Hơn 100 triệu người mắc COVID-19 trên thế giới đã được chữa khỏi

Thứ năm, 25/03/2021 09:25
(ĐCSVN) – Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch COVID-19 với số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 lần lượt là 30.701.054 ca và 558.202 ca. Trong khi đó, vượt qua Ấn Độ, Brazil trở thành quốc gia đứng thứ hai thế giới về số ca mắc với 12.219.433 ca và số ca tử vong là 300.675. Đứng thứ ba thế giới là Ấn Độ với 11.787.013 ca nhiễm và 160.726 ca tử vong.

Trang thống kê trực tuyến worldometers.info tiếp tục cập nhật các số liệu mới nhất tính đến sáng 25/3 cho thấy, tổng số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới hiện là 125.318.822 ca, trong đó 2.754.855 ca tử vong và 101.170.539 ca đã được chữa khỏi.

Trong ngày hôm qua, thế giới ghi nhận thêm 519.007 ca nhiễm mới. Trong đó, Mỹ - nước chịu ảnh hưởng nhất của đại dịch COVID-19 - ghi nhận số ca nhiễm mới là  63.647 ca và 1.185 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 ở nước này lên lần lượt là 30.701.054            ca và 558.202 ca.

 Một nữ y tá tiêm vaccine phòng COVID-19 do Ấn Độ sản xuất ở khu vực Kashmir

(Ảnh: Getty Images)

Vượt qua Ấn Độ, Brazil trở thành quốc gia đứng thứ hai thế giới về số ca mắc với 12.219.433 ca và số ca tử vong là 300.675. Riêng ngày hôm qua, nước này ghi nhận thêm 82.818 ca nhiễm mới. Đứng thứ ba thế giới là Ấn Độ với 11.787.013 ca nhiễm và 160.726 ca tử vong.

Châu Âu là  khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất thế giới (38.089.530 ca). Với 35.311.281 ca mắc, Bắc Mỹ là khu vực bị ảnh hưởng thứ hai. Tiếp đến là châu Á với 27.367.519 ca và Nam Mỹ với 20.326.817 ca. Châu Phi (4.168.009 ca) và châu Đại Dương (54.945 ca) là 2 khu vực ít bị ảnh hưởng nhất.

Tại châu Âu, Ba Lan đã ghi nhận 29.978 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, mức kỷ lục tính theo ngày trong bối cảnh chính phủ sẵn sàng áp đặt các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt nhằm ngặn làn sóng dịch thứ ba đang xấu đi. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều khả năng chính phủ sẽ áp đặt thêm các hạn chế mới trước thềm lễ Phục sinh. Hiện số ca mắc của nước này là 2.120.671 ca.

Na Uy tuyên bố sẽ áp đặt thêm các biện pháp nghiêm ngặt hơn từ ngày 25/3- 12/4 để phòng dịch COVID-19. Theo đó, chính phủ sẽ tạm cấm các nhà hàng và quán bar bán rượu, bia. Các phòng tập thể dục và bể bơi công cộng phải đóng cửa. Các gia đình chỉ được phép tiếp tối đa 2 khách. Chính phủ cũng yêu cầu mọi người tăng giãn cách xã hội từ 1 lên 2 mét. Người nước ngoài đến Na Uy hoặc người Na Uy về nước không phải với lý do cấp thiết sẽ phải cách ly 10 ngày tại khách sạn được chỉ định, thay vì 3 ngày nếu có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 như quy định hiện nay.

Trong khi đó, Hà Lan thông báo sẽ gia hạn các biện pháp hạn chế để phòng dịch đến ngày 20/4 tới do số ca mắc gia tăng. Tuy nhiên, lệnh giới nghiêm ban đêm sẽ được rút ngắn, theo đó bắt đầu từ 22h, thay vì 21h, tối hôm trước và kéo dài đến 4h30 sáng hôm sau. Các biện pháp phòng dịch hiện nay tại Hà Lan theo dự kiến sẽ hết hiệu lực vào ngày 30/3 tới. Tuy nhiên, Chính phủ Hà Lan cho rằng không thể dỡ bỏ những hạn chế hiện nay khi số ca mắc lại tăng và thêm nhiều người phải nhập viện. Số ca nhiễm COVID-19 ở nước này hiện là 1.220.945.

Tại châu Á, người dân ở thủ đô Phnom Penh và 4 tỉnh Preah Sihanouk, Kandal, Prey Veng và Siem Reap của Campuchia bắt buộc phải đeo khẩu trang nơi công cộng trong bối cảnh những khu vực này được xác định là có nguy cơ lây nhiễm cao. Campuchia hiện đang trong làn sóng dịch bệnh thứ ba, bắt đầu từ ngày 20/2. Đến nay, nước này ghi nhận tổng số 1.817 ca nhiễm, trong đó có 5 trường hợp tử vong.

Trong khi đó, chính quyền thủ đô Tokyo của Nhật Bản và 3 tỉnh lân cận đã quyết định kéo dài việc yêu cầu các cơ sở kinh doanh rút ngắn giờ hoạt động nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh gia tăng trở lại tại vùng thủ đô. Trong ngày hôm qua, nước này ghi nhận thêm 1.289 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 459.043 ca.

Singapore sẽ mở rộng diện tiêm chủng cho những người dưới 60 tuổi bắt đầu từ ngày 24/3 nhờ những tiến triển tích cực trong chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người cao tuổi và các lực lượng tiền tuyến. Những người trong độ tuổi 45-59 tuổi sẽ được ưu tiên tiêm chủng trước.Tính đến hết ngày 24/3, Singapore đã tiêm hơn 1,1 triệu liều vaccine. Trong tuần qua, bình quân mỗi ngày có 40.000 liều vaccine được tiêm. Đã có gần 800.000 người đã được tiêm ít nhất một mũi, trong đó khoảng 310.000 người đã được tiêm mũi thứ hai. Số ca mắc COVID-19 ở nước này hiện là 60.236 ca.

Tại Bắc Mỹ, Chính phủ Cuba kỳ vọng đến tháng 8 tới, hơn 6 triệu người, chiếm 50% dân số nước này sẽ được tiêm chủng với các loại vaccine ngừa COVID-19 bào chế trong nước. Hiện Cuba đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 đối với hai loại vaccine do nước này bào chế là Soberana 2 và Abdala với các tình nguyện viên tại thủ đô La Habana và một số tỉnh miền Đông như Santiago de Cuba, Guantanamo và Granma. Nếu thành công, đây sẽ là hai vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên được bào chế tại khu vực Mỹ Latinh. Cuba đặt mục tiêu đến cuối năm nay sẽ tiêm chủng cho tất cả người dân. Số ca mắc COVID-19 ở Cuba hiện là 68.986, trong đó có 405 ca tử vong.

Tại Nam Mỹ, Colombia sẽ áp đặt các biện pháp mới hạn chế người dân đi lại tại các thành phố có nhiều bệnh nhân COVID-19 thể nặng. Cụ thể, trong các khoảng thời gian từ 26-29/3 và từ 31/3-5/4 tới, người dân sẽ bị hạn chế về thời gian vào siêu thị, ngân hàng và trung tâm mua sắm căn cứ vào số thẻ căn cước. Trong thời gian trên, người dân cũng sẽ bị hạn chế đi lại từ 20h tối hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau. Quy định này áp dụng tại tất cả các thành phố có tỷ lệ sử dụng số giường bệnh tại các khu chăm sóc đặc biệt (ICU) lên tới hơn 70%. Ngoài ra, lệnh giới nghiêm từ nửa đêm hôm trước đến 5h sáng hôm sau được áp dụng tại những thành phố có tỷ lệ này vượt 50%. Chính phủ Colombia nhấn mạnh biện pháp phòng ngừa trên là cần thiết để tránh nguy cơ làn sóng thứ ba chạm đến đỉnh dịch trong vài tuần tới, hoặc vào tháng 4 hay tháng 5 tới. Số ca mắc ở nước này hiện là 2.353.210 ca.

Tại châu Phi, Nam Phi vẫn là quốc gia dẫn đầu về số ca mắc với 1.540.009, trong đó 52.372 ca đã tử vong. Trong ngày hôm qua, nước này ghi nhận 1.048 ca mắc mới.

Châu Đại Dương ghi nhận tổng số 54.945 ca nhiễm COVID-19, trong đó 1.120 ca đã tử vong. Australia là quốc gia đứng đầu khu vực về số ca nhiễm với 29.218 ca, trong đó có 909 ca tử vong./.

 

Kiều Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực