IAEA đạt “giải pháp tạm thời” với Iran

Thứ hai, 22/02/2021 14:34
(ĐCSVN) – Ngày 21/2, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và Iran đã công bố một thỏa thuận "tạm thời" để duy trì thanh sát hạt nhân, dù mức độ tiếp cận sẽ bị hạn chế, cho đến khi các cuộc đàm phán ngoại giao bắt đầu giữa các bên ký kết hiệp ước năm 2015 nhằm nỗ lực thoát khỏi ngõ cụt.
 Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế Rafael Grossi (giữa), tại cuộc họp ở Tehran ngày 21/2/2021 (Ảnh: IAEA)

Phát biểu khi trở lại Vienna sau "tham vấn chuyên sâu" ở Tehran, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế Rafael Grossi cho biết: Luật Iran quy định hạn chế một số cuộc thanh sát, bao gồm cả trên các địa điểm quân sự đáng ngờ, nếu lệnh trừng phạt của Mỹ không được dỡ bỏ, "tồn tại và sẽ được áp dụng" từ ngày 23/2. "Quyền truy cập sẽ bị giảm, (…) nhưng chúng ta sẽ có thể duy trì mức độ giám sát và xác minh cần thiết" – ông nói. "Điều này cứu vãn tình hình ngay lập tức".

Theo các điều khoản của "thỏa thuận song phương kỹ thuật" kéo dài 3 tháng nhưng có thể bị đình chỉ bất kỳ lúc nào, số lượng thanh tra tại chỗ không thay đổi và vẫn có thể tiến hành các cuộc kiểm tra không báo trước.

Ông Grossi nói thêm: “Tất nhiên, để ổn định tình hình, sẽ phải đàm phán chính trị, và đó không phải là trách nhiệm của tôi”.

Về phần mình, Iran đã đề cập đến các cuộc thảo luận "có kết quả", trong khi Tổng giám đốc IAEA gặp Chủ tịch Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (OIEA) Ali Akbar Salehi và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mohammad Javad Zarif.

Tuyên bố với kênh truyền hình Press TV, Bộ trưởng Ngoại giao Iran cam kết ông Grossi sẽ có thể "thực hiện nghĩa vụ của mình để chứng tỏ rằng chương trình hạt nhân Iran vẫn hòa bình".

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi, "các cuộc thanh tra sẽ giảm khoảng 20 – 30% sau khi luật được thực thi" và “điều này chắc chắn không có nghĩa là rút khỏi thỏa thuận” năm 2015.

Mặt khác, OIEA cho biết Iran sẽ không cung cấp "bản ghi liên quan đến các hoạt động và thiết bị" của một số địa điểm, theo quy định của luật được Quốc hội thông qua vào tháng 12. "Nếu các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ hoàn toàn trong vòng 3 tháng, thông tin này sẽ được chuyển tới IAEA, nếu không, nó sẽ bị xóa vĩnh viễn" – OIEA nhấn mạnh.

Thỏa thuận Vienna, được ký kết với nhóm 5+1 (Mỹ, Pháp, Đức, Anh, Nga, Trung Quốc), quy định việc dỡ bỏ dần dần các biện pháp trừng phạt để đổi lấy sự bảo đảm rằng Iran sẽ không có được vũ khí nguyên tử, ngay cả khi Cộng hòa Hồi giáo luôn phủ nhận việc có ý định như vậy.

Sau khi Mỹ đơn phương rút quân và khôi phục các lệnh trừng phạt bóp nghẹt nền kinh tế Iran, Iran tuy vậy, kể từ năm 2019, đã tự giải phóng mình khỏi một số giới hạn mà nước này đã đồng ý áp đặt đối với chương trình hạt nhân của mình. “Một khi mọi người đã hoàn thành phần việc và nghĩa vụ của mình, thì sẽ có các cuộc thảo luận” – ông Zarif nhắc lại vào ngày 21/2 vừa qua.

Kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden lên nắm quyền, người đã tuyên bố sẵn sàng quay trở lại thỏa thuận mà người tiền nhiệm Donald Trump để lại vào năm 2018, Mỹ và Iran đã vượt qua câu hỏi ai nên thực hiện bước đầu tiên.

Trong một động thái, Washington hôm 18/2 đã chấp nhận lời mời tham gia vào các cuộc đàm phán về chủ đề này. Nhưng ngày hôm sau, ông chủ mới của Nhà Trắng đã kêu gọi các đồng minh cùng hợp tác để đáp trả "các hoạt động gây bất ổn" của Iran ở Trung Đông.

Trong bối cảnh ngoại giao phức tạp này và trong khi Iran và Mỹ không có quan hệ ngoại giao kể từ năm 1980, Tehran cho biết họ đang xem xét đề xuất của EU về một "cuộc họp không chính thức".

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã kêu gọi nắm bắt "cơ hội" để chấm dứt các lệnh trừng phạt, một yêu cầu mà ông cho là "hợp pháp và hợp lý"./.

Khánh Linh (Theo AFP, AP, PressTV)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực