Đại dịch COVID-19: Châu Âu tăng tốc sản xuất vaccine

Thứ hai, 29/03/2021 09:12
(ĐCSVN) – Tính đến sáng 29/3, thế giới ghi nhận 127.762.641 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 2.795.872 ca tử vong. Với hơn 39 triệu ca nhiễm, châu Âu đang là khu vực chịu tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, những nỗ lực tăng tốc sản xuất vaccine đã mang lại “tia hy vọng” cho lục địa già.

 

leftcenterrightdel
Vaccine Covid-19 của BioNTech và Pfizer sản xuất tại một nhà máy ở Marburg (Đức). Ảnh: Reuters 

Số liệu thống kê cụ thể trên worldometers.info vào sáng 29/3 cho thấy, hiện toàn thế giới có 102.946.821 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 97% tổng số ca mắc). Trong số 22.019.948 ca bệnh đang điều trị thì có 21.926.333 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,6%) và 93.615 ca (chiếm 0,4%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện đang tác động đến 219 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mỹ, Ấn Độ, Brazil là 3 “vùng dịch” lớn nhất trên thế giới. 

Xét theo quy mô toàn khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 39.032.893 trường hợp, trong đó có 902.347 ca tử vong và 27.541.255 ca được điều trị khỏi.

Hiện châu Âu đang phải đối mặt với làn sóng COVID-19 thứ 3, tuy nhiên, việc tăng tốc sản xuất vaccine đã mang lại "ánh sáng cuối đường hầm" cho lục địa già trong nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh. Ngày 28/3, Ủy viên châu Âu về thị trường nội khối Thierry Breton, người chịu trách nhiệm giám sát việc sản xuất vaccine, cho biết liên minh hiện có 52 nhà máy hoạt động 24/7 để sản xuất vaccine ngừa COVID-19. Các nhà máy này có khả năng sản xuất và cung cấp cho các nước châu Âu 360 triệu liều dự kiến vào cuối quý II năm nay và 420 triệu liều cần thiết cho khả năng đạt miễn dịch cộng đồng vào giữa tháng 7 tới. Theo Ủy viên Thierry Breton, châu Âu phải mất vài tuần nữa mới có thể hạn chế được sự lây lan của virus SARS-CoV-2, đồng thời phải có một số lượng đáng kể người dân được tiêm chủng. Điều này đồng nghĩa với việc cả châu Âu phải tăng tốc chiến dịch tiêm chủng.

leftcenterrightdel
Nhiều nước châu Âu đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng để đẩy lùi làn sóng thứ 3 của đại dịch COVID-19. (Ảnh: EC)

Hiện Bắc Mỹ có 35.634.340 ca nhiễm bệnh, trong đó có 815.136 ca tử vong vì COVID-19. Sau nhiều tháng chật vật chiến đấu với dịch bệnh, Mỹ vẫn là nước bị tác động nặng nề nhất trên thế giới, với tổng số 30.962.803 ca nhiễm và 562.526 ca tử vong vì COVID-19. Đứng thứ 2 là Mexico, với tổng cộng 2.224.767 ca nhiễm và 201.429 ca tử vong ghi nhận được tính đến thời điểm hiện tại. Tiếp đến là Canada với 965.404 ca nhiễm và 22.880 ca tử vong vì COVID-19.

Tính đến sáng 29/3, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Á là 27.995.427 trường hợp, với 424.222 ca tử vong và 25.764.948 ca điều trị khỏi. Trong tổng số 1.806.257 ca bệnh đang điều trị thì có 25.087 ca trong tình trạng nghiêm trọng. Ấn Độ tiếp tục là nước  “dẫn đầu” châu Á về số ca nhiễm, với 12.039.210 ca; tiếp theo sau là Thổ Nhĩ Kỳ với 3.208.173 ca.

Hiện Nam Mỹ ghi nhận 20.824.889 ca nhiễm và 540.855 ca tử vong vì COVID-19. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực, tiếp theo sau là Colombia, Argentina, Peru… với lần lượt: 12.534.688; 2.382.730; 2.308.597; 1.529.882… ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại. Với 977.243 ca, Chile đang trên đà gia nhập các nước “có triệu ca nhiễm”.

Tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi tính đến sáng 29/3 là 4.218.223 trường hợp, trong đó có 112.170 ca tử vong và 3.785.928 ca bình phục. Trong tổng số 320.125 ca đang điều trị thì có 2.726 ca trong tình trạng nguy kịch.

Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực, với 1.545.431 ca nhiễm COVID-19 và 52.663 ca tử vong vì dịch bệnh.

Trong 24 giờ qua, châu Đại Dương có thêm 29 ca nhiễm COVID-19, trong đó 18 ca ở Australia, 11 ca ở New Zealand. Hiện khu vực này ghi nhận 56.148 ca nhiễm và 1.127 ca tử vong vì COVID-19. Australia vẫn là nước có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 29.273 ca, tiếp theo sau là French Polynesia với 18.607 ca.

Chính quyền bang Queensland của Australia ngày 29/3 thông báo phong tỏa thành phố Brisbane và một số vùng lân cận trong vòng 3 ngày để ngăn chặn một ổ dịch COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng mới xuất hiện trong vài ngày qua tại đây. Theo lệnh phong tỏa mới, thành phố Brisbane và một số khu vực xung quanh bao gồm Logan, Moreton Bay, Ipswich và Redlands, sẽ ngừng các hoạt động không cần thiết kể từ 5h00 chiều 29/3 và mọi người dân ở bang Queensland đều phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà. Các trường học cũng sẽ đóng cửa từ ngày 30/3 và người dân ở các khu vực bị phong tỏa sẽ chỉ có thể ra khỏi nhà cho các nhu cầu thiết yếu như mua sắm, tập thể dục, đi làm và chăm sóc y tế./.

T.Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực