|
Giám đốc IATA, ông Willie Walsh. (Ảnh: Reuters) |
Trong một thông báo, IATA nêu rõ, số lượt hành khách dự kiến sẽ đạt 5,2 tỷ vào năm 2025, tăng 6,7% so với năm 2024. Tổng doanh thu của ngành hàng không được dự báo ở mức 1.007 tỷ USD, nhờ giá dầu và nhiên liệu giảm. Doanh thu năm tới tăng 4,4% so với năm nay và đây là lần đầu tiên đạt mốc 1.000 tỷ USD.
Bất chấp những khó khăn trong chuỗi cung ứng đang diễn ra, vốn đã trở nên trầm trọng hơn do sự chậm trễ sản xuất của 2 nhà sản xuất máy bay là Boeing và Airbus, ngành công nghiệp này dự kiến sẽ chứng kiến số lượng hành khách và doanh thu kỷ lục.
Theo đó, IATA kỳ vọng ngành hàng không sẽ tạo ra lợi nhuận ròng 36,6 tỷ USD vào năm 2025, tăng so với mức lợi nhuận ròng dự kiến là 31,5 tỷ USD trong năm 2024. Lợi nhuận ròng tăng bất chấp những thách thức dai dẳng về chuỗi cung ứng, thiếu cơ sở hạ tầng, quy định khó khăn và gánh nặng thuế gia tăng.
Tổng Giám đốc IATA Willie Walsh bày tỏ thất vọng về các nhà cung cấp động cơ và máy bay không đáp ứng cam kết của họ. "Chúng tôi sẽ phải tăng áp lực để buộc các nhà cung cấp chủ chốt phải hành động hiệu quả hơn”, ông Willie Walsh nhấn mạnh.
IATA cho biết, 1.254 máy bay đã được bàn giao cho các hãng hàng không trong năm 2024, thấp hơn 30% so với dự kiến, trong khi 17.000 máy bay tồn kho chưa được bàn giao. Sự chậm trễ này buộc các hãng hàng không phải khai thác các máy bay cũ và kém hiệu quả hơn, đồng thời tác động trực tiếp đến nỗ lực hạn chế phát thải carbon.
“Vấn đề chuỗi cung ứng đang gây khó khăn cho các hãng hàng không khi cùng lúc giải quyết bài toán về doanh thu, chi phí và môi trường”, ông Willie Walsh nhận mạnh trong một thông báo được đưa ra.
Hoạt động chế tạo máy bay của hãng Boeing (Mỹ) bị ảnh hưởng trong năm nay sau cuộc đình công kéo dài gần 2 tháng của công nhân. Hồi tháng 6, đối thủ Airbus hạ mục tiêu chế tạo năm nay từ 800 xuống 770 máy bay, sau nhiều vấn đề với các nhà cung cấp. IATA cho biết, 2% số máy bay trên thế giới, khoảng 700 chiếc, hiện nằm “đắp chiếu” để kiểm tra động cơ.
Các hãng hàng không cũng chịu nhiều ảnh hưởng do chi phí nhiên liệu tăng kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào năm 2022. Tuy nhiên, IATA dự báo yếu tố này sẽ giảm tác động vào năm tới, với chi phí nhiên liệu máy bay trung bình là 87 USD/thùng, giảm so với mức 99 USD năm 2024. Giá dầu cũng như chi phí nhiên liệu giảm là động lực then chốt nâng cao triển vọng của ngành hàng không năm 2025.
Các chuyên gia cho biết, ngành hàng không đã thua lỗ 140 tỷ USD vào năm 2020 do đại dịch COVID-19, nhưng đã phục hồi nhờ nhu cầu đi lại mạnh mẽ.
Tổng giám đốc IATA thừa nhận những thách thức mà ngành này phải đối mặt, bao gồm các vấn đề chuỗi cung ứng và gánh nặng thuế ngày càng tăng. Tuy nhiên, ông lạc quan về nhiệm kỳ thứ 2 của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và cho biết, các hành động của ông Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên đã thúc đẩy tăng trưởng của ngành này./.