Huawei cáo buộc Mỹ tấn công vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Thứ năm, 24/09/2020 16:04
(ĐCSVN) – Ngày 23/9, Huawei cho biết tập đoàn công nghệ này đang chịu sức ép từ các lệnh hạn chế của Mỹ, đồng thời kêu gọi Washington “xem xét lại” các biện pháp cấm vận thương mại vốn đang cản trở chuỗi cung ứng trên phạm vi toàn cầu.

Diễn biến này không chỉ cho thấy những căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung mà còn dự báo về tương lai khó đoán của cuộc thương chiến đã kéo dài hơn 2 năm qua giữa 2 nền kinh tế lớn nhất, nhì thế giới.

Các lệnh trừng phạt từ Mỹ đang tác động nghiêm trọng tới Huawei

Hội chợ Huawei Connect diễn ra tại Thượng Hải (Trung Quốc), ngày 23/9. Ảnh: Reuters 

Hiện Huawei - nhà sản xuất thiết bị viễn thông di động và điện thoại thông minh lớn nhất trên thế giới đang chịu áp lực từ các biện pháp hạn chế thương mại của Mỹ - vốn được đưa ra nhằm cản trở quyền tiếp cận của “gã khổng lồ công nghệ” Trung Quốc đối với các sản phẩm chip thương mại sẵn có trên thị trường.

Phát biểu trước các phóng viên tại Hội chợ thường niên Huawei Connect - một trong những sự kiện công nghệ mang tầm thế giới do tập đoàn công nghệ viễn thông hàng đầu tổ chức ở thành phố Thượng Hải (Trung Quốc), ngày 23/9, Chủ tịch luân phiên của tập đoàn Huawei – ông Quách Bình (Guo Ping) cho biết, trước mắt Huawei có đủ chip để hoạt động nhưng hiện nay cũng đang chịu sức ép nặng nề bởi chưa thấy dấu hiệu hạ nhiệt mâu thuẫn giữa 2 nước.

“Mỹ đã lần thứ 3 sửa đổi các lệnh trừng phạt và điều này đang tạo ra những thách thức nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất và vận hành của chúng tôi” – ông Quách Bình nói.

Theo quan điểm của ông Quách Bình, các biện pháp giới hạn hiện nay mà Mỹ đang áp dụng đã tạo ra những thách thức lớn cho các hoạt động sản xuất điện thoại thông minh của Huawei. Ông Quách Bình cảnh báo, việc gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ “giáng một đòn mạnh” không chỉ nhằm vào Huawei mà còn vào nhiều công ty ở các nước khác.

Công nghệ đang trở thành “át chủ bài” trong thương chiến Mỹ-Trung?

Tại Hội chợ thường niên Huawei Connect , ngày 23/9, Chủ tịch luân phiên của tập đoàn Huawei – ông Quách Bình kêu gọi Mỹ xem lại “đòn tấn công” vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
(Video: yahoo.com)

Trong thời gian gần đây, Mỹ đã nhiều lần cáo buộc Huawei đang trở thành công cụ gián điệp của chính phủ Trung Quốc và trở thành một “mối đe an ninh quốc gia Mỹ”, để từ đó có những động thái gây sức ép nhằm vào tập đoàn này. Từ ngày 15/9, Mỹ đã áp đặt các biện pháp giới hạn mới nhằm cản trở các công ty nước này cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho Huawei. Về phía tập đoàn công nghệ của Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ các cáo buộc trên của Mỹ.

Phát biểu tại Hội chợ thường niên Huawei Connect, ông Quách Bình khẳng định Huawei sẵn sàng sử dụng chip của Qualcomn trong các sản phẩm di động thông minh nếu nhà cung cấp này xin được giấy phép của Chính phủ Mỹ. Song song với đó, Huawei cũng đang đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, tuyển dụng nhân tài tiến tới tự chủ sản xuất chip.

“Chúng tôi hy vọng rằng chính phủ Mỹ có thể xem xét lại chính sách của họ và nếu như chính phủ Mỹ cho phép thì chúng tôi vẫn sẵn lòng mua sản phẩm do các công ty của họ sản xuất” – ông Quách Bình nói.

Cho tới nay, Qualcomn vẫn chưa đưa ra phản ứng tức thời nào sau tuyên bố từ ông Quách Bình. Tuy nhiên, một tập đoàn khác của Mỹ là Intel đã được chính phủ cho phép cung cấp một số sản phẩm nhất định cho Huawei. Trong khi đó, tập đoàn sản xuất chất bán dẫn của Trung Quốc Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC) chuyên sử dụng các máy móc của Mỹ để sản xuất chip cho Huawei, cũng xác nhận đã nộp đơn xin chính phủ Mỹ cấp phép để làm ăn với Huawei. Một tập đoàn sản xuất chip của Hàn Quốc là SK Hynix cũng đã nộp đơn lên chính phủ Mỹ xin cấp phép cung cấp sản phẩm cho Huawei, song vẫn chưa được chấp thuận. Vào tháng 8/2020, tập đoàn thiết kế chip của Đài Loan (Trung Quốc) MediaTek Inc cũng tiết lộ đã nộp đơn lên chính phủ Mỹ về vấn đề này.

Cách đây ít lâu, Huawei đã thông báo về việc sẽ ngừng sản xuất dòng chip tiên tiến nhất của tập đoàn này theo dây chuyền Kirin cho điện thoại thông minh, kể từ ngày 15/9. Điều này có thể sẽ khiến nguồn chip này bị cạn kiệt trong năm tới.

Cho tới nay, Mỹ tiếp tục tỏ rõ thái độ “không lùi bước” trong vấn đề Huawei. Thậm chí triển vọng giải quyết những tranh cãi giữa hai nền kinh tế lớn nhất, nhì thế giới liên quan tới “quân át chủ bài” Huawei còn được dự báo là sẽ kéo dài, nhất là khi quan hệ Mỹ-Trung đang được cho là ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.

Tháng trước, Mỹ đã tuyên bố sẽ mở rộng một chương trình có tên gọi “Clean Network” nhằm ngăn chặn các ứng dụng và các công ty viễn thông khác nhau của Trung Quốc truy cập thông tin nhạy cảm về các công dân cùng các doanh nghiệp Mỹ.

Trước diễn biến trên, ông David Wang – Giám đốc điều hành của Huawei hy vọng rằng, các nước sẽ đưa ra “những tiêu chuẩn hợp lý” cho công nghệ 5G. Ông Wang khẳng định hiện Huawei vẫn chưa nhận thấy bất kỳ tác động tiêu cực nào đối với hoạt động kinh doanh 5G trên toàn cầu do chương trình của Mỹ mang lại./.

Thu Lan (Theo báo chí nước ngoài)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực