EU có thể cấm vận hoàn toàn dầu mỏ của Nga trong 9 tháng tới

Thứ sáu, 06/05/2022 18:42
(ĐCSVN) – Ngày 6/5, báo Il Messaggero của Italia dẫn tin từ Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) Paolo Gentiloni cho biết EU sẽ cấm vận hoàn toàn dầu mỏ của Nga trong vòng 9 tháng tới.
Ảnh minh họa.: Yegor Aleyev/TASS 

“Đề xuất của chúng tôi là cấm vận dầu mỏ, tùy thuộc vào các loại sản phẩm từ dầu mỏ trong vòng 9 tháng. Thời hạn ngắn hơn sẽ tác động tiêu cực đến giá dầu toàn cầu trong khi điều này mâu thuẫn với mục tiêu của chúng tôi” – ông Gentiloni nói.

Theo đánh giá của ông Gentiloni thì việc cấm vận hoàn toàn dầu mỏ của Nga sẽ ảnh hưởng tới kinh tế châu Âu. Tuy nhiên, nền kinh tế Nga sẽ chịu tác động nặng nề hơn.

Quan chức EU thừa nhận, việc quyết định không can dự trực tiếp vào xung đột quân sự trong khi duy trì hỗ trợ cho Ukraine thông qua việc áp đặt các lệnh trừng phạt “luôn đi kèm theo cái giá phải trả về mặt kinh tế”.

Tuyên bố mới nhất được coi là một động thái cho thấy EU đang muốn đẩy nhanh các biện pháp gây sức ép lên Moscow. Cách đây ít hôm ông Gentoloni cho biết, EU sẽ cắt giảm 2/3 lượng khí dầu mỏ nhập khẩu từ Nga vào cuối năm nay và hướng tới việc loại bỏ nguồn cung này vào năm 2027.

Trước đó, ngày 3/5, EU đã đưa ra một bản dự thảo kế hoạch cho các nước thành viên về gói trừng phạt mới, cụ thể là cấm vận nhập khẩu dầu mỏ từ Nga nhằm gia tăng sức ép lên Moscow liên quan tới chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Để có hiệu lực, kế hoạch cần nhận được sự nhất trí của toàn bộ 27 nước thành viên. Tuy nhiên, các nước thành viên EU đang chia rẽ trước ý tưởng này. Trong khi một số nước tỏ ý không hưởng ứng và đang tìm kiếm các giải pháp miễn trừ trong đề xuất cấm vận dầu mỏ Nga thì một số nước khác lại cho rằng việc áp đặt lệnh trừng phạt vào thời điểm này đã là quá muộn.

Được biết, trong ngày 6/5, các diện ngoại giao của EU đã nhóm họp tại Brussels (Bỉ) để thảo luận về gói trừng phạt Nga. Trước tính chất phức tạp của vấn đề, cuộc đàm phán có thể sẽ kéo dài đến ngày mai (7/5).

Hiện việc đi đến sự đồng thuận chung trong khối liên quan tới vấn đề cấm vận dầu mỏ của Nga vẫn là điều gai góc nhất và phụ thuộc phần lớn vào hai nước là Hungary và Slovakia. Mới đây, hai nước thành viên EU đã từng tuyên bố sẽ không ủng hộ các biện pháp trừng phạt năng lượng chống lại Nga vì nền kinh tế của họ quá phụ thuộc vào nguồn cung cấp từ Nga trong khi chưa thể đưa ra giải pháp thay thế./.

T.Lan (Theo TASS, CNBC, politico)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực