ quốc gia, được Chính phủ Pháp dành một tầng trong một ngôi nhà lớn ở gần Khải hoàn môn, nhưng Hồ Chủ tịch thường không vào Paris tiếp khách, mà mời về nhà tôi. Cũng trong khoảng thời gian này ở Pháp có Hội nghị Fontainebleau giữa Pháp và Việt Nam. Đoàn Việt Nam do ông Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn và ngày nào Đoàn cũng đến làm việc với Người . Ở đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp và chiêu đãi nhiều nhân vật thuộc các khuynh hướng chính trị khác nhau, các nhà văn, nhà báo…

Cuộc gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh lần thứ hai vào năm 1955 tại Bắc Kinh cũng khiến tôi xúc động bởi mặc dù chỉ còn 20 phút nữa là lên đường sang Mát-xcơ-va nhưng Người vẫn bố trí thời gian để gặp tôi và hỏi han tình hình gia đình cũng như công việc của tôi tại đây. Những tình cảm của Người dành cho tôi trong thời khắc đó đã gắn chặt hơn nữa tình bạn chân thành mà chúng tôi đã xây dựng 9 năm trước đó.

Lần cuối cùng tôi gặp lại Hồ Chí Minh là vào năm 1967, khi đó tôi cùng Viện trưởng Viện Pasteur Herbrt Marcovitch sang để trao đổi về tình hình Việt Nam. Hồ Chủ tịch và Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp tôi tại Nhà sàn, Hà Nội. Lúc đó, tôi thấy Người có vẻ yếu đi rất nhiều, Người vẫn nhớ như in tên 3 đứa con của tôi và hỏi thăm nhiều về gia đình tôi. Điều đó khiến tôi rất xúc động. Khi nói xong câu chuyện, người có vẻ thấm mệt và quay vào phòng trong. Người mang ra một tấm lụa, nhờ tôi gửi tặng món quà cưới đến con gái tôi và cũng là con gái nuôi của Người tên Elisabeth.

Cuộc gặp giữa tôi và Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây 66 năm như là một cơ duyên. Chúng tôi đã có với nhau rất nhiều kỷ niệm kể cả trong sinh hoạt thường ngày cũng như trong công việc. Nhưng có lẽ câu chuyện tôi kể với các bạn sau đây đã để lại ấn tượng sâu sắc nhất đối với tôi: Hồi đó vào cuối tháng 7/1946, vào đúng dịp sinh nhật lần thứ 32 của tôi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng tôi một bức tranh của họa sĩ Vũ Cao Đàm, một trí thức Việt kiều yêu nước. Bức tranh tả một bà mẹ mới sinh con, đang vươn cánh tay dài với những ngón tay mảnh dẻ vuốt đầu cháu bé. Hồ Chủ tịch giải thích, bức tranh này thể hiện tình mẫu tử đặc biệt thiêng liêng, cao cả. Ít lâu sau đó, vợ tôi sinh cháu Elisabeth. Nhận được tin Hồ Chủ tịch đã đến Nhà hộ sinh Port - Royal ở Paris thăm, tặng hoa và nhận là người đỡ đầu. Từ đó trở đi, năm nào Elisabeth cũng nhận được những lời chúc và quà tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày sinh nhật.

PV: Được biết, ông có nhiều đóng góp tích cực vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập cũng như quá trình xây dựng đất nước Việt Nam. Động lực nào khiến ông luôn ủng hộ Việt Nam trong suốt gần 70 năm qua?

Ông Raymond Aubrac: Bản thân tôi và gia đình tôi tuy không phải là đảng viên cộng sản nhưng là những người tiến bộ, yêu nước, tích cực tham gia cuộc kháng chiến của nhân dân Pháp chống phát xít. Tôi chịu ảnh hưởng của những người cộng sản. Thòi đó, người ta gọi chúng tôi là những người "bạn đồng hành" của những đảng viên cộng sản, là những người luôn đứng về phái công lý. Tôi đã tham gia trong nhiều phong trong kháng chiến chống phát xít Đức và bí mật tham gia kháng chiến ở Lyon. Trong thời gian đó, bố mẹ tôi đã bị phát xít Đức giết chết.

Trong thời gian phát xít Đức chiếm đóng nước Pháp, các tầng lớp nhân dân Pháp tham gia vào cuộc kháng chiến và đã góp phần quan trọng trong cuộc đấu tranh giành lại độc lập cho đất nước mình. Trong thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh sống tại gia đình tôi, Người thường trao đổi, mạn đàm giúp chúng tôi hiểu được vấn đề và chính Người đã chỉ cho chúng tôi biết thế nào là chủ nghĩa thuộc địa, hiểu được sự làm nhục người khác mà chủ nghĩa thực dân đã và đang áp dụng tại các nước thuộc địa. Người đã giúp chúng tôi nhận ra một điều rằng những gì mà nhân dân Việt Nam đang phải chịu đựng cũng giống như những gì mà những người dân Pháp đã từng phải chịu đựng trong thời gian phát xít Đức chiếm đóng nước Pháp. Đây có thể nói là hòan cảnh chung của các dân tộc chịu ách đô hộ của ngoại bang. Kể từ giờ phút đó, tôi đã tự nguyện tham gia vào cuộc đấu tranh chống lại ách áp bức trên thế giới. Tiếp đó, tôi có điều kiện tiếp xúc, giúp đỡ nhân dân Việt Nam kháng chiến chống thực dân Pháp.

Tôi là một người Pháp, giờ vẫn là người con của nước Pháp mà lại tích cực tham gia vào các hoạt động giúp Việt Nam chống lại thực dân Pháp. Đó là một vấn đề được nhiều người đặt câu hỏi. Song để trả lời câu hỏi này, chúng ta nên nhận định lại vấn đề và nhìn vào thực tế lúc bấy giờ thì nhận ra rằng phần lớn những tên thực dân tham gia cuộc chiến tại Việt Nam đều là những thành phần liên kết với bọn Đức quốc xã trong thời gian phát xít Đức đánh chiếm nước Pháp.

Sở dĩ trong suốt gần 70 năm qua, tôi luôn sát cánh và ủng hộ nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập cũng như quá trình xây dựng đất nước vì với tôi Việt Nam như quê hương thứ hai của mình. Tôi cho rằng những việc tôi đã, đang và sẽ làm cho Việt Nam, sẽ là một món quà đặc biệt tôi giành tặng cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo kiệt xuất của nhân dân Việt Nam, người bạn lớn, thân thiết của nhân dân Pháp nói chung và của gia đình tôi.

PV: Với những gì đã được tận mắt chứng kiến về sự thay đổi của đất nước Việt Nam sau 35 kết thúc chiến tranh, ông sẽ làm gì để người dân Pháp nói riêng và bạn bè quốc tế hiểu thêm về đất nước, con người Việt Nam?

Ông Raymond Aubrac: Khi trở về Pháp, tôi muốn kể với nhiều người bạn Pháp, với bạn bè quốc tế ở châu Âu, châu Mỹ, châu Phi... về một Việt Nam mới, một Việt Nam trung thành với quá khứ của mình và tiếp tục chiến thắng như thế nào. Việt Nam đang thay đổi từng ngày, luôn hướng tới sự tiến bộ, hồi sinh và tiếp tục hồi sinh. Với tôi, mỗi cuộc hồi sinh của đất nước Việt Nam là một cuộc đau đẻ và người thầy giúp đất nước các bạn “ vượt cạn” thành công chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại./.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực