IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2021

Thứ năm, 22/07/2021 16:15
(ĐCSVN) – Ngày 21/7, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đưa ra thông báo cho biết, IMF ước tính tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2021 sẽ ở mức 6%, tương đương với mức dự báo đưa ra hồi tháng 4 vừa qua.
Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva. (Ảnh: Reuters)

Phát biểu tại một sự kiện trực tuyến do Viện Kinh tế Quốc tế Peterson tài trợ, bà Georgieva cho biết, quá trình phục hồi kinh tế sẽ chậm lại trừ khi tốc độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 được đẩy nhanh. Theo bà, với tốc độ tiêm phòng hiện nay, mục tiêu đẩy lùi đại dịch COVID-19 trước cuối năm 2022 sẽ không thể thực hiện được.

Trước đó, hồi tháng 4, IMF đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức 6% trong năm 2021, tốc độ tăng trưởng mạnh nhất kể từ những năm 1970, với điều kiện nguồn cung vaccine cải thiện và các nền kinh tế mở cửa trở lại cùng sự trợ giúp từ các gói kích thích tài khóa chưa từng có tiền lệ, đặc biệt là ở Mỹ. 

Tuy nhiên, bà Georgieva cũng cho rằng, đà phục hồi kinh tế có thể sẽ suy giảm trong bối cảnh các quốc gia đang phát triển thiếu nguồn cung vaccine và biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 lây lan mạnh.

IMF dự kiến sẽ công bố dự báo Triển vọng Kinh tế Thế giới cập nhật vào ngày 27/7 tới. Tuy nhiên, bà Georgieva cho biết, IMF vẫn duy trì dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay ở mức 6% nhưng tốc độ tăng trưởng ở các khu vực và các quốc gia sẽ có sự điều chỉnh.

“Một số quốc gia được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh hơn, trong khi một số quốc gia khác lại tăng trưởng chậm hơn. Vậy sự khác biệt là gì? Chủ yếu là do tốc độ và hiệu quả của chiến dịch tiêm chủng vaccine cũng như năng lực tài chính sẵn có”, bà Georgieva nói.

Tháng 6 vừa qua, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng dự báo, nền kinh tế toàn cầu trong năm 2021 sẽ đạt mức tăng trưởng 5,6%, tốc độ phục hồi nhanh nhất từ bất kỳ cuộc suy thoái toàn cầu nào trong vòng 80 năm qua mà phần lớn nhờ vào sự phục hồi mạnh mẽ từ một số nền kinh tế lớn.

Báo cáo của WB cho rằng, chương trình tiêm phòng COVID-19 và các biện pháp kích thích kinh tế ở các nền kinh tế lớn sẽ thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu. Kinh tế thế giới năm ngoái đã sụt giảm 3,5% sau khi đại dịch COVID-19 làm gián đoạn các hoạt động thương mại và buộc các doanh nghiệp phải đóng cửa và người dân phải ở nhà.

Cũng theo báo cáo, WB cho biết, bất chấp kinh tế toàn cầu đang cho thấy dấu hiệu phục hồi thì các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển vẫn đang tiếp tục phải vật lộn với đại dịch COVID-19 và hậu quả mà nó gây ra.

Báo cáo cũng lưu ý, đại dịch cũng sẽ ảnh hưởng đến thu nhập bình quân đầu người tại 2/3 thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển trong năm 2022. Trong số các nền kinh tế có thu nhập thấp, những nơi mà việc tiêm chủng vaccine chưa diễn ra đồng đều, tác động của đại dịch đã làm đảo ngược kết quả giảm đói nghèo và làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh và gây ra các thách thức lâu dài khác.

Theo WB, nền kinh tế Mỹ được dự báo sẽ tăng trưởng 6,8% trong năm 2021. Nền kinh tế lớn nhất thế giới năm ngoái đã sụt giảm 3,5% do dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, chiến dịch tiêm vaccine được thúc đẩy nhanh chóng và rộng rãi cùng với các chương trình hỗ trợ kinh tế khổng lồ của chính phủ sẽ giúp nền kinh tế nước này sớm hồi phục./.

Hoài Hà (Theo Reuters, financialpost.com)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực