Bức tranh Trung Đông vẫn có gam màu sáng

Thứ năm, 06/01/2022 16:10
(ĐCSVN) - Bức tranh địa chính trị khu vực năm 2021 là tổng hòa của sự phức tạp vốn có của nó. Tuy nhiên, trong bức tranh tối màu vẫn có gam màu sáng khi các nước có xu hướng hàn gắn ngoại giao, bổ sung “Thỏa thuận Abraham” bằng các mối quan hệ dựa trên những lợi ích chung về chính trị và kinh tế.

Diễn biến mau lẹ và phức tạp

Trung Đông đã trải qua một năm đầy biến động, phức tạp, sự chuyển biến chính trị tại khu vực nhanh chóng chưa từng thấy. Mỹ rút quân một cách vội vã, Afghanistan rơi vào tay Taliban một cách chóng vánh không ngờ. Giữa tháng 8, Taliban đã chiếm thủ đô Kabul và tuyên bố thành lập “Tiểu vương quốc Hồi giáo”.

Sau thời gian ngắn cầm quyền, Taliban trở lại thực thi quan điểm hết sức cứng rắn và bảo thủ. Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) thực hiện nhiều vụ đánh bom liều chết, làm hàng chục người chết và hàng trăm người thương vong. Hàng nghìn tù nhân liên hệ tới Tổ chức Nhà nước Hồi giáo Khorasan (ISIS-K) được phóng thích, khiến nguy cơ khủng bố gia tăng.

Lực lượng Taliban ở Afghanistan chưa chứng minh được cho thế giới thấy họ đã thay đổi trong các vấn đề tôn trọng các quyền cơ bản của người dân, bạo lực, khủng bố và các quan điểm cực đoan. Với việc Taliban lên cầm quyền, lực lượng này đã trở lại vị thế thống trị và đảm bảo an ninh cho đất nước, nhưng không vì thế mà quốc gia này trở nên an toàn hơn. Liên quân nước ngoài do Mỹ dẫn đầu rút đi đã để lại những lỗ hổng an ninh lớn, khó bù đắp.

Bức tranh Trung Đông vẫn có gam màu sáng (Ảnh minh họa) 

Cuộc xung đột Palestine - Israel bùng phát trở lại và càng thêm trầm trọng khi Israel xây các khu tái định cư ở khu vực tranh chấp. Hồi tháng 5/2021, Dải Gaza đã “chìm trong biển lửa”. Lực lượng vũ trang Hamas và Quân đội Israel trả đũa lẫn nhau bằng hàng ngàn quả rocket và hàng trăm cuộc không kích, khiến hàng trăm người thiệt mạng, hàng ngàn người bị thương và hàng chục nghìn người phải sơ tán. Mặc dù sau đó Israel và Hamas đã đạt được lệnh ngừng bắn, nhưng xung đột dường như vẫn trở lại con đường cũ, khi đụng độ căng thẳng liên tục gia tăng tại Bờ Tây cũng như Dải Gaza.

Tại Yemen, các cuộc giao tranh dữ dội giữa Liên quân Arab do Saudi Arabia đứng đầu và lực lượng Houthi vẫn diễn ra. Số người thiệt mạng trong cuộc nội chiến được cảnh báo sẽ lên tới khoảng 377.000 người vào cuối năm. Ở Syria, hàng ngàn người dân sống trong cảnh thiếu thốn và không có nơi trú ẩn an toàn trong bối cảnh xung đột leo thang ở khắp các vùng Tây Bắc, Đông Bắc và miền Nam.

Các cuộc bầu cử toàn quốc ở Libya đã được dự kiến, song cuộc xung đột chưa thể kết thúc hoàn toàn ở quốc gia này. Tại Jordan, khủng hoảng kinh tế, thất nghiệp và bất đồng về cải cách cũng đang là một thách thức đối với chính quyền. Liban tiếp tục chìm sâu trong khủng hoảng kinh tế - tài chính.

Việc giải quyết khủng hoảng hạt nhân Iran tiếp tục “giậm chân tại chỗ”. Vòng đàm phán thứ tám tuy có “tiến bộ đáng hài lòng” nhưng không nhiều kỳ vọng về những bước đột phá, trong khi Iran đã có những bước tiến chưa từng có trong quá trình làm giàu urani. Mỹ cảnh báo rằng Wahsington sẽ không để Tehran kéo dài đối thoại trong khi tiếp tục tham vọng hạt nhân, Mỹ sẽ có “các lựa chọn khác” nếu ngoại giao thất bại.

Mới đây, thông tin về việc Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã vạch ra các kịch bản tấn công các mục tiêu quân sự của Iran làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột vũ trang quy mô lớn kéo cả khu vực vào vòng tham chiến. Để phục vụ kế hoạch này, Israel được cho là đã mua nhiều vũ khí tiên tiến, thực hiện các cuộc tập trận không quân và lựa chọn các mục tiêu tấn công trong những tháng gần đây.

Tại khu vực, mâu thuẫn dai dẳng giữa hai giáo phái lớn của Hồi giáo là dòng Sunni và dòng Shiite, sự cạnh tranh vị thế của hai quốc gia dẫn đầu là Saudi Arabia và Iran, kéo theo các cuộc chiến ủy nhiệm chưa thể đi đến hồi kết. Xu hướng giáo hóa nhà nước, suy giảm lòng tin đối với các thiết chế; sự tranh giành khai thác nguồn tài nguyên dầu mỏ của các cường quốc, khiến nguy cơ bất ổn có thể còn kéo dài.

Vẫn có sự chuyển mình tích cực

Tuy vậy, Trung Đông năm qua cũng chứng kiến một sự chuyển mình tích cực khi các nước có xu hướng hàn gắn ngoại giao để thúc đẩy kinh tế. Đối ngoại có phần khởi sắc, giúp các quốc gia có thể tiến tới gỡ bỏ những bất đồng, giải quyết các vấn đề nội bộ và giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đa dạng hơn.

Sau khi thành lập chính phủ mới, Israel bắt đầu tăng cường các hoạt động đối ngoại tích cực. Nổi bật là các chuyến công du của Thủ tướng Naftali Bennett tới Mỹ, Nga, Ai Cập và UAE, Ngoại trưởng Yair Lapid thăm Maroc, Bahrain. Israel cũng tăng cường các hoạt động đối ngoại tại Liên Hợp Quốc, hâm nóng lại quan hệ với Liên minh châu Âu (EU), Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ… Hàng loạt thỏa thuận hợp tác mang tính “lịch sử” đã được ký kết. Đặc biệt, lần đầu tiên Mỹ, Israel, UAE và Ấn Độ đã quyết định thành lập một diễn đàn chung để thúc đẩy hợp tác kinh tế.

UAE cũng có sự điều chỉnh lớn trong chính sách đối ngoại, hướng tới phục vụ các mục tiêu kinh tế và hạn chế tham gia các vấn đề chính trị khu vực. Nổi bật là các cuộc tiếp xúc cấp cao giữa UAE với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Saudi Arabia và Iran - hai đại diện tiêu biểu của nhiều vấn đề tranh chấp trong khu vực đã có 4 cuộc tiếp xúc thông qua trung gian Iraq.

Jordan quyết định nối lại quan hệ ngoại giao với Syria, đồng thời tăng cường hợp tác năng lượng với Ai Cập. Trong khi đó, Ai Cập hướng tới Thổ Nhĩ Kỳ để tiếp cận Lybia và khu vực Đông Địa Trung Hải. Thổ Nhĩ Kỳ cũng tuyên bố sẽ “hâm nóng” quan hệ với Israel và Ai Cập.

Diễn đàn đa phương khu vực cũng sôi động không kém với việc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) chào đón Qatar trở lại sau nhiều năm tẩy chay. GCC đã ký Hiệp định chống phòng thủ lẫn nhau đúng dịp kỷ niệm 40 thành lập khối. Theo đó, các bên nhất trí bất cứ sự đe dọa nào đối với một thành viên đều là sự đe dọa đối với cả nhóm.

Các chuyên gia cho rằng, việc Mỹ giảm dần hiện diện đã thúc đẩy các nước Trung Đông tìm đến nhau, thay vì hướng ra bên ngoài để tìm kiếm giải pháp cho khủng hoảng chính trị và kinh tế. Các nước trong các liên minh vì mục đích chính trị, chẳng hạn liên minh tẩy chay Israel để ủng hộ Palestine, liên minh giữa các thành viên GCC trừng phạt Qatar, đã dần được nhận thấy “mất nhiều hơn được”.

Hậu quả của COVID-19 cũng khiến các chính phủ đều chịu sức ép tập trung cải thiện nền kinh tế sau khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng. Một số chính phủ cũng có tham vọng tầm nhìn riêng về kinh tế hay tìm cách mở rộng tầm ảnh hưởng trong khu vực. Cùng với đó là sự bổ sung “Thỏa thuận Abraham” dựa trên những bản sắc chung Arab và Hồi giáo bằng các mối quan hệ dựa trên những lợi ích chung về chính trị và kinh tế.

Như vậy, bức tranh địa chính trị Trung Đông nhìn chung vẫn là tổng hòa của sự phức tạp vốn có của nó, những mâu thuẫn và xung đột cơ bản tại đây vẫn chưa được giải quyết. Tuy nhiên, những bước chuyển biến tích cực về đối ngoại, hợp tác kinh tế có thể sẽ tạo đà cho chuyển động chính trị theo hướng tích cực trong thời gian tới./.

Nguyễn Nhâm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực