Anh “tự tin” sẽ đạt được thỏa thuận thương mại với EU

Thứ năm, 24/09/2020 17:54
(ĐCSVN) - Ngày 23/9, Bộ trưởng Văn phòng Nội các Anh Michael Gove nhấn mạnh, Chính phủ Anh vẫn cam kết tiến tới một thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu (EU) và bày tỏ tự tin rằng Anh có thể vượt qua mọi khó khăn để đạt được thỏa thuận này.
leftcenterrightdel
Bộ trưởng Văn phòng Nội các Anh Michael Gove hối thúc các doanh nghiệp chuẩn bị kỹ lưỡng cho sự kết thúc của giai đoạn chuyển tiếp Brexit. (Ảnh: financial-press.uk) 

Phát biểu trước Quốc hội, ông Gove khẳng định Chính phủ Anh sẽ nỗ lực hết sức để đạt được thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với EU vào cuối năm nay: “Chúng tôi quyết tâm làm mọi điều có thể để có thể đạt được thỏa thuận”, ông nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Michael Gove cũng hối thúc các doanh nghiệp cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng cho sự kết thúc của giai đoạn chuyển tiếp. Theo ông Gove, 43% số doanh nghiệp tin rằng giai đoạn chuyển tiếp sẽ tiếp tục kéo dài, bất chấp việc Chính phủ Anh cho biết điều này sẽ không xảy ra và chỉ 24% số doanh nghiệp cho biết đã sẵn sàng cho một giai đoạn chuyển tiếp mà không có thỏa thuận.

Thủ tướng Ireland Michael Martin cũng bày tỏ tin tưởng Anh và EU có thể đạt được thỏa thuận thương mại có trật tự. Phát biểu trước Quốc hội Ireland, ông Michael Martin cho hay, EU “sẽ thực hiện một thỏa thuận, nhưng đó phải là một thỏa thuận công bằng”, và nhấn mạnh liệu Anh “có muốn thực hiện thỏa thuận này hay không mà thôi”.

Ngày 31/1/2020, Anh đã chính thức rời EU sau cuộc trưng cầu ý dân lịch sử vào năm 2016, đánh dấu chấm hết cho gần 50 năm hội nhập EU của quốc gia này. Tuy nhiên, Anh vẫn tiếp tục tuân thủ các quy định của khối cho tới khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc vào cuối năm nay. Về mặt nguyên tắc, hai bên thống nhất hoàn tất đàm phán FTA vào ngày 15/10 tới đây và thỏa thuận này có hiệu lực từ tháng 1/2021.

Tuy nhiên, cả hai bên đã trải qua nhiều cuộc đàm phán mà không đạt được tiến triển nào khi mỗi bên đều thể hiện sự cứng rắn và không nhượng bộ. Trưởng đoàn đàm phán hậu Brexit của Anh, ông David Frost khẳng định London không sợ một Brexit không có thỏa thuận và tuyên bố sẽ không thỏa hiệp với các yêu cầu vượt quá giới hạn của nước này. Trong khi đó, Trưởng đoàn đàm phán hậu Brexit của EU, ông Michel Barnier cho rằng phía Anh thiếu thiện chí, không đáp lại các nhượng bộ của phía EU. Hiện các bất đồng còn tồn tại của hai bên chủ yếu ở 4 vấn đề chủ chốt bao gồm, chia sẻ các ngư trường đánh cá, vai trò của Toà án Công lý châu Âu (ECJ), các đòi hỏi về thiết lập “sân chơi bình đẳng” và cơ chế giải quyết tranh chấp. Bên cạnh đó, hai bên còn bất đồng lớn về các tiêu chuẩn môi trường, tài chính và xã hội.

Tháng trước, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố sẽ chấp nhận rời khỏi cuộc đàm phán mà không có thỏa thuận sau khi ông công bố Dự luật Thị trường Nội địa – được cho là sẽ rũ bỏ các cam kết với EU theo thỏa thuận Brexit. Mặc dù không đưa ra bình luận về dự luật này, song ông Michael Barnier khẳng định đoàn đàm phán EU sẽ giữ thái độ bình tĩnh, tôn trọng, kiên quyết  và thực tế với phía Anh.

Sau vòng đàm phán hâu Brexit thứ 8 giữa hai bên tại London, Anh ngày 8/9 vừa qua, ông Michael Barnier cho biết, EU đang nỗ lực chuẩn bị cho một Brexit “không thỏa thuận” sau khi vòng đàm phán kết thúc với kết quả gây thất vọng trên nhiều phương diện.

Dự kiến, hai bên sẽ tiến hành vòng đàm phán chính thức tiếp theo tại Brussels, Bỉ vào tuần tới trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh EU vào ngày 1-2/10 nhằm đánh giá tiến triển và quyết định liệu EU có nên chuẩn bị cho kịch bản Brexit “cứng” hay không.

Nếu hai bên không thể đạt thỏa thuận đúng hạn chót có thể sẽ là một cú sốc kinh tế không chỉ đối với Anh mà còn tác động tiêu cực đến EU cũng như các hoạt động thương mại toàn cầu, nhất là trong bối cảnh các hoạt động kinh tế đang suy giảm mạnh trước tác động của đại dịch COVID-19, đồng thời quan hệ song phương giữa hai bên sẽ phải tuân thủ theo các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới ./.

Hoài Hà (Theo express.co.uk, financial-press.uk)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực