Indonesia xây nhà máy chế biến rác thải nhựa thành dầu diesel

Thứ sáu, 07/02/2020 15:50
(ĐCSVN) – Chính quyền tỉnh Tây Java (Indonesia) sẽ xây dựng các nhà máy chế biến chất thải nhựa thành dầu diesel và nguyên liệu nhựa thô, dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2023.
leftcenterrightdel
Một bãi rác thải tại làng Pahlawan Setia, tỉnh Tây Java, Indonesia. (Ảnh: thejakartapost.com)

Dự án này là sự hợp tác giữa tỉnh Tây Java và công ty chế biến nhựa Plastic Energy có trụ sở tại Anh. Hiện công ty này đang bước đầu giúp đỡ chính quyền tỉnh xem xét tính khả thi trong việc thực hiện dự án.

Thống đốc tỉnh Tây Java, ông Ridwan Kamil cho biết các nhà máy trên sẽ được xây dựng tại 5 địa điểm, bao gồm các thành phố Bekasi, Tasikmalaya và Cirebon. 2 địa điểm còn lại sẽ được xây dựng tại bãi chôn rác Sarimukti, thành phố  Bandung và Galuga thuộc thành phố Bogor.

Tại cuộc họp báo với công ty Plastic Energy tại thành phố Bandung, tỉnh Tây Java, ông Ridwan cho biết:  “Nếu mọi việc suôn sẻ, dự án tại Sarimukti và Galuga sẽ được bắt đầu vào năm nay. Chúng tôi đang hoàn thiện thiết kế kỹ thuật chi tiết cho dự án trong tháng này”.

Ông Ridwan cho biết mỗi địa điểm sẽ bao gồm hai nhà máy. Trong đó bao gồm một nhà máy lọc chất thải nhựa ra khỏi các loại chất thải khác và một nhà máy chế biến rác thải nhựa thành dầu diesel.  

Nhà máy lọc chất thải nhựa khỏi các loại chất thải khác sẽ mất khoảng 9 tháng để hoàn thành, trong khi nhà máy chế biến rác thải nhựa thành dầu diesel sẽ mất khoảng 2 năm để xây dựng.

Giám đốc điều hành (CEO) công ty Plastic Energy Carlos Monreal cho biết công ty sẽ đầu tư ít nhất 50 triệu EUR (55 triệu USD) cho mỗi địa điểm xử lý chất thải tại Indonesia.

Tại các nhà máy chế biến rác thải, chất thải sinh hoạt được thu gom từ các hộ gia đình sẽ được phân loại dựa trên từng chất liệu.

Theo ông Carlos Monreal, hiện công ty Plastic Energy đã tái chế 5-6 triệu tấn nhựa mỗi năm tại châu Âu. Công ty này hiện đang đặt mục tiêu nâng công suất tái chế lên 10 triệu tấn nhựa vào năm 2025. Ông cho biết thêm, công ty cùng các đối tác châu Âu cam kết sẽ đảm bảo các nhà máy tái chế rác thải nhựa tại Indonesia sẽ tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình cũng như các tiêu chuẩn về an toàn và sức khỏe.

Hiện, công ty Plastic Energy đang sử dụng công nghệ xử lý phân hủy kỵ khí như một công nghệ tiền xử lý chất thải rắn để biến chất thải nhựa thành nguyên liệu nhựa tái chế hoặc nhiên liệu ít carbon.

Công ty Plastic Energy cũng đang xây dựng các nhà máy chế biến rác thải nhựa tương tự tại Tây Ban Nha trong khoảng thời gian kéo dài 3 năm. Vào năm ngoái, công ty này cũng đã ký kết một thỏa thuận thương mại với công ty sản xuất hóa chất SABIC có trụ sở tại Ả rập – Xê út để cung cấp nguyên liệu sản xuất polymer công nghiệp cho đối tác Hà Lan.

Sở hữu hơn 17.000 hòn đảo, với 70% lãnh thổ là nước, nhưng Indonesia được mệnh danh là nhà máy sản xuất rác thải nhựa lớn thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc. Đất nước này đang đối mặt với nạn ô nhiễm môi trường biển trầm trọng do rác thải nhựa gây ra. Tuy nhiên, quản lý rác thải trên biển, đặc biệt là rác thải nhựa, đang là thách thức lớn với chính phủ nước này. Theo cơ quan Thống kê Trung ương và Hiệp hội Công nghiệp Nhựa Indonesia, mỗi năm quốc gia này sản xuất 64 tấn rác thải, trong đó 3,2 tấn rác sẽ theo các con sông đổ ra biển. 

Chính phủ Indonesia cam kết hành động để đạt mục tiêu giảm khoảng 70% lượng rác thải nhựa từ nay đến năm 2050 tại các vùng biển của nước này, thông qua các biện pháp tái chế, giảm sử dụng đồ nhựa và nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của rác thải nhựa. Chính phủ Indonesia cũng cam kết chi 1 tỷ USD mỗi năm để làm sạch các con sông và biển tại nước này./.

Hoài Hà (Theo Jakarta Post, aecnewstoday.com)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực