G7 đạt thỏa thuận về thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu

Thứ hai, 14/06/2021 17:26
(ĐCSVN) - Các nhà lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ở Anh vừa thông qua đề xuất của Tổng thống Mỹ Joe Biden về áp thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% với mục đích giải quyết tình trạng trốn thuế và tạo bình đẳng về thuế giữa các nước.
leftcenterrightdel
G7 đạt thỏa thuận về thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu. (Ảnh: Reuters) 

Trong tuyên bố chung được đưa ra sau Hội nghị, G7 cho biết: "Với thỏa thuận này, chúng tôi đã có một bước đi quan trọng hướng tới một hệ thống thuế công bằng hơn, phù hợp với thế kỷ XIX, chấm dứt cuộc chạy đua đánh thuế rất thấp kéo dài suốt 40 năm qua".

Tuyên bố nhấn mạnh sự hợp tác này sẽ "tạo ra một sân chơi vững chắc hơn", giúp tăng thu thuế để hỗ trợ đầu tư và chấm dứt tình trạng trốn thuế, nhất là của các công ty đa quốc gia có doanh thu cao như các "đại gia" công nghệ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết: "Thỏa thuận trên sẽ giúp chấm dứt cuộc chạy đua đánh thuế rất thấp đang diễn ra tại các nước muốn bảo vệ đầu tư của tập đoàn bất chấp các ưu tiên như bảo vệ người lao động hay đầu tư vào cơ sở hạ tầng".

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết, một mức thuế tối thiểu toàn cầu sẽ đảm bảo kinh tế thế giới phát triển dựa trên một sân chơi công bằng hơn. Bà lập luận rằng, thuế suất tối thiểu cho doanh nghiệp toàn cầu sẽ giúp giải quyết tình trạng các công ty chuyển trụ sở sang các quốc gia khác nhằm giảm gánh nặng thuế. Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ, đây là một “cam kết quan trọng và chưa từng có”.

Đồng quan điểm với bà Janet Yellen, Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz coi đây là một thỏa thuận “lịch sử” sẽ giúp chấm dứt cuộc cạnh tranh tài chính giữa các nước. Theo ông Scholz, thỏa thuận này là tin xấu với các “thiên đường thuế” trên thế giới.

Về phía Anh, Bộ Tài chính nước này ông Rishi Sunak cho biết, sau nhiều năm thảo luận, G7 đã đạt được một thỏa thuận lịch sử nhằm cải cách hệ thống thuế toàn cầu để phù hợp với kỷ nguyên kỹ thuật số toàn cầu. Ông Sunak cho hay, bất kỳ thỏa thuận nào về mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu cũng cần đảm bảo các tập đoàn công nghệ lớn phải nộp thuế công bằng.

Thỏa thuận trên có thể coi là nền tảng cho một thỏa thuận rộng hơn tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ diễn ra tại Venice, Italy vào tháng 7 tới đây.

Thỏa thuận cũng hứa hẹn sẽ chấm dứt các khoản thuế dịch vụ kỹ thuật số quốc gia mà các nước châu Âu khác áp dụng với những công ty đa quốc gia của Mỹ như Apple, Google, Facebook và Amazon, điều mà Washington cho rằng mang tính phân biệt đối xử và thiếu công bằng đối với các doanh nghiệp của nước này.

Trước đó, vào tháng 3/2019, Thượng viện Pháp đã thông qua dự luật đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số ở mức 3% tổng doanh thu hàng năm tại Pháp đối với các công ty công nghệ.

Theo đó, mức thuế đánh vào doanh thu từ các dịch vụ kỹ thuật số của các công ty có hơn 25 triệu EUR (27,7 triệu USD) doanh thu ở Pháp và 750 triệu EUR (830 triệu USD) doanh thu mỗi năm trên toàn thế giới. 

Tổng thống Emmanuel Macron cho biết,ncần thiết phải đánh thuế đối với các gã khổng lồ công nghệ. Theo ông, mục đích của việc đánh thuế là nhằm tạo công bằng cho các hoạt động kinh doanh trên thế giới./.

Hoài Hà (Theo Reuters, CNBC)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực