Chính phủ Đức chịu áp lực về tăng chi tiêu từ Eurozone

Thứ bảy, 14/09/2019 15:34
(ĐCSVN) – Chính phủ Đức đang đối mặt với áp lực thúc đẩy chi tiêu công và phục hồi nền kinh tế sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cảnh báo Đức đang ngấp nghé bờ vực suy thoái.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Nền kinh tế Đức đang tăng trưởng chậm lại do ảnh hưởng bởi cuộc chiến thuế quan Mỹ - Trung và gia tăng nỗi lo về sự xáo trộn trong tiến trình Brexit đang làm tổn hại đến cường quốc về xuất khẩu này.

Để ngăn chặn nguy cơ suy thoái nền kinh tế, ECB hôm 12/9 đã nhất trí cắt giảm tỷ lệ lãi suất tiền gửi, đồng thời tái khởi động chương trình mua trái phiếu với quy mô 20 tỷ EUR/tháng kể từ tháng 11/2019 nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Bên cạnh đó, chủ tịch ECB Mario Draghi cũng đã thúc giục chính phủ các quốc gia hành động nhiều hơn nữa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

“Thông điệp của tôi rất rõ ràng, các quốc gia còn đủ khả năng tài chính nên hành động hiệu quả và đúng thời điểm để chống lại sự suy thoái kinh tế”, Chủ tịch Eurozone Mario Centeno, người đồng thời là Bộ trưởng Tài chính Bồ Đào Nha trả lời câu hỏi của báo chí.

“Việc này cần thiết phải làm, hành động không chỉ vì sự đoàn kết với các thành viên khác mà trước hết là vì lợi ích của chính quốc gia đó”, ông nhấn mạnh.

Ông Mario Centeno phát biểu chỉ vài ngày sau khi chính phủ Đức tiếp tục công bố chủ trương ngân sách thâm hụt bằng không, bất chấp lời kêu gọi tăng chi tiêu từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), các chuyên gia kinh tế hàng đầu và Ủy ban châu Âu (EC).

Đất nước này đang đứng trước nguy cơ suy thoái và thương chiến leo thang giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới đang tác động tiêu cực tới niềm tin người tiêu dùng. ECB đã cam kết tăng cường hỗ trợ nền kinh tế Eurozone và cắt giảm lãi suất 0,1% điểm cơ bản, về ngưỡng âm 0,5%. ECB tuyên bố sẽ giữ lãi suất ở mức này hoặc giảm thêm cho tới khi triển vọng lạm phát cải thiện.

Lãi suất âm khuyến khích các ngân hàng cho vay thay vì giữ vốn, trong khi việc mua trái phiếu sẽ kéo lợi suất giảm xuống, qua đó giảm lãi suất đi vay đối với chính phủ và doanh nghiệp.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết: “Các quốc gia có ngân sách vững chắc phải đầu tư nhiều hơn nữa… đồng nghĩa với việc không nên tích trữ tiền từ năm này sang năm khác sẽ khiến tăng trưởng kinh tế yếu đi.”

Đó cũng chính là thông điệp được IMF đưa ra ngày 13/9, kêu gọi Đức tăng cường chi tiêu để thúc đẩy tăng trưởng, giảm thặng dư ngân sách và thương mại.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz đã bác bỏ những lời chỉ trích và phủ nhận việc đất nước của ông chưa hành động đủ để kích thích nền kinh tế./.

Hoài Hà (Theo AFP, euractiv.com)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực