Thượng nghị sĩ, cựu chiến binh Mỹ đánh giá về quan hệ Mỹ - Việt Nam

Thứ tư, 05/05/2010 21:16

(ĐCSVN) - Nhìn lại quan hệ Mỹ - Việt Nam sau 35 năm kết thúc chiến tranh và 15 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, Thượng Nghị sĩ Jim Web, Chủ tịch Tiểu ban châu Á của Uỷ ban Ngoại giao Thượng viện Mỹ đánh giá: Quan hệ Mỹ - Việt Nam là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất tại châu Á. Xin lược trích giới thiệu một phần cuộc trả lời phỏng vấn của ông Jim Webb về quan hệ Mỹ - Việt Nam hiện nay.

 

Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb tiếp kiến Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng
trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam (tháng 9-2009) - Ảnh tư liệu

Trả lời báo chí, tại Oasinhtơn, Thượng nghị sĩ Jim Webb cho rằng, đây là một mối quan hệ có lịch sử phức tạp, ông nói: “Quan hệ giữa Mỹ và đất nước Việt Nam có lịch sử rất phức tạp. Chúng tôi đã làm việc rất tích cực từ năm 1975 để xây dựng một cầu nối mới giữa hai quốc gia. Tôi đã dùng một thời gian đáng kể của cuộc đời mình để giải quyết những vấn đề này, từ khi tôi còn ở trong lực lượng Thủy quân Lục chiến cách đây đã lâu và đặc biệt là từ năm 1991 khi tôi lần đầu tiên bắt đầu trở lại Việt Nam. Việc xây dựng đường hướng phát triển quan hệ giữa hai nước là một vấn đề phức tạp. Kể từ năm 1995, tôi cho rằng hai quốc gia đã thực hiện được nhiều việc có tính xây dựng. Việt Nam đã có những bước đi tới, như gia nhập WTO, rồi hai nước Việt Nam – Mỹ có những đối thoại chặt chẽ. Tôi cho rằng quan hệ Mỹ - Việt là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất tại châu Á”.

PV: Cần làm gì để mối quan hệ giữa hai nước cải thiện hơn nữa?

Một trong những vấn đề mà tôi đã làm việc từ rất nhiều năm nay, bắt đầu từ cuối những năm 70, đó là tìm cách thức cho phép những người Việt đã từng kề vai sát cánh với chúng tôi tái lập quan hệ với phía Việt Nam trong nước. Hiện nay có hai triệu người Mỹ gốc Việt và rất nhiều gia đình đã phải trải qua những thời kỳ khó khăn sau năm 1975. Vì thế có tình trạng cay đắng, mất lòng tin từ cả hai phía và vì thế để hai bên đối thoại với nhau là một điều rất khó. Do vậy tôi đã dùng rất nhiều thời gian của mình trong rất nhiều năm qua nói chuyện và làm việc với cộng đồng người Việt tại Mỹ đồng thời bàn bạc với Chính phủ Việt Nam và người Việt tại Việt Nam.

PV: Chính phủ Việt Nam vẫn thường nói tới việc hòa hợp, hòa giải và đó cũng là điều ông đã và đang cố gắng làm. Theo ông, Chính phủ Việt Nam đã làm gì để thực hiện được điều đó? Và còn cộng đồng người Mỹ gốc Việt thì đã làm gì trong vấn đề này?

Từ rất nhiều năm nay rất khó khởi sự các cuộc đối thoại như vậy vì cuộc chiến đã diễn ra khốc liệt ra sao và kéo dài như thế nào. Và trong những trường hợp như vậy thì họ cần một cầu nối, cần có khả năng để có thể được đưa tới bàn đối thoại. Và chính đó là điều tôi đã làm việc rất tích cực với cả hai phía, cố gắng khuyến khích đối thoại. Đó là một quá trình tiến triển khá chậm nhưng trong 3-4 năm qua tình hình đã khá hơn rất nhiều.

PV: Ông nói tới cầu nối, vậy điều gì sẽ là cầu nối tốt nhất từ nay trở đi?

Sự tôn trọng lẫn nhau, lòng tin, cần nhận ra những nguyên do chính đáng khiến có xung đột này. Nhưng giờ đây với những ai quan tâm với vận mệnh của Việt Nam, tới tương lai của Đông Nam Á thì điều quan trọng là phải đến với nhau. Tôi lấy một ví dụ nhỏ thường nói với bạn bè tại đây về chuyện tình hình đang khá hơn tại Việt Nam. Khi tôi trở lại Việt Nam vào năm 1991, tôi ở Hà Nội và đã đi lễ nhà thờ vào Chủ nhật dự lễ Phục sinh. Tôi thấy chỉ có khoảng 20 người tại Nhà thờ lớn Hà Nội và toàn là người già. Dịp Giáng sinh vừa rồi tôi cùng vợ tới dự lễ tại Nhà thờ lớn ở Hà Nội và hôm đó có tới hơn 2000 người dự lễ. Điều đó cho thấy chính quyền đã chú ý hơn tới các quyền cá nhân và chúng ta cần nhìn nhận điều đó để tiếp tục có đối thoại.

PV: Nếu Chính phủ Việt Nam đang cố gắng làm gì đó để cải thiện tình hình, thế phía cộng đồng người Việt tại Mỹ thì sao. Theo ông, có thể làm gì?

Có những người đã bị tổn thương sâu sắc sau năm 1975, rất nhiều người phải đi cải tạo... . Vì thế có những người đang sống tại đây vẫn còn những mặc cảm. Tại Việt Nam cũng có những người vẫn còn giữ những mặc cảm họ đã trải qua. Vì thế điều này cần tới thời gian và đó là thực tế. Nhưng khi tôi nhìn lại 19 năm qua kể từ khi tôi bắt đầu trở lại Việt Nam, tình hình đã khá hơn rất nhiều.

PV: Sang vấn đề nhân quyền, có những khác biệt về cách nhìn nhận của Việt Nam và Mỹ về nhân quyền, liệu có thể thu hẹp những khác biệt giữa hai nước trong lĩnh vực này không, thưa ông?

..Tôi cho rằng Chính phủ Việt Nam đã có những tiến bộ về tự do tôn giáo, mặc dù chưa phải là hoàn hảo, nhưng đã khá hơn rất nhiều so với trước đây. Tại châu Á, chúng tôi học được một điều là đón nhận những gì có được và xây dựng từ đó. Cách đó đã rất có hiệu quả trong việc xây dựng và phát triển sự tin cậy và tôn trọng gữa cả hai phía trong 19 năm qua.

PV: Ông là người có rất nhiều liên hệ với Việt Nam, tạm gác bỏ cương vị Thượng nghị sĩ qua một bên, trên phương diện cá nhân thì cảm nghĩ của ông về Việt Nam và con người Việt Nam?

Tôi đã trải qua rất nhiều thời gian của cuộc đời mình tại Việt Nam, đầu tiên là một quân nhân Thủy quân Lục chiến trong thời kỳ chiến tranh cách đây đã rất lâu. Rồi sau đó là tôi bắt đầu trở lại Việt Nam từ năm 1991, liên tục cho tới ngày nay. Tôi rất quan tâm đến Việt Nam và người Việt Nam. Tôi luôn tin rằng Việt Nam là 1 trong số 4-5 quốc gia quan trọng nhất của Mỹ tại khu vực đó trên thế giới. Người Việt rất chăm chỉ và dũng cảm.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực