Ngày 4/11, khoảng 20.000 công chức người Palestine ở Dải Gaza (Ga-da) đã tổ chức đình công nhằm phản đối việc Chính phủ đoàn kết Palestine không trả lương cho các nhân viên an ninh và quân sự của Hamas, phong trào hiện kiểm soát dải đất ven biển này.
|
Công chức Palestine xếp hàng chờ nhận lương. (Nguồn: Reuters) |
Ông Mohamed Seyam (Mô-ha-mét Xây-am), người đứng đầu liên đoàn công chức ở Gaza, cho biết tất cả các nhân viên dân sự thuộc các bộ ngành và cơ quan chính phủ, trừ trường học, đã tiến hành đình công trong một ngày để đòi hỏi các quyền lợi. Theo quan chức này, liên đoàn công chức tại Gaza sẽ tiếp tục đình công cho đến khi tất cả người lao động được hưởng quyền lợi.
Hồi tuần trước, Thủ tướng Chính quyền Palestine Rami Hamdallah (Ra-mi Ham-đan-la) cho biết khoảng 24.000 công chức đang làm việc trong các cơ quan dân sự ở Gaza sẽ được nhận khoảng 1.200 USD/người sau khi Qatar cam kết cung cấp khoản viện trợ trị giá 30 triệu USD để giúp Palestine giải quyết cuộc khủng hoảng tiền lương ở Gaza. Tuy nhiên, hơn 16.000 nhân viên an ninh, cảnh sát và quân đội do phong trào Hamas tuyển dụng không được hưởng khoản trợ cấp nói trên.
Sau khi lên nắm quyền tại Dải Gaza năm 2007, phong trào Hamas đã tuyển dụng hơn 40.000 người làm việc cho các cơ quan chính quyền. Tuy nhiên, sau khi đạt được một thỏa thuận với phong trào Fatah về việc thành lập Chính phủ đoàn kết Palestine hồi tháng 6 năm nay, Hamas đã từ chối trách nhiệm trả lương cho những công chức này. Về mặt lý thuyết, Hamas đã chuyển giao quyền lực cho Chính phủ đoàn kết Palestine nhưng trên thực tế phong trào này vẫn nắm quyền kiểm soát Dải Gaza.
Ngày 4/11, một quan chức cấp cao Palestine cho biết chính quyền Ramallah dự kiến sẽ trình một dự thảo nghị quyết lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) trong tháng này nhằm kêu gọi chấm dứt sự chiếm đóng của Israel đối với các vùng lãnh thổ của Palestine.
Theo ông Wassel Abu Yusef (Vát-xen A-bu Y-u-xép), quan chức cấp cao Phong trào Giải phóng Palestine (PLO), dự thảo trên đã được giới chức Palestine thảo luận trong nhiều tuần qua. Mặc dù có thể vấp phải sự phủ quyết của các nước thường trực HĐBA, song không ngăn cản quyết tâm của người Palestine nhằm đòi lại quyền lợi dân tộc.
Vòng đàm phán gần đây nhất giữa Israel và Palestine, dưới sự trung gian của Mỹ, đã đổ vỡ hồi tháng 4/2014 sau 9 tháng thương lượng mà không đạt kết quả. Rào cản chính của việc duy trì đàm phán là việc Chính phủ Israel kiên quyết theo đuổi các chương trình xây nhà định cư cho người Do Thái tại các vùng đất chiếm đóng của người Palestine./.