Chuyến công du đầu tiên của ông J.Biden tới châu Âu

Thứ tư, 09/06/2021 14:52
(ĐCSVN) – Ngày mai (10/6), Tổng thống Mỹ J.Biden sẽ bắt đầu sang thăm châu Âu, đồng thời cũng là chuyến công du đầu tiên của ông kể từ khi nhậm chức. Chuyến đi này được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội hàn gắn mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương sau 4 năm đầy trắc trở dưới thời chính quyền cựu Tổng thống D.Trump.

Lịch trình bận rộn của ông J.Biden tại châu Âu…

leftcenterrightdel
Ngày mai (10/6), ông J.Biden sẽ lên đường sang thăm châu Âu. (Ảnh: AP) 

Báo chí nước ngoài đưa tin, trong khuôn khổ chuyến đi, người đứng đầu Nhà Trắng sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo quân sự và chính trị của châu Âu. Ngoài ra, ông J.Biden cũng sẽ có cuộc gặp gỡ đầu tiên với các nhà lãnh đạo nhóm G7 tại Cornwall (Anh) để cùng vạch ra phương hướng đẩy lùi đại dịch, hỗ trợ các nước đang phát triển cùng giải quyết một số vấn đề trong mối quan hệ với Trung Quốc.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan tiết lộ, nhân dịp này, ông J.Biden và các nhà lãnh đạo G7 sẽ công bố sáng kiến hỗ trợ tài chính các lĩnh vực kỹ thuật, vật lý cơ sở hạ y tế cho các nước đang phát triển. Mỹ coi các sáng kiến này là giải pháp tiêu chuẩn cao, thân thiện với khí hậu, minh bạch và dựa trên quy tắc, thay thế cho đề xuất mà Trung Quốc đã đưa ra.

Phát biểu trước các phóng viên, ông Sullivan nêu rõ: “Về cơ bản, chuyến đi sẽ phát huy các yếu tố nền tảng trong chính sách đối ngoại của Tổng thống J.Biden”.

Các cuộc gặp gỡ diễn ra theo phương châm - “Nước Mỹ quay trở lại” sẽ là cơ hội để Tổng thống J.Biden thuyết phục các đồng minh, từng thất vọng bởi những chính sách dưới thời chính quyền cựu Tổng thống D.Trump và đang muốn thấy những hành động rõ ràng, bền vững từ phía Mỹ.

Dự kiến, ông J.Biden sẽ gặp các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Brussels (Bỉ) nhằm tìm kiếm giải pháp hàn gắn mối quan hệ đôi bên đã bị rạn nứt dưới thời người tiền nhiệm D.Trump. Các chủ đề được Tổng thống Mỹ và các nhà lãnh đạo NATO thảo luận sẽ xoay quanh những thách thức chiến lược chung, từ tình trạng biến đổi khí hậu cho đến tiến trình rút quân khỏi Afghanistan.

Một lịch trình khác thu hút sự chú ý của dư luận mà ông J.Biden sẽ thực hiện trong khuôn khổ chuyến công du châu Âu lần này là lần đầu tiên tiến hành gặp gỡ thượng đỉnh trực tiếp với Tổng thống Nga V.Putin. Sự kiện được trông đợi này dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 16/6 tới tại Geneva (Thụy Sĩ). Nhân cuộc gặp gỡ này, các nhà lãnh đạo Nga và Mỹ sẽ thảo luận về triển vọng và giải pháp cải thiện mối quan hệ song phương, một số vấn đề ổn định chiến lược cùng các vấn đề thời sự khác như hợp tác chống đại dịch và giải quyết các cuộc xung đột cấp độ khu vực.

Theo phái đoàn ngoại giao Thụy Sĩ tại Liên hợp quốc, tính đến thời điểm hiện tại đã có hơn 500 nhà báo đăng ký tham dự đưa tin về cuộc gặp J.Biden – Putin và con số này sẽ tiếp tục tăng do thời hạn đăng ký chưa kết thúc. Điều đó đã phản ánh “sức nóng” của sự kiện này.

…và những kỳ vọng

leftcenterrightdel
Hiện đã có hơn 500 phóng viên báo chí đăng ký tham dự đưa tin về cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông J.Biden và ông Putin. (Ảnh minh họa: TASS) 

Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel cho rằng, chuyến thăm châu Âu của ông J.Biden dự kiến diễn ra vào ngày mai sẽ phát đi tín hiệu về sự “hồi sinh” của chủ nghĩa đa phương, đồng thời đặt nền móng cho quan hệ hợp tác xuyên Đại Tây Dương để giải quyết các vấn đề đang tồn tại, gồm cả thách thức về biến đổi khí hậu. Theo ông Michel thì đây là một sự dịch chuyển lớn so với lập trường của cựu Tổng thống D.Trump – người đã rút Mỹ khỏi nhiều thể chế đa phương và thậm chí còn có lúc đe dọa sẽ rời NATO.

Chủ tịch EC đánh giá, ý tưởng về sự quay trở lại của chủ nghĩa đa phương không chỉ đơn thuần là một “khẩu hiệu”, mà xa hơn, đây còn là sự thừa nhận về vai trò của phương thức tiếp cận toàn cầu trong giải quyết các vấn đề, từ chuỗi cung ứng vaccine COVID-19 hay mức đánh thuế doanh nghiệp công bằng hơn trong thời đại kỹ thuật số.

Cũng theo ông Michel thì cuộc họp các nước G7 diễn ra trong 3 ngày tại Cornall (Anh) sẽ đóng vai trò bước ngoặt. Đây sẽ là cơ hội để các nước thể hiện rõ cam kết chính trị nghiêm túc đằng sau những lời hứa hẹn về tương lai xây dựng lại nền kinh tế sau đại dịch.

Về mối quan hệ với Mosow, Chủ tịch EC cho biết trong cuộc nói chuyện kéo dài 90 phút với Tổng thống Putin vào ngày 7/6, ông đã nêu điều kiện rõ ràng rằng, Nga cần thay đổi lối hành xử nếu muốn cải thiện quan hệ với khối 27 nước Liên minh châu Âu (EU).

Ông Michel chỉ ra rằng, hiện Nga và EU đang bất đồng về nhiều vấn đề, từ nhân quyền, sự can thiệp của Nga vào tình hình Ukraine cho tới số phận của nhà phê bình điện Kremlin Alexei Navalny. Những khác biệt này đã đẩy mối quan hệ đôi bên xuống mức thấp.

Còn cựu Đại sứ Mỹ tại Nga Michael McFaul lại dự báo ông J.Biden sẽ liên hệ chính sách đối nội cùng chính sách trong quan hệ Nga-Mỹ trong chương trình nghị sự bảo vệ nước Mỹ trước những thông tin mà ông cho là sai lệch và các vụ tấn công mạng. Tuy nhiên, ông McFaul cũng cảnh báo rằng, Moscow có thể sẽ trở thành một thách thức và khiến cách tiếp cận về đối nội, đối ngoại của ông J.Biden bị đẩy tới “điểm giới hạn”.

Ngày 7/6, tờ The Washington Post công bố kết quả một cuộc thăm dò dư luận mới nhất tại châu Âu cho thấy thái độ ủng hộ đáng kể của công luận châu Âu đối với phần lớn chương trình nghị sự đã nêu của Tổng thống J.Biden. Tuy nhiên, tất cả mới chỉ là dự báo. Những kỳ vọng cửa dư luận sẽ được đáp ứng ở mức độ nào và chương trình nghị sự của ông J.Biden sẽ được thực hiện cụ thể ra sao…tất cả sẽ hé lộ khi ông đặt chân tới châu Âu./.

Thu Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực