ASEAN và Trung Quốc là đối tác truyền thống hàng đầu của nhau

Chủ nhật, 21/11/2021 10:54
(ĐCSVN) - Trải qua 30 năm quan hệ hữu nghị, 25 năm đối tác đối thoại, 18 năm đối tác chiến lược, ASEAN và Trung Quốc đã tạo dựng được nền tảng hợp tác toàn diện, phong phú và thực chất trên mọi lĩnh vực, là đối tác truyền thống hàng đầu của nhau
leftcenterrightdel
 ASEAN và Trung Quốc là đối tác truyền thống hàng đầu của nhau (Ảnh minh họa: congthuong.vn) 

 

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Xi Jinping (Tập Cận Bình), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ cùng các nhà Lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt Kỷ niệm 30 năm quan hệ ASEAN -Trung Quốc được tổ chức vào ngày 22/11/2021 theo hình thức trực tuyến.

ASEAN và Trung Quốc thiết lập quan hệ vào năm 1991 và nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược vào tháng 10/2003. Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 15 năm Đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc (Singapore, tháng 11/2018) đã thông qua Tầm nhìn Quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN-Trung Quốc 2030.

Quan hệ ASEAN-Trung Quốc được triển khai thông qua nhiều cơ chế, bao gồm Hội nghị Cấp cao thường niên, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc (PMC+1), các Hội nghị Bộ trưởng hợp tác chuyên ngành… Hợp tác được triển khai thông qua các Kế hoạch hành động 5 năm, hiện đang triển khai trên cơ sở Kế hoạch hành động giai đoạn 2021-2025 được thông qua vào tháng 11/2020.

Để thúc đẩy hợp tác có trọng điểm, Trung Quốc đề xuất các chủ đề hợp tác cho từng năm với ASEAN như Năm Hợp tác Biển 2015, Năm Hợp tác Giáo dục 2016, Năm Hợp tác Du lịch 2017, Năm Hợp tác Sáng tạo 2018, Năm Hợp tác Giao lưu Truyền thông 2019, Năm Hợp tác Kinh tế số 2020, Năm Hợp tác về Phát triển bền vững trong năm 2021 và tiếp nối sang năm 2022.

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 24 vào ngày 26/10/2021, hai bên đã nhất trí thiết lập Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN-Trung Quốc.

Về chính trị-an ninh: Trung Quốc tham gia đầy đủ vào các cơ chế khu vực do ASEAN khởi xướng và dẫn dắt như ASEAN-Trung Quốc, ASEAN+3, Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM+), Diễn đàn Biển ASEAN Mở rộng (EAMF), cũng như các cơ chế chuyên ngành khác trong lĩnh vực chính trị-an ninh.

Trung Quốc khẳng định ủng hộ vai trò trung tâm và đoàn kết của ASEAN trong các tiến trình hợp tác khu vực, ủng hộ ASEAN phát huy vai trò lớn hơn tại các diễn đàn đa phương trên thế giới. Trung Quốc là nước Đối tác đối thoại đầu tiên của ASEAN tham gia Hiệp ước thân thiện và Hợp tác (TAC).

ASEAN và Trung Quốc ký Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) vào tháng 11/2002 tại Phnom Penh, Campuchia. Tháng 11/2012, Cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 15 thông qua Tuyên bố chung về kỷ niệm 10 năm ký Tuyên bố DOC. Hai bên thông qua Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc về triển khai đầy đủ và hiệu quả DOC vào ngày 25/7/2016.

Trung Quốc tham gia hợp tác trong cơ chế Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM+) ngay từ khi được thiết lập từ năm 2010 và hợp tác trong khuôn khổ cơ chế Bộ trưởng và Quan chức cao cấp ASEAN-Trung Quốc về tội phạm xuyên quốc gia.

Nhằm kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ASEAN-Trung Quốc (1991-2021), ASEAN và Trung Quốc phối hợp tổ chức Hội nghị Cấp cao đặc biệt kỷ niệm 30 năm quan hệ ASEAN-Trung Quốc vào ngày 22/11/2021 theo hình thức trực tuyến, Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc và một số hoạt động kỷ niệm khác.

Về kinh tế: Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN trong nhiều năm liền (2009-2021), trong khi đó vào năm 2020, ASEAN lần đầu tiên trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Trong năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa ASEAN và Trung Quốc đạt 516,9 tỷ USD. Đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc (FDI) từ Trung Quốc vào ASEAN đạt 7,6 tỷ USD trong năm 2020 (là nguồn đầu tư FDI lớn thứ 4 vào ASEAN).

Sau khi ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vào tháng 11/2020, Trung Quốc là một trong những nước Đối tác đầu tiên của ASEAN sớm hoàn tất chính thức phê chuẩn Hiệp định RCEP.

Ngoài ra, ASEAN và Trung Quốc hiện đang hợp tác chặt chẽ thông qua các cơ chế, diễn đàn do ASEAN chủ trì trong các lĩnh vực như kết nối, du lịch, công nghệ thông tin và truyền thông, khoa học và công nghệ, công nghệ thông tin, nông nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng thành phố thông minh… và triển khai các thỏa thuận hợp tác liên quan.

Về văn hóa-xã hội: ASEAN và Trung Quốc đẩy mạnh ưu tiên hợp tác trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, văn hóa, lao động, an ninh xã hội, môi trường, truyền thông, thanh niên, giảm nghèo… Đáng chú ý:

Hợp tác giáo dục ASEAN-Trung Quốc là lĩnh vực hợp tác quan trọng và là kênh hợp tác hiệu quả giúp thúc đẩy giao lưu thanh niên và kết nối nhân dân ASEAN-Trung Quốc, thông qua Tuần lễ hợp tác giáo dục ASEAN-Trung Quốc (CAECW) thường niên kể từ năm 2008 đến nay, chương trình Học bổng các nhà Lãnh đạo trẻ ASEAN-Trung Quốc (ACYLS) từ năm 2019.

Trong lĩnh vực y tế, hai bên hợp tác thông qua cơ chế Hội nghị quan chức cao cấp và Bộ trưởng Y tế ASEAN-Trung Quốc, ký MOU về Hợp tác Y tế tại cuộc họp Bộ trưởng Y tế ASEAN-Trung Quốc lần thứ 4 (6/7/2012, Phuket), các hoạt động trao đổi chuyên gia và mời ASEAN tham gia các khóa đào tạo tại Trung Quốc.

Hợp tác môi trường giữa hai bên được triển khai thông qua Chiến lược hợp tác bảo vệ môi trường ASEAN-Trung Quốc, tổ chức Tuần lễ Hợp tác Môi trường ASEAN-Trung Quốc (từ năm 2011) và lập Trung tâm hợp tác môi trường ASEAN-Trung Quốc (từ 24/5/2011) để điều phối các hoạt động triển khai các chiến lược về môi trường.

ASEAN và Trung Quốc nhất trí công bố năm 2021 là Năm hợp tác bền vững ASEAN-Trung Quốc, triển khai các hoạt động, chương trình hợp tác sẽ được triển khai trên các ưu tiên như y tế công cộng, giảm nghèo, quản lý thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, năng lượng sạch, phát triển nông thôn bền vững và đô thị bền vững… 

Về hợp tác phòng chống COVID-19 và thúc đẩy phục hồi toàn diện: Hợp tác ứng phó COVID-19 được chủ động thúc đẩy ngay từ sớm, với việc tổ chức Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc về COVID-19 (Viên-chăn, 20/2/2020). Thông qua các cơ chế do ASEAN khởi xướng và dẫn dắt, Trung Quốc tích cực thúc đẩy các sáng kiến hợp tác với ASEAN ứng phó COVID-19 và phục hồi toàn diện. Hai bên nhất trí thông qua các Tuyên bố chung ASEAN-Trung Quốc về Hợp tác hỗ trợ Khung phục hồi tổng thể ASEAN và Tuyên bố chung ASEAN về Hợp tác Phát triển bền vững và xanh trong năm 2021 nhằm đẩy mạnh hơn nữa các nỗ lực này.

Trung Quốc đề xuất tận dụng, phát huy các cơ chế hợp tác hiện có nhằm trao đổi thông tin, kinh nghiệm, hỗ trợ các nước ASEAN nghiên cứu, phát triển vắc-xin, cân nhắc tích cực nhu cầu vắc-xin COVID-19 của ASEAN, cử các chuyên gia y tế đến hỗ trợ các nước ASEAN; đã triển khai đóng góp 1 triệu USD cho Quỹ ASEAN Ứng phó COVID-19, đề xuất lập cơ chế ứng phó tình huống y tế công cộng khẩn cấp, cam kết trích 5 triệu USD từ Quỹ Hợp tác ASEAN-Trung Quốc tài trợ các chương trình, dự án hợp tác y tế công cộng với ASEAN... 

Đẩy mạnh các nỗ lực khôi phục các hoạt động kinh tế, giao thương là ưu tiên hiện nay giữa ASEAN và Trung Quốc. Hai bên đang tích cực hợp tác triển khai hiệu quả Hiệp định Mậu dịch Tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA), tạo điều kiện để doanh nghiệp hai bên trao đổi thương mại-đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khắc phục tác động của dịch bệnh… Trung Quốc cam kết sẽ hỗ trợ ASEAN triển khai Khung phục hồi tổng thể (ACRF), phát triển kinh tế số, hợp tác phát triển bền vững theo chủ đề hợp tác năm 2021, tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường biển, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai.

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 24, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định, trải qua 30 năm quan hệ hữu nghị, 25 năm đối tác đối thoại, 18 năm đối tác chiến lược, ASEAN và Trung Quốc đã tạo dựng được nền tảng hợp tác toàn diện, phong phú và thực chất trên mọi lĩnh vực, là đối tác truyền thống hàng đầu của nhau, thể hiện nỗ lực và cam kết mạnh mẽ của hai bên cùng nhau vun đắp quan hệ trên cơ sở tin cậy, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng có lợi. Trong bối cảnh hiện nay, các bên cần chung tay, trách nhiệm, tiếp tục đề cao chủ nghĩa đa phương, hợp tác bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi, góp phần bảo vệ hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới./.

Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực