Trận Điện Biên Phủ dưới góc nhìn của một nhà báo phương Tây

Thứ hai, 10/05/2010 08:45

(ĐCSVN) - Cuốn sách "Việt Nam mà tôi được chứng kiến" của nhà văn, nhà báo người Áo Fritz Jensens, xuất bản năm 1955 tại Viên (Áo) là một trong số ít các tác phẩm xuất hiện ở phương Tây thời bấy giờ viết về Việt Nam. Cuốn sách đã phản ánh sinh động và khách quan cuộc kháng chiến đầy gian khổ nhưng vô cùng anh dũng của quân và dân ta chống thực dân Pháp. Cuốn sách đồng thời phản ánh cận cảnh thất bại ê chế của chủ nghĩa thực dân tại Việt Nam. Sau đây là một phần nội dung cuốn sách, đọan viết về chiến dịch Điện Biên Phủ.

 

Từng đòan xe thồ nối nhau hướng về mặt trận Điện Biên Phủ (Ảnh tư liệu)


...Tháng Ba năm 1954 bắt đầu cuộc tấn vào Điện Biên Phủ. Trong thời gian có vẻ như Quân đội Nhân dân Việt Nam không quan tâm gì tới tập đoàn cứ điểm này cũng là lúc họ đã đã tận dụng tốt cơ hội. Gạo, phương tiện chiến tranh, các đơn vị quân đội được tập trung tại các quả đồi bao quanh. Một tuyến đường hậu cần dài và mạng lưới các đường nối đã được xây dựng. Những con đường mới làm chung qunah Điện Biên Phủ có tổng chiều dài 200 km. Các hầm ngầm, giao thông hào và vị trí đặt pháo đã được xây dựng. Bộ đội và nhân dân Việt Nam, các dân tộc Thái, Mèo, Thổ thi đua với nhau trong việc chuẩn bị cho chiến dịch khổng lồ Điện Biên Phủ. Tất cả các phương tiện vận chuyển, các xe tải cỡ lớn, xe trâu bò kéo, xe đạp, thuyền và hàng đoàn dân công khiêng vác đã được huy động. Các khẩu trọng pháo cỡ lớn được kéo lên các sườn núi, thường mỗi ngày không chuyển dịch được quá 1 km. Bằng cách đó chúng đã được đưa đến các vị trí cực kỳ hiểm trở mà ô tô không thể bò lên được. Các chiến sĩ pháo binh dùng những sợi chão dài và dồn hết sức lực của mình để kéo pháo lên, phía dưới có người dùng nêm gỗ đặt vào dưới bánh pháo và cứ thế nhích lên dần từng cen-ti-mét một để đề phòng pháo tụt trở lại xuống dốc; sườn núi rất dốc, đất trong rừng rậm rất trơn và nhão, pháo nhích lên được một cm là một chiến thắng, chiến thắng giành được không phải chỉ với thiên nhiên hiểm trở mà còn cả đối với các máy bay ném bom hạng nặng của địch liên tục hoạt động mà đại tá De Catries đã yêu cầu khi ông ta cảm thấy vòng vây quanh Điện Biên Phủ đang ngày càng xiết lại chặt hơn. Máy bay quần đảo hàng ngày, hàng giờ và rải bom na-balm, trút bom đạn lên các quả đồi.

Trong tháng Hai pháo 75mm của Quân đội Nhân dân đã bắt đầu bắn vào các cứ điểm (Fort). Các súng máy đặc biệt thì khống chế các máy bay cất cánh. Navare vẫn chưa cảm thấy lo ngại. Với ưu thế của pháo binh và hai sân bay, nếu cần, ông ta có thể sơ tán Điện Biên Phủ bất cứ lúc nào bằng đường không.

Ngày 13 tháng 3 trận chiến thực sự trở nên nghiêm trọng, bắt đầu một cách hết sức bất ngờ. Quân đội Nhân dân, mà các bản tin chính thức về chiến tranh vẫn còn bị gọi là "quân phiến loạn" hoặc "quân nổi dậy", phải chiến đấu bằng các vũ khí rất thua kém theo lối suy nghĩ ngạo mạn của Bộ tổng tham mưu Pháp và Mỹ. Ở Đông Dương, theo một quan niệm cổ lỗ và thâm căn cố đế của họ thì kỹ thuật hiện đại chỉ có thể là một đặc quyền và độc quyền của người nước ngoài. Nhưng kể từ khi cuộc tấn công vào Điện Biên Phủ thực sự bắt đầu, khi các chiến sĩ pháo binh trẻ tuổi của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã bắn rất trúng vào mục tiêu nằm trong tầm ngắm của họ bằng các khẩu trọng pháo 105mm có thể coi là hiện đại, thì cuộc chiến đã trở nên nghiêm trọng, Không quân (Pháp) thường có thói quen can thiệp một các đầy tự tin vào cuộc chiến tranh, bỗng dưng gặp phải một lưới lửa phòng không nguy hiểm chết người của các khẩu pháo cao xạ còn mới và cho đến lúc đó còn được ngụy trang kỹ lưỡng. Những khẩu pháo cao xạ này đã hạ hết máy bay này đến máy bay khác khi chúng đến gần. Nếu không muốn bị bắn rơi các máy bay hoặc phải vọt lên cao nên hoạt động không còn hiệu quả nữa hoặc phải tháo lui. Tiếng nổ rền vang của pháo binh nghiền nát các cứ điểm hoặc phá hủy các máy bay đậu trên sân bay và làm tê liệt pháo binh của quân đội viễn chinh Pháp. Và lực lượng phòng không đã làm cho không lực Pháp từ Hà Nội đến mất hết quyền kiểm soát bầu trời, mặc dù chúng mang theo rất nhiều loại bom đạn và bom na-palm, điều đó đã làm cho các nhà chiến lược thực dân phải kêu lên một cách đầy uất ức. Các chiến sĩ đấu tranh cho tự do, những người bắt đầu sự nghiệp của họ bằng gậy tầm vông và súng kíp, đã trở thành một quân đội hiện đại, biết đối chọi đầy tự tin với một bộ máy kỹ thuật quân sự phức tạp. Họ biết phối hợp và sử dụng vũ khí hạng nặng và bộ binh với một chiến lược thiên tài. Đã quá muộn để Pháp có thể sơ tán khỏi Điện Biên Phủ!

Fritz Jensens là nhà văn, nhà báo người Áo. Năm 1954 ông đã ba lần đến Việt Nam, được tận mắt chứng kiến những tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh giải phóng của nhân dân Việt Nam, đặc biệt là chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ và những tháng đầu sau khi ký Hiệp định đình chiến. Ông đã được tiếp kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh và nói chuyện với viên tướng tù binh Pháp De Castries, tìm hiểu kỹ chiến lược và chiến thuật của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông cũng đã có mặt tại Hội nghị Geneve về Đông Dương. Từ những tư liệu thu thập được, sau khi về nước, ông đã cho ra mắt bạn đọc cuốn sách với nhan đề "Việt Nam mà tôi được chứng kiến".Cuốn sách của ông đã được nhà xuất bản "Stern" (Ngôi sao) phát hành lần đầu tiên năm 1955 tại Viên. Khi bản thảo đến nhà xuất bản cũng là lúc người ta được tin ông không may đã qua đời trong một tai nạn máy bay… Nhưng với cuốn sách mang tính chất phóng sự đầy sinh động của mình, Fritz Jensens mãi mãi là một trong những nhân chứng lịch sử.  

Tháng 3/1954 khi tôi đến Tổng hành dinh trong rừng rậm, ở Điện Biên Phủ chiến sự đang diễn ra ác liệt. Các đơn vị Quân đội Nhân dân Việt Nam đã chiếm được các cứ điểm đầu tiên, không quân của quân viễn chinh Pháp bay ở tầm cao đã thiêu trụi các quả đồi chung quanh Điện Biên Phủ bằng bom na-palm. "Tình hình Điện Biên Phủ như thế nào ạ?", chúng tôi hỏi Chủ tịch Hồ Chí Minh, "Tình hình chiến lược ra sao, thưa Chủ tịch?".

Người hạ chiếc mũ đang đội trên đầu xuống, lật ngửa mũ đặt lên bàn và đưa ngón tay vòng quanh vành mũ. Người nói: "Nếu chiếc mũ này là Điện Biên Phủ, thì chúng tôi đang ở đây", rồi - Người đột ngột đưa ngón tay chỉ vào lòng mũ - "quân địch ở chỗ này!". Như vậy, tình thế của địch đã được Người mô tả bằng hình ảnh thật rõ ràng.

Tướng Vương Thừa Vũ giới thiệu với tôi về sự phát triển của chiến thuật "Tấn công không thương vong", cứ điểm đầu và mạnh nhất trong các cứ điểm vòng ngoài, mà tướng Vũ gọi là "Đồi Độc lập", sau một đợt pháo kích mạnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam dọn đường đã bị chiếm trong vòng một giờ. Trên Đồi Độc lập cờ đỏ sao vàng tung bay, bên cạnh đó là lính của quân đội viễn chinh bị thương và tử trận, nhưng cũng có cả một số thương binh và tử sĩ của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Các cứ điểm kiên cố với hỏa lực mạnh chỉ có thể chiếm được với tổn thất nặng nề. Ví dụ vị trí tiền tiêu "Eliane", chỉ là một trong nhiều hệ thống lô cốt hình khối của Điện Biên Phủ, được cố thủ bằng 70 lính và một khẩu moóc-chê, 38 súng máy, một khẩu đại liên và 125 khẩu súng thường - trong đó một số khẩu được trang bị kính ngắm viễn vọng để bắn tỉa - và một số lượng lựu đạn và súng lục dường như không hạn chế. Chúng còn được trọng pháo và không quân yểm trợ trong các đợt tiến công.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra lệnh đào hệ thống giao thông hào để tiếp cận quân địch, càng gần các cứ điểm càng tốt. Với hệ thống giao thông hào đó, mà kỹ thuật đào ngày càng được hoàn thiện, cự ly tiến công ngày càng được rút ngắn; dọc hai bên vách hào còn đào thêm các hầm "hàm ếch" để tránh đạn và ở các đoạn gần địch nhất lại được che phủ để tránh địch tấn công bằng lựu đạn. Cuối cùng các giao thông hào được đào bao quanh các lô cốt và tiến sát tới từng lô cốt theo thế gọng kìm từ 2 phía. Các lô cốt ngày càng bị Quân đội Nhân dân Việt Nam xiết chặt vòng vây chung quanh. Quân địch phía bên trong tường xi măng và lỗ châu mai nghe rõ tiếng cuốc xẻng đào không lúc nào ngừng. Chúng biết rằng đó là những dụng cụ nguy hiểm chết người mà quân Việt Minh đang sử dụng để xích lại gần chúng từng mét một, trong khi kỹ thuật giết người hiện đại và phức tạp do Bộ chỉ huy Pháp ở Hà Nội trang bị cho Điện Biên Phủ cũng không có cách gì chống lại nổi.

 

Cờ Chiến thắng tung bay trên nóc hầm De Castries (Ảnh Tư liệu)

Tỷ lệ thương vong trung bình để chiếm một lô cốt đã giảm từ 20 người lúc đầu xuống còn 4 người.

Máy bay bay lượn trên trời không còn cảm thấy an toàn, ngày càng chỉ còn giới hạn trong việc thả dù tiếp tế vật liệu, nhưng dù cũng thường bị gió thổi đẩy ra khỏi ranh giới ngày càng bị thu hẹp của các cứ điểm và rơi vào tay Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trong những ngày ấy bộ đội của Quân đội Nhân dân Việt Nam được uống cả rượu vang Pháp và ăn đồ hộp Mỹ. Trong vòng 55 ngày, hết cứ điểm này đến cứ điểm khác đã bị chiếm.

55 ngày đêm bị bao vây đã thực sự trở thành địa ngục và nỗi kinh hoàng đối với quân đội viễn chinh Pháp. Các trung đoàn Thái bị ép vào quân đội thực dân thì đào ngũ, binh lính Bắc Phi trong những giờ phút quyết định đã nghe theo lời kêu gọi của một cán bộ Quân đội Nhân dân Việt Nam, phát qua loa bằng các thứ tiếng Ả-rập kêu gọi họ đừng tham chiếm. Người Đức và người Áo đã chết một cách thảm hại. Thực phẩm còn rất ít, người chết không thể đưa đi được, người bị thương nằm la liệt trong các hầm lầy lội và chịu cảnh đau đơn. Cuộc chiến tranh đã phân hủy thành từng chi tiết: máu đổ và chết chóc, đủ thứ dơ bẩn và mủ vết thương bốc mùi tanh hôi. Sự sống vất vưởng đầy sợ hãi và kinh hoàng. Con mắt kề bên khẩu súng ngắm nhìn qua lỗ châu mai, nhằm vào những quả đồi mầu tối đầy đe dọa nằm trong vùng kiểm soát của đối phương, bao bọc chung quanh quân đội viễn chinh Pháp và đang từ từ đè bẹp chúng. Bên trái cũng như bên phải là những người đồng đội ngã xuống, mà chỉ vừa trước đó họ còn nhả đạn, còn giúp bảo vệ các lô cốt bê tông mà họ ngồi co ro trong đó; bây giờ những xác chết ấy chỉ làm choán mất chỗ của những người còn sống. Khi giờ ăn đến, người ta ăn trong bùn và máu, những gì chảy ra từ các đồ hộp của Mỹ mà họ phải dùng lưỡi lê để mở. Từ các bong-ke đạn được bắn ra nhằm vào Quân đội Nhân dân Việt Nam, kèm theo cả các câu chửi nguyền rủa của họ đối với Tổng hành dinh quân viễn chinh Pháp.

Ngày 7 tháng 5 năm 1954 De Castries, lúc đó đã được phong chuẩn tướng, con cưng của một dòng họ "trâm anh thế phiệt" cùng với toàn bộ Bộ tham mưu của ông ta và 8.000 binh lính còn sống sót, sau khi bị mất 62 máy bay cùng với vô số vũ khí, đạn dược, xe jeep và súng máy mới, xe tăng, đại bác... đã đầu hàng một chiến sĩ 23 tuổi của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đó là chiến sĩ bộ binh tên là Vinh, một trong 5 người của Tổ xung kích dưới quyền chỉ huy của Tổ tưởng là Tạ Quang Luật. Anh là người đầu tiên tiến vào hầm chỉ huy của viên Tư lệnh Pháp để báo cho y biết rằng trận Điện Biên Phủ đã thất thủ./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực