Afghanistan: Hành trình dài đi tới hòa bình

Thứ tư, 23/06/2021 17:44
(ĐCSVN) – Từ đầu tháng 5/2021, Mỹ và các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bắt đầu lộ trình rút quân khỏi Afghanistan. Tuy nhiên, việc Mỹ khép lại cuộc chiến dài hơi nhất trong lịch sử nước này đã để lại nhiều thách thức. Người dân Afghanistan vẫn còn một quãng đường dài cần đi qua để có được nền hòa bình mà họ tìm kiếm.

Bức tranh toàn cảnh ảm đạm

leftcenterrightdel
Đặc phái viên Liên hợp quốc về Afghanistan Deborah Lyons . (Ảnh: heartofasia.af)

Tại phiên họp ngày 22/6 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Đặc phái viên Liên hợp quốc về Afghanistan Deborah Lyons đã tỏ rõ sự quan ngại về tình hình hiện nay ở Afghanistan. Theo đánh giá của quan chức ngoại giao này thì tất cả các vấn đề chính tại Afghanistan, từ chính trị, an ninh, tiến trình hòa bình, kinh tế, tình trạng khẩn cấp nhân đạo và đại dịch COVID-19 đều đang diễn biến theo hướng tiêu cực hoặc trì trệ.

Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, xung đột và sự bùng phát của làn sóng đại dịch COVID-19 thứ 3, hạn hán, cơ cấu xã hội suy yếu cùng một số nguyên nhân khác đã đẩy tỷ lệ nghèo tại Afghanistan từ 50% lên hơn 70%.

Bức tranh nghèo đói ảm đạm đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các hoạt động cứu trợ nhân đạo mà các nước dành cho Afghanistan. Tuy nhiên, bất chấp những lời kêu gọi mạnh mẽ, đề xuất viện trợ nhân đạo trị giá 1,3 tỷ USD trong năm 2021 dành cho Afghanistan, tới nay mới chỉ được đáp ứng 30%.

Bà Lyons cho rằng, nếu hy vọng cho Afghanistan có chăng còn tồn tại, thì chính là việc những dự đoán về kịch bản tồi tệ nhất chưa thành hiện thực. Tuy nhiên, Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc cũng chỉ ra rằng, tinh thần bền bỉ của người Afghanistan và khả năng phục hồi mạnh mẽ của họ đang bị thử thách nghiêm trọng, trong khi nguy cơ đất nước bị trượt dài vào kịch bản tồi tệ lại đang hiện hữu.

Từ những lập luận trên, bà Lyons cảnh báo, những gì đang diễn ra tại Afghanistan sẽ để lại những hậu quả trên phạm vi toàn cầu. Chính vì lẽ đó, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cần được thông báo đầy đủ về mức độ nghiêm trọng của tình hình hiện nay tại Afghanistan. Một thông báo được đưa ra vào giữa tháng 4/2021 về việc rút tất cả lực lượng quân đội quốc tế khỏi Afghanistan đã tạo ra "chấn động” trong toàn bộ hệ thống chính trị và xã hội nói chung tại quốc gia Nam Á này. Quyết định rút quân là điều được trông đợi. Nhưng tốc độ thực hiện việc rút quân – với phần lớn quân đội đã được rút đi, lại là điều không phải ai cũng mong muốn. Điều đó đòi hỏi tất cả các bên liên quan cần điều chỉnh hành vi cho phù hợp với thực tế mới đang diễn ra.

Theo lý giải của đại diện ngoại giao Liên hợp quốc, việc rút quân là một nội dung trong thỏa thuận gồm 4 phần được chính phủ Mỹ và lực lượng Taliban đạt được vào tháng 2/2020. Việc các bên tiến tới thỏa thuận sau một thời gian dài đàm phán được kỳ vọng sẽ “tạo không gian” cho những nỗ lực vun đắp nền hòa bình tại Afghanistan sau nhiều năm chìm trong bất ổn. Quân đội nước ngoài sẽ rút khỏi Afghanistan, và người dân Afghanistan sẽ có cơ hội xích lại gần nhau, cùng tìm kiếm con đường dẫn đến hòa bình, thoát khỏi cảnh “nồi da nấu thịt”. Tuy nhiên, diễn biến trên chiến trường lại đi trước tiến bộ đạt được trên bàn đàm phán – bà Lyons bày tỏ.

Những mối đe dọa hiện hữu

leftcenterrightdel
Binh sĩ Mỹ rút khỏi Afghanistan. Ảnh:Reuters

Bà Lyons cho rằng, trong thời khắc quan trọng này, người dân Afghanistan và các nhà ngoại giao ở Kabul cần được báo động về sự chia rẽ trong nội bộ các tầng lớp chính trị tại Afghanistan. “Cho dù những khiếm khuyết trong chính phủ là một phần di sản của chủ trương đặt chính trị lên trên quản trị, song sự thiếu thống nhất đó phải được khắc phục, nếu không sẽ có nguy cơ mang lại những lợi thế cho Taliban” – bà Lyons nói.

Bà Lyons bày tỏ sự khích lệ thận trọng trước những nỗ lực gần đây của Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani cùng chính phủ và các nhà lãnh đạo chính trị Afghanistan nhằm thảo luận về những vấn đề an ninh gây sức ép và thể hiện rõ tinh thần đoàn kết trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, quan chức của Liên hợp quốc cũng chỉ ra rằng, bài toán thực sự vẫn nằm ở chỗ liệu sự thống nhất ở Kabul có mang lại đáp số cuối cùng đó là củng cố tiến trình hòa bình và thắt chặt thể chế nhà nước Afghanistan hay không.

Hiện lực lượng Taliban đang giành được những ưu thế lớn trên thực địa. Hơn 20 trong tổng số 370 quận của Afghnistan đã bị “thất thủ” trước chiến dịch quân sự tăng cường của Taliban từ đầu tháng 5/2021. “Hầu hết các quận đã bị chiếm đóng đều có vị trí bao quanh các thủ phủ của một tỉnh. Điều đó cho thấy Taliban đang có âm mưu chiếm lấy các thủ phủ này sau khi các lực lượng nước ngoài rút hết” – bà Lyons cảnh báo.

Cũng theo bà Lyons thì việc Taliban tiếp tục thực hiện các chiến dịch quân sự mạnh mẽ sẽ dẫn tới những hậu quả bi thảm khi khiến bạo lực gia tăng và kéo dài, chất chồng thêm nỗi thống khổ của người dân Afghanistan, đồng thời xô đổ phần lớn những thành tựu mà người dân Afghanistan đã khó khăn để vun đắp trong hơn 20 năm qua.

“Cần phải nhấn mạnh rõ ràng rằng, bất kỳ nỗ lực nào nhằm thành lập một chính quyền quân sự ở Kabul đều đi ngược lại ý chí của người dân Afghanistan, bác bỏ quan điểm đã nêu của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế” – bà Lyons nói.

Bạo lực đã gia tăng trên khắp cả nước Afghanistan trong bối cảnh quân đội Mỹ đẩy mạnh kế hoạch rút những binh sĩ cuối cùng khỏi Afghanistan. Trong gần 20 năm xung đột, hàng chục nghìn người Afghanistan đã thiệt mạng và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Các cuộc đàm phán giữa Chính phủ Afghanistan và các tay súng Taliban bắt đầu từ tháng 9 năm ngoái nhưng đến nay vẫn đình trệ, bất chấp các nỗ lực của cộng đồng quốc tế. Các nguồn tin địa phương và an ninh Afghanistan cho biết Taliban đã chiếm được cửa khẩu Shir Khan Bandar của Afghanistan với Tajikistan. Cửa khẩu Shir Khan Bandar, nằm ở cực Bắc của Afghanistan, cách thành phố Kunduz khoảng 50km.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, John Kirby hôm 21/6 cho biết quân đội nước này có thể giảm tốc độ rút quân khỏi Afghanistan trước thực trạng lực lượng Taliban gia tăng các cuộc tấn công trong thời gian gần đây nhằm bành trướng thế lực cũng như tình trạng bạo lực tại nước này vẫn ở mức cao. Ông Kirby khẳng định các lực lượng Mỹ vẫn tiếp tục ủng hộ quân đội Afghanistan trong cuộc chiến chống Taliban trong khả năng của mình. Tuy nhiên, khi quá trình rút quân đang dần đi đến vạch đích, khả năng hỗ trợ này sẽ mất dần và không còn. 

Cần những hành động mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế

Thực tế xảy ra tại nhiều cuộc khủng hoảng khác trên thế giới và tại Afghanistan cũng vậy. Dân thường chính là những nạn nhân đau khổ nhất, phải trả giá nhiều nhất vì bất ổn. Bà Lyons cho biết, chỉ tính riêng trong 3 tháng đầu năm 2021, số dân thường thương vong đã tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều đáng nói là số phụ nữ và trẻ em bị thương vong cũng tăng lần lượt 37 và 23%.

Trước bối cảnh trên, đại diện Liên hợp quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực kiến tạo nền hòa bình tại Afghanistan.

“Vẫn còn thời gian, dù đã muộn nhưng thời gian vẫn còn để ngăn chặn kịch bản xấu hơn thành hiện thực. Những nỗ lực đã đủ để chúng ta bước tiếp nhằm xây dựng nền hòa bình ở Afghanistan” – bà Lyons nói, đồng thời cho biết thêm rằng, Phái bộ Hỗ trợ Liên hợp quốc tại Afghanistan (UNAMA) do bà đứng đầu, đang phối hợp với các bên ở Afghanistan cùng các nước trong khu vực về vấn đề này.

“Một trong những mục tiêu chủ đạo của UNAMA trong giai đoạn bất ổn hiện nay là tiếp tục làm việc tới tất cả các bên nhằm bảo đảm tính liên tục của các thể chế hỗ trợ mang lại một cuộc sống thịnh vượng cho mọi người dân Afghanistan. Bất kỳ chính phủ tương lai nào được thành lập dựa trên kết quả của tiến trình đàm phán, cũng không thể bắt đầu từ tay trắng. Tôi hy vọng mạnh mẽ rằng, cả lực lượng Taliban và chính quyền Kabul đều hiểu rõ điều này” – bà Lyons nói.

Hiện UNAMA đang phối hợp chặt chẽ với các nước trong khu vực – vốn chia sẻ quan ngại chung về cuộc xung đột ở Afghanistan. Những mối quan ngại này bao gồm: tình trạng di cư, các hoạt động nhập cư, sự gia tăng của các hoạt động buôn bán thuốc phiện, chủ nghĩa khủng bố, cùng những cơ hội kết nối kinh tế và thương mại bị bỏ lỡ.

Tuy nhiên, bà Lyons cho rằng, những vấn đề này không chỉ bó hẹp trong phạm vi một khu vực riêng lẻ. Những bài học thực tế cho thấy, một cuộc xung đột riêng lẻ cũng có thể tạo ra một môi trường thuận lợi để các nhóm khủng bố tuyển dụng nhân sự, cung cấp tài chính, lập kế hoạch và mở rộng hoạt động ra phạm vi toàn cầu. “Chúng ta phải chấp nhận thực tế, đó là xung đột gia tăng ở Afghanistan đồng nghĩa với việc gia tăng bất ổn cho nhiều quốc gia khác, dù xa hay gần” – bà cảnh báo.

Bất kỳ chính phủ tương lai nào của Afghanistan cũng sẽ cần sự tham gia và hỗ trợ của quốc tế đối với chính họ và người dân của họ. Sự đóng góp của các nhà tài trợ sẽ rất cần thiết để hỗ trợ không chỉ đối với tiến trình phát triển đang diễn ra mà còn nhằm đáp ứng nhu cầu nhân đạo.

Theo bà Lyons, đây không phải là lúc cộng đồng quốc tế giảm bớt quyết tâm, hay thậm chí là vô tình tô đậm thêm sự tuyệt vọng của người dân Afghanistan. Lập trường của Liên hợp quốc là sẽ giữ vững hướng đi và không bỏ rơi người dân Afghanistan. Mọi nỗ lực cần được tập trung theo hướng tránh đẩy Afghanistan vào kịch bản đổ máu và phải gánh chịu thêm những nỗi thống khổ.

Để đạt được những mục tiêu này, theo bà Lyons thì các bên tại Afghanistan cần tránh xa chiến tranh và quay trở lại bàn đàm phán. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cùng sự hỗ trợ của các nước trong khu vực, cần làm mọi việc có thể để đưa các bên đi theo hướng đó./.

T.Lan (Theo báo chí nước ngoài)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực