Giá dầu thế giới tiếp tục chạm mốc cao kỷ lục mới

Thứ ba, 12/10/2021 16:17
(ĐCSVN) – Chốt phiên giao dịch ngày 11/10, giá dầu thế giới đã chạm mốc cao kỷ lục mới trong nhiều năm trong bối cảnh nhu cầu dầu toàn cầu tăng mạnh và nguồn cung bị thắt chặt.
leftcenterrightdel
Giá dầu thế giới tiếp tục chạm mốc cao kỷ lục mới trong bối cảnh nhu cầu dầu toàn cầu tăng mạnh và nguồn cung bị thắt chặt. (Ảnh: Reuters)

Theo đó, giá dầu Brent Biển Bắc, giao dịch ở mức 84,60 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 10/2018, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tại thị trường New York nhảy vọt lên mức cao nhất trong 7 năm là 80,52 USD/thùng. 

Giá dầu WTI đã tăng gần 30% kể từ giữa tháng 8/2021 khi cuộc khủng hoảng năng lượng gia tăng. Tập đoàn dầu khí Saudi Aramco (Ả rập – Xê út) ước tính, tình trạng thiếu khí đốt đã làm tăng nhu cầu dầu khoảng 500.000 thùng/ngày, trong khi Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs dự báo, mức tiêu thụ thậm chí còn tăng cao hơn.

Tốc độ phục hồi kinh tế sau đại dịch đã khiến nhu cầu năng lượng toàn cầu tăng mạnh, giữa lúc chính sách cắt giảm sản lượng của các quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn từ khi đại dịch bùng phát vẫn được duy trì. Sự tập trung đang hướng vào lợi ích của các công ty dầu mỏ và gây áp lực lên các chính phủ đang chuyển đổi sang năng lượng sạch. 

Giá dầu thế giới tăng lên mức cao nhất trong vòng 7 năm qua sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) đã nhất trí duy trì mức tăng sản lượng dầu thô như thỏa thuận đạt được trước đó đến tháng 11 tới, bất chấp lời kêu gọi tăng sản lượng từ phía Nhà Trắng nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu.

Chuyên gia phân tích Craig Erlam của OANDA nhận định, các thị trường vẫn đang trong tình trạng căng thẳng. “Cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ là mối quan tâm lớn trong những tháng tới cùng với đó là những quan ngại về lạm phát và khả năng các nước siết chặt chính sách tiền tệ”, ông Craig nhấn mạnh.

Trước đó, ngày 4/10, OPEC+ đã nhất trí tuân thủ thỏa thuận đạt được hồi tháng 7/2021, trong đó tăng sản lượng khoảng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng cho đến ít nhất tháng 4/2022, theo đó khôi phục dần sản lượng đã cắt giảm năm 2020 để hỗ trợ giá dầu trong bối cảnh kinh tế suy thoái do đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, quyết định của OPEC+ có thể làm gia tăng căng thẳng giữa các nước tiêu thụ năng lượng lớn như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc, các quốc gia vốn lo ngại lạm phát chi phí năng lượng có thể sẽ làm ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế của họ, các quốc gia vốn chiếm hơn 50% nguồn cung dầu toàn cầu.

Theo nhà phân tích cấp cao Phil Flynn của công ty tư vấn và môi giới đầu tư Price Futures Group tại Chicago (Mỹ), thị trường nhận thấy nguồn cung có thể thắt chặt trong vài tháng tới. Cuối tháng trước, Ủy ban kỹ thuật hỗn hợp của OPEC+ (JTC) dự báo tình trạng nguồn cung thiếu 1,1 triệu thùng/ngày trong năm nay có thể chuyển thành dư 1,4 triệu thùng/ngày trong năm 2022. Bất chấp sức ép tăng sản lượng, OPEC+ lo ngại làn sóng lây nhiễm COVID-19 trên toàn cầu lần thứ tư có thể ảnh hưởng đến đà phục hồi nhu cầu.

Tại cuộc họp hồi đầu tháng 9, OPEC+ đã thống nhất chủ trương sẽ tăng dần sản lượng khai thác dầu thô theo chính sách đang được áp dụng. Hai tháng trước đó, tại cuộc họp chính sách ngày 18/7, OPEC+ cho biết, 23 thành viên của nhóm đã nhất trí từ tháng 8 đến tháng 12 sẽ cung cấp cho thị trường thêm 2 triệu thùng/ngày, tức mỗi tháng sẽ tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày. Cùng với đó, thay vì kết thúc thỏa thuận cắt giảm chung vào tháng 4/2022 như dự kiến ban đầu, OPEC+ sẽ điều chỉnh kế hoạch cho tới tháng 12/2022 nhằm đề phòng nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại./.

 

 

 

H.Hà (Theo Reuters, news.cgtn)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực