Anh - Mỹ đạt thỏa thuận trong tranh chấp thương mại

Thứ sáu, 18/06/2021 12:17
(ĐCSVN) – Ngày 17/6, Bộ Thương mại Anh thông báo, Anh và Mỹ đã đạt thỏa thuận ngừng áp thuế trả đũa trong 5 năm tới nhằm giải quyết tranh chấp thương mại liên quan đến việc trợ cấp chính phủ cho hai hãng sản xuất máy bay Airbus và Boeing.

Anh - Mỹ đạt thỏa thuận trong tranh chấp thương mại kéo dài gần 2 thập kỷ
(Ảnh: Reuters)

Theo Bộ trưởng Thương mại Anh Liz Truss, nước này và Mỹ đã nhất trí ngừng áp thuế trả đũa trong 5 năm và hợp tác chặt chẽ hơn trong việc xử lý các thông lệ thương mại không công bằng.

“Thỏa thuận sẽ hỗ trợ việc làm tại Anh, đồng thời là tin tốt lành cho các doanh nghiệp sản xuất rượu whisky và lĩnh vực hàng không vũ trụ”, bà Liz Truss cho hay.

Hiệp hội rượu whisky Scotch đã hoan nghênh thỏa thuận trên và cho biết Hiệp hội đã thiệt hại 600 triệu bảng Anh (1,12 tỷ USD) bởi mức thuế lên tới 25% mà Mỹ đã áp đặt kể từ tháng 10/2019 đến tháng 3/2021.

Anh và Mỹ đạt được thỏa thuận chỉ 2 ngày sau khi Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ cũng đạt được thỏa thuận tương tự tại Hội nghị thượng đỉnh ở Brussels (Bỉ). 

Theo đó, thỏa thuận đạt được giữa Mỹ và EU nhằm tạo điều kiện cho cạnh tranh bình đẳng. Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cho biết, thỏa thuận này tạo tiền đề cho một kỷ nguyên mới của hợp tác xuyên Đại Tây Dương về viện trợ nhà nước. Đại diện Thương mại Mỹ khẳng định tuyên bố của Mỹ và EU đã giải quyết vấn đề tranh chấp thương mại kéo dài quá lâu trong mối quan hệ Mỹ - EU. Hai bên đã cùng đồng ý đưa ra các tuyên bố rõ ràng về sự hỗ trợ có thể chấp nhận được đối với các nhà sản xuất máy bay dân dụng lớn và một quy trình hợp tác để giải quyết sự hỗ trợ đó giữa hai bên.

Tháng 3 vừa qua, Brussels và Washington đã nhất trí tạm ngừng áp thuế trả đũa trong vòng 4 tháng liên quan đến cuộc tranh cãi về vấn đề trợ cấp cho 2 hãng sản xuất máy bay Airbus và Boeing. Quyết định trên được Mỹ và EU đưa ra sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen. Thông cáo của EC cho biết, 2 chính trị gia nhất trí tạm ngừng mọi khoản thuế đã áp đặt liên quan đến cuộc tranh cãi về việc trợ cấp cho các hãng Boeing và Airbus, trong thời gian ban đầu là 4 tháng.

Hơn 17 năm trôi qua, các mâu thuẫn giữa Mỹ và EU vẫn tồn tại liên quan đến vấn đề trợ cấp Chính phủ cho các hãng sản xuất máy bay Airbus và Boeing. Cuộc chiến pháp lý về Airbus và Boeing tại WTO bắt đầu từ năm 2004, khi Mỹ cáo buộc Đức, Pháp, Anh và Tây Ban Nha đã cung cấp các khoản trợ cấp bất hợp pháp và hỗ trợ dự án sản xuất một loạt máy bay của Airbus, vi phạm quy định của WTO.

Mỹ và Tập đoàn chế tạo và sản xuất máy bay Boeing lập luận rằng nếu không có sự hỗ trợ tài chính đáng kể mà các nước châu Âu đã dành cho Airbus dưới dạng các khoản vay ưu đãi và dưới lãi suất thị trường, Airbus sẽ không bao giờ có thể trở thành đối thủ của Boeing. Tuy nhiên, chỉ 1 năm sau đó, EU cũng cáo buộc Boeing của Mỹ đã nhận 19 tỷ USD tiền trợ cấp từ chính phủ Mỹ trong giai đoạn 1989 - 2006. Những cuộc tranh cãi vẫn tiếp tục kéo dài cho tới nay. 

Năm 2019, WTO cho phép Washington áp thuế lên tới 100% đối với các mặt hàng của EU với tổng trị giá 7,5 tỷ USD. Cụ thể, Mỹ đã áp mức thuế suất 25% đối với các sản phẩm nhập khẩu từ EU, trong đó có rượu, pho mát và dầu ôliu, đồng thời tăng mức thuế từ 10% lên 15% đối với các dòng máy bay do Airbus sản xuất. Đổi lại, tháng 10/2020, EU áp thuế đối với gần 4 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ vì trợ cấp của Washington đối với hãng sản xuất máy bay Boeing.

Tuy nhiên, việc tạm ngừng áp thuế diễn ra sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã mở ra hy vọng về tiến trình hòa giải căng thẳng giữa hai bên./.

Hoài Hà (Theo Reuters, AP)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực