EU từ chối nhượng bộ của Anh về vấn đề đánh bắt cá

Thứ tư, 23/12/2020 15:24
(ĐCSVN) - Ngày 22/12, Liên minh châu Âu (EU) đã từ chối những nhượng bộ mới nhất mà Thủ tướng Anh Boris Johnson đưa ra về quyền đánh bắt cá, trong bối cảnh chỉ còn một tuần nữa Anh sẽ chính thức rời Liên minh thuế quan và thị trường đơn nhất này.
leftcenterrightdel

EU từ chối nhượng bộ của Anh về vấn đề đánh bắt cá. (Ảnh: bloombergquint.com)

Phát biểu tại một cuộc họp báo, một quan chức ngoại giao EU cho biết, không có đột phá nào trong cuộc đàm phán cho thỏa thuận hậu Brexit giữa Anh và EU vào ngày Thứ Ba. Hiện cả hai bên vẫn còn tồn tại nhiều bất đồng xung quanh vấn đề đánh bắt cá hay sân chơi thương mại công bằng.

Trước đó, ngày 21/12, Thủ tướng Boris Johnson đã 2 lần điện đàm với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nhằm cố gắng phá vỡ các bế tắc còn tồn tại trong các cuộc đàm phán. Theo đó, Anh đưa ra đề xuất sẽ cho phép các tàu của EU giữ lại 2/3 sản lượng đánh bắt được, tức là cắt giảm khoảng 30% sản lượng đánh bắt tại các vùng biển Anh. Đề xuất mới đánh dấu sự nhượng bộ từ phía Anh bởi hồi tuần trước nước này kiên quyết yêu cầu EU phải chấp nhận mức cắt giảm 60% sản lượng.

Tuy nhiên, phía EU đã từ chối nhượng bộ này với lý do khối này không chấp nhận một mức cắt giảm nào lớn hơn 25%. Trước đó, EU đề xuất mức cắt giảm từ 15 -18% và có thể chấp nhận mức cắt giảm tối đa là 25%. Nếu hai bên không thể đạt được thỏa thuận về quyền đánh bắt cá, thỏa thuận hậu Brexit có nguy cơ sụp đổ.

Các quan chức EU cho biết, hiện EC đang tham vấn các quốc gia thành viên về nhượng bộ từ phía Anh. Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU, ông Michel Barnier đã cập nhật thông tin về tiến trình đàm phán với Anh cho phái viên của 27 quốc gia thành viên EU. Ông cho rằng các nhà đàm phán hiện đang ở "thời điểm then chốt".

Sau khi chính thức rời khỏi EU vào ngày 31/1/2020, Anh bắt đầu quá trình chuyển tiếp kéo dài đến ngày 31/12 để thảo luận với EU về một thỏa thuận thương mại mới cho mối quan hệ hậu Brexit. Việc không đạt được thỏa thuận trước "thời hạn chót"  31/12 dự kiến sẽ gây gián đoạn và tổn thất kinh tế cho cả hai bên.

Tuy nhiên, các cuộc đàm phán hiện vẫn còn nhiều vướng mắc. Mỗi bên đều kêu gọi bên kia điều chỉnh quan điểm để tiến tới thỏa thuận và đảm bảo quan hệ thương mại song phương trị giá hàng nghìn tỷ USD không bị tổn hại vì các loại thuế quan và hạn ngạch. Hiện tại, phía EU vẫn giữ nguyên quan điểm rằng Anh cần phải chấp nhận nhượng bộ trong 3 chủ đề quan trọng là sân chơi thương mại công bằng, nghề cá và cơ chế giải quyết tranh chấp. Bên cạnh đó, Anh khẳng định không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào "không tôn trọng chủ quyền" của nước này. Nghị viện châu Âu luôn hối thúc các bên đạt thỏa thuận trước thời hạn chót để có đủ thời gian để cơ quan này đưa ra thảo luận và thông qua để kịp triển khai từ ngày 1/1/2021./.

Hoài Hà (Theo Bloomberg, Reuters)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực