Châu Âu thừa nhận chịu thiệt hại nhiều hơn Mỹ trong xung đột Ukraine

Thứ hai, 05/12/2022 16:55
(ĐCSVN) – Trong một cuộc phỏng vấn với báo Corriere della Sera của Italy mới đây, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết, tác động của cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine đối với Liên minh châu Âu (EU) nghiêm trọng hơn so với Mỹ.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết, tác động của cuộc xung đột Ukraine đối với EU nghiêm trọng hơn so với Mỹ. (Ảnh: aa.com.tr)

Theo ông Michel, quan hệ an ninh giữa châu Âu và Mỹ đã được củng cố kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra. "Đã có sự phối hợp chưa từng có tiền lệ trong cuộc chiến ở Ukraine", ông Michel nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông cho rằng, đôi bên chưa có sự hợp tác kinh tế. Người đứng đầu Hội đồng châu Âu chỉ ra rằng "tác động của cuộc xung đột đối với Mỹ không giống như đối với châu Âu".

Theo ông Michel, mọi thứ dễ dàng hơn cho Mỹ vì nước này là nhà xuất khẩu tài nguyên năng lượng và được hưởng lợi từ giá dầu thô và khí đốt tăng vọt, trong khi EU "phải trả một giá đắt".

"Châu Âu đang đối mặt với rủi ro suy thoái kinh tế. Các ngành công nghiệp châu Âu phải trả nhiều tiền hơn cho năng lượng và đối mặt với sự cạnh tranh từ các ngành công nghiệp Mỹ", ông Michel giải thích.

Khi được hỏi về Đạo luật Giảm lạm phát gây tranh cãi của Mỹ, ông Mitchel nói rằng: "Mỹ luôn ưu tiên lợi ích kinh tế của mình".

Đạo luật Giảm lạm phát với tổng ngân sách trị giá 430 tỷ USD, bao gồm các khoản trợ cấp và giảm thuế khổng lồ dành cho các doanh nghiệp đầu tư trên đất Mỹ, nhất là ngành công nghiệp ô tô điện và công nghệ xanh. Tuy nhiên, EU lo ngại rằng Đạo luật này có thể thu hút các doanh nghiệp châu Âu đến Mỹ do giá năng lượng ở đó thấp hơn nhiều lần, đồng thời các công ty EU sẽ không thể cạnh tranh với công ty Mỹ trong tương lai.

Ông Mitchel nhận định: "Có đi có lại và có một sân chơi bình đẳng là điều cần thiết để cơ chế toàn cầu hóa hoạt động". Ông đồng thời bày tỏ hy vọng EU và Mỹ có thể thỏa luận về hợp tác chung trong thời gian tới.

Giá khí đốt tại châu Âu bắt đầu tăng mạnh kể từ khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra trong bối cảnh Moskva siết chặt nguồn cung khí đốt nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt từ phương Tây, từ đó dẫn đến việc châu Âu phải tìm kiếm nguồn cung khí đốt từ các nước khác và phải trả giá cao hơn.

Đạo luật Giảm lạm phát được coi là một trong những nguyên nhân chính gây căng thẳng giữa các nước châu Âu và Mỹ kể từ cuộc khủng hoảng Ukraine.

Tổng thống Joe Biden khẳng định, Đạo luật không nhằm gây bất lợi cho các đồng minh của Mỹ. Thay vào đó, Đạo luật hướng đến củng cố các chuỗi cung ứng với các đối tác như châu Âu để phòng vệ trước những lỗ hổng kinh tế xuất hiện trong đại dịch COVID-19 và xung đột ở Ukraine.

"Bản chất của Đạo luật là chúng tôi muốn đảm bảo Mỹ, và tôi hy vọng cả châu Âu, có thể tiếp tục không phải phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của ai khác", Tổng thống Mỹ nói, đồng thời cho rằng Mỹ sẽ có những điều chỉnh đối với Đạo luật để không làm tổn hại đến các đồng minh châu Âu./.

H.Hà (Theo TASS, Reuters)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực